Báo Công An Đà Nẵng

"Bóng ma" đảo hính ở Thổ Nhĩ Kỳ (3)

Thứ bảy, 23/07/2016 10:07

* Kỳ cuối: Tương lai nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?

(Cadn.com.vn) - Dù cuộc đảo chính quân sự đã thất bại nhưng lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức kéo dài mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt trong thời gian tới.

Sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “đại thanh trừng” trong quân đội, bắt giữ ít nhất 118 tướng lĩnh (gần 1/3 số tướng lĩnh của quân đội), những người bị tố cáo đã lên kế hoạch và chỉ huy cuộc binh biến.

Ngoài ra, Ankara đã bắt giữ 2.745 thẩm phán và công tố viên, thu hồi giấy phép của 21.738 giáo viên đang làm việc tại các trường tư nhân, yêu cầu 1.577 trưởng khoa ở các trường đại học từ chức. Cơ quan viễn thông đầu não Thổ Nhĩ Kỳ thu hồi giấy phép của 24 Cty phát thanh và truyền hình bị tố cáo có liên quan đến Fethullah Guelen, người bị tố cáo là chủ mưu vụ đảo chính.  Dù được cho là “phù hợp với pháp luật” nhưng hành động “mượn gió bẻ măng” này của Tổng thống Recep Erdogan có thể kéo theo những hệ lụy mà Ankara không thể nào lường trước được.

Hàng loạt tướng quân đội bị bắt giữ, và có thể đối mặt án tử hình, sau vụ đảo chính hôm 15-7. Ảnh: CNN

Tiến trình gia nhập EU

Một phần trong chiến dịch thanh trừng, Tổng thống Erdogan cho biết có thể khôi phục lại án tử hình đã bị hủy bỏ năm 2004 – động thái mà Ankara đưa ra theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EU) để có thể xin gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, tin này nhanh chóng nhận được lời cảnh báo từ trưởng ban đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, rằng, một nỗ lực như vậy có thể chấm dứt các hy vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Mogherini khẳng định, “tôi xin nói rất rõ, không một nước nào có thể trở thành thành viên EU nếu đề xuất án tử hình”.

Tư cách thành viên NATO

Tuyên bố khôi phục án tử hình được xem như hành động “đổ thêm dầu vào lửa” của Thổ Nhĩ Kỳ và hậu quả của việc này là Ankara có thể bị khai trừ tư cách thành viên tổ chức quân sự NATO. Kể từ năm 1952, khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh, quốc gia này được xem là “bức tường thành quan trọng” trong việc bảo vệ lợi ích phương Tây tại Âu Á chống lại Liên Xô và đồng minh của cường quốc này trong thế giới Arab. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ khéo léo trụ chân được trong tổ chức NATO mặc dù có bị chỉ trích về các chính sách đối nội khắc nghiệt. Nhưng giờ đây, các nhà lãnh đạo Châu Âu của NATO mất hết kiên nhẫn đối với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ với Mỹ

Mối quan hệ đồng minh Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ xấu đi sau khi Tổng thống Erdogan tố cáo giáo sĩ Fethullah Guelen hiện sống lưu vong tại Mỹ đứng sau cuộc đảo chính. Nhiều lần Ankara yêu cầu Mỹ sớm dẫn độ vị giáo sĩ này về quy tội. Thủ tướng Binali Yildirim thậm chí còn tuyên bố xem xét lại tình bạn với Mỹ cũng như khẳng định bất kỳ quốc gia nào bảo vệ và hỗ trợ cho Guelen, quốc gia đó sẽ bị coi là tuyên bố chiến tranh với Ankara. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết với ông Guelen nếu Ankara chứng minh được vai trò của ông trong cuộc đảo chính. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cảnh báo, những cáo buộc hoặc những phát biểu ám chỉ Mỹ liên quan đến vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là “hoàn toàn sai và sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước”.

Bất ổn kéo dài

Theo giới phân tích, chiến dịch “đại thanh trừng” của Thổ Nhĩ Kỳ dễ gây thêm căm phẫn, và phân hóa trong xã hội, cũng như châm ngòi cho làn sóng biểu tình trong thời gian tới. Chiến dịch trấn áp cũng sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội. Theo đó, người dân có thể tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ bên ngoài. Các phiến quân IS có thể sẽ tận dụng thời khắc này để tuyển mộ thêm binh sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, chúng sẽ thâm nhập vào Châu Âu, như cách mà các tay súng thánh chiến đã băng qua Thổ Nhĩ Kỳ khi tới Syria. Bên cạnh đó, sự xa cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây lại là cơ hội tốt để hàn gắn trở lại mối quan hệ Ankara và Moscow, nhất là sau khi Tổng thống Erdogan đã chính thức xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay Nga hồi năm ngoái. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch ngăn chặn Nga ở Syria của Mỹ.

Tuệ Khanh
(Theo CNN, Guardian)