Báo Công An Đà Nẵng

Brazil trước “cơn sóng thần” khủng hoảng chính trị

Thứ sáu, 25/03/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do Viện Datafolha tiến hành, 68% người dân Brazil ủng hộ việc luận tội Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff. Con số này cho thấy, chiếc ghế của bà Rousseff có nguy cơ lung lay hơn bao giờ hết.

năm trước, Brazil từng là “con cưng” của thế giới đang phát triển. Nền kinh tế quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này tăng trưởng chóng mặt. Động lực chính được cho là nhờ việc bán nguyên vật liệu và hàng hóa cho Trung Quốc. Ngoài ra, nước này còn xây dựng ngành công nghiệp công nghệ cao và đào tạo những kỹ sư tài giỏi cho riêng mình. Vì thế, Brazil nhanh chóng soán ngôi nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới của Anh.

Khủng hoảng chính trị

Phát triển kinh tế và cải thiện xã hội phải đi đôi với nhau. Vì vậy, một chương trình phúc lợi mới gọi là “Bolsa Familia” được ban hành. Chương trình chủ yếu tập trung vào nâng cao chất lượng của dinh dưỡng và giáo dục, và giúp khoảng 40 triệu người thoát nghèo. Năm 2006, ông Luiz Inacio Lula da Silva đắc cử tổng thống. 4 năm sau, ông đưa người kế nhiệm, bà Dilma Rousseff trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil.

Tuy nhiên, chính phủ bà Rousseff không có được “may mắn” như thời ông Lula da Silva. Gần đây, hàng trăm nghìn người dân Brazil từ già, trẻ, gái, trai xuống đường tham gia biểu tình yêu cầu bà Rousseff từ chức và bỏ tù cựu Tổng thống Lula da Silva. Nhiều người gọi nữ tổng thống và đảng Công nhân là “nỗi khiếp sợ” của đất nước. Mặc dù đời sống của người dân dần được cải thiện, Brazil xuất hiện sự phân chia sâu sắc giữa giàu và nghèo, cũng như da đen và da trắng.

Chia rẽ càng hằn sâu khi cách đây vài ngày, một đám đông đa dạng chủng tộc đổ xô xuống đường phố Brazil thể hiện sự ủng hộ đối với đương kim Tổng thống Rousseff trong khi bà đang đối mặt với các lời kêu gọi buộc tội. Những người này chủ yếu xuất phát từ tầng lớp lao động vì họ được hưởng lợi từ những chính sách phúc lợi xã hội trong những năm gần đây. Họ tố cáo việc yêu cầu luận tội nữ tổng thống không khác gì một cuộc đảo chính chống lại chính quyền được bầu cử một cách dân chủ.

Người dân xuống đường kêu gọi luận tội Tổng thống Dilma Rousseff. Ảnh: Reuters 

Cảnh sát vào cuộc

Một cuộc điều tra mang tên “Chiến dịch Lava Jato” (còn gọi là Chiến dịch Rửa xe) tập trung vào vụ bê bối tham nhũng gây chấn động Brazil liên quan đến cựu Tổng thống Lula da Silva và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Trong vụ án này, một số Cty xây dựng và kỹ thuật được cho là đút lót số tiền khổng lồ lên đến vài tỷ USD cho giới chính trị gia và doanh nghiệp để giành những hợp đồng béo bở.

Sự việc càng trở nên cao trào hơn khi thẩm phán Sergio Moro tung đoạn ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa bà Rousseff và ông Lula da Silva cho thấy, bà Rousseff chỉ định người tiền nhiệm vào một vị trí trong nội các để tránh bê bối tham nhũng lớn nhất trong lịch sử nước này.

Hơn 150 thành viên của Quốc hội và các quan chức chính phủ Brazil đang phải đối mặt với tội danh nghiêm trọng như hối lộ, tham nhũng và rửa tiền. Trong đó, quá trình luận tội Tổng thống Rousseff có thể kéo dài. Đã đến lúc bà phải đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết mọi chuyện. Hoặc là tìm cách giải quyết thuận lợi nhất hoặc là từ chức nếu tiếp tục không nhận được sự ủng hộ của người dân. Nhưng có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của Brazil là cuộc điều tra chống tham nhũng sẽ âm thầm “chìm” xuống.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)