Báo Công An Đà Nẵng

“Brexit cứng” - ngày càng hiện hữu

Thứ ba, 02/10/2018 10:48

Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh đã bắt đầu cuộc họp thường niên kéo dài 4 ngày tại Birmingham từ hôm 30-9, với trọng tâm bàn về Brexit. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để đảng này gạt bỏ bất đồng, tiến đến một tầm nhìn chung về bài toán nan giải Brexit này.

Những người biểu tình phản đối Brexit khi đảng Bảo thủ bắt đầu cuộc họp thường niên kéo dài 4 ngày tại Birmingham, từ hôm 30-9.  Ảnh: AP

Trong bài phát biểu gây chú ý hôm 1-10, Bộ trưởng Brexit của Anh, ông Dominic Raab đã mạnh mẽ cảnh báo EU - và nội bộ đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ của ông - rằng, London sẵn sàng rời khỏi khối mà không có một thỏa thuận nào (còn gọi là Brexit cứng) thay vì chấp nhận tuân thủ các quy tắc và nghĩa vụ chặt chẽ được đưa ra.

RỜI ĐI MÀ KHÔNG CẦN MỘT THỎA THUẬN NÀO

Theo AP, phát biểu với các thành viên đảng Bảo thủ tại hội nghị thường niên của đảng, ông Dominic Raab nói rằng, nếu EU cố gắng “khóa chúng tôi qua cửa sau” bằng cách giữ nước Anh trong thị trường đơn lẻ hoặc liên minh thuế quan”, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác việc ra đi mà không cần có một thỏa thuận nào.

10 ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU nói với Thủ tướng Theresa May rằng, các điều khoản “ly hôn” mà bà đề xuất là không thể chấp nhận được, Bộ trưởng Raab cáo buộc EU đang cố “tấn công” nước Anh. Ông nói rằng, nếu khối này muốn một thỏa thuận, họ cần phải nghiêm túc hơn. “Và họ cần phải làm điều đó ngay bây giờ”, ông Raab nhấn mạnh. Lập trường cứng rắn của ông Raab đối với EU gây bùng nổ tranh cãi và chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ. Nhiều nghị sĩ bảo thủ mong muốn giữ mối quan hệ chặt chẽ với EU sau khi Anh rời đi vào tháng 3-2019. Đó là lý do Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng, EU thật sự nghiêm túc muốn đi đến thỏa thuận “ly hôn” với London, dù thừa nhận rằng sự không chắc chắn về việc Anh rời khỏi EU đã tác động đến kinh tế của xứ sở Sương mù. Theo ông, nhiều doanh nghiệp đang chờ xem kết quả của cuộc thương lượng này trước khi xác định các kế hoạch đầu tư. Ông còn nhận định khi Thủ tướng May đạt được thỏa thuận này thì sẽ có cuộc bứt phá thực sự cho kinh tế.

NỀN KINH TẾ ANH ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?

Tuy nhiên, triển vọng cho nền kinh tế Anh thật sự khá mịt mờ, trong bối cảnh khả năng London rời EU mà không có thỏa thuận nào ngày càng cao do việc thiếu sự đoàn kết của đảng Bảo thủ cầm quyền đang gây ra nhiều rắc rối cho Thủ tướng May. Các nhóm kinh doanh chính lo sợ về các rào cản đối với thương mại và tuyển dụng lao động có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Anh.

Theo nghiên cứu mới nhất, quyết định của Anh rời khỏi EU khiến chính phủ nước này mất 500 triệu bảng (650 triệu USD)/tuần. Điều này trong tích tắc xóa sạch mọi khoản tiết kiệm trong tương lai được dành để thanh toán cho khối này. Trung tâm Cải cách Châu Âu (CER), một nhóm nghiên cứu tập trung vào EU, cho biết, so với nền kinh tế Anh trong trường hợp người dân lựa chọn ở lại EU hồi năm 2016, nền kinh tế Anh hiện nay giảm hơn khoảng 2,5%. Phát hiện của CER dựa vào tác động đối với nền kinh tế Anh cho tới cuối tháng 6-2018. CER cho hay tài chính công của Anh đã bị ảnh hưởng lớn ở mức 26 tỷ bảng/năm, tương đương 500 triệu bảng/tuần và con số này đang tăng lên. CER cho biết các chuyên gia phân tích của nhóm đã dựa trên dữ liệu về 22 nền kinh tế phát triển có các đặc trưng tương đồng với Anh và những nước này không chọn rời khỏi EU. Sau đó, họ so sánh dữ liệu đó với tình hình kinh tế thực tế của Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Tuy nhiên những người ủng hộ Brexit cũng có cái lý của họ. Theo họ, Anh sẽ có lợi về lâu dài do có thể đặt ra các quy tắc của riêng mình và giành lấy những thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng như Ấn Độ và Trung Quốc.

KHẢ ANH