Báo Công An Đà Nẵng

Brexit những giờ chót

Thứ tư, 13/03/2019 13:50

Nếu các nghị sĩ Anh không nắm lấy cơ hội cuối cùng để bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May trong lần này, thì - theo lời của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker - Vương quốc Anh có thể không bao giờ rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tại cuộc họp tối 11-3. Ảnh: AFP

Thủ tướng nói rằng bà đã bảo đảm các thay đổi “ràng buộc về mặt pháp lý” đối với thỏa thuận Brexit trước cuộc bỏ phiếu hôm 12-3. Thủ tướng Anh giành được những thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý về thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May đã có được những thay đổi “mang tính ràng buộc pháp lý” đối với thỏa thuận Brexit của bà, ngay trước thềm diễn ra một cuộc bỏ phiếu quan trọng về thỏa thuận này trong ngày 12-3 (giờ địa phương). Phát biểu tại Hạ viện, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington cho biết, những thay đổi này giúp “củng cố và cải thiện” thỏa thuận Anh rời khỏi EU cũng như mối quan hệ giữa hai bên trong thương lai. Bà May, người đang đấu tranh để bảo vệ thỏa thuận Brexit với EU, đến Strasbourg vào tối 11-3 để tham gia cuộc thương lượng cuối cùng với giới chức cấp cao của EU để thỏa thuận này được Quốc hội thông qua trong ngày 12-3.

Cơ hội cuối cùng

Nếu các nghị sĩ Anh không nắm lấy cơ hội cuối cùng này để bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, thì - theo lời của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker - Vương quốc Anh có thể không bao giờ rời khỏi EU.

Tại Strasbourg đêm qua, ông Juncker đã nhắc đến thất bại đầu tiên của thỏa thuận này hồi tháng 1 và cảnh báo: “Trong chính trị đôi khi các bạn có cơ hội thứ hai, đó là thời điểm các bạn cần hành động vì sẽ không có cơ hội thứ ba... đó là thỏa thuận này hoặc Brexit có thể không bao giờ xảy ra”. Việc phe bảo thủ Brexit có tin những gì ông Juncker cảnh báo hay không là một điều hoàn toàn khác. Nhưng rốt cuộc, họ trên thực tế đã mất nhiều tháng để buộc Thủ tướng May phải qua lại Brussels và Strasbourg để thực hiện những thay đổi mà họ yêu cầu. Nếu họ không làm như vậy, chiếc ghế quyền lực của Thủ tướng của May có thể bị lung lay nghiêm trọng - và Anh sẽ hướng tới một Brexit không có thỏa thuận hoặc, ít nhất sẽ đối mặt với việc bị chậm trễ trong toàn bộ quá trình.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Các nghị sĩ Anh từ lâu phải đối mặt với một vấn đề nan giải - ủng hộ một thỏa thuận “ly hôn” không thỏa đáng hoặc tiếp tục bác bỏ để chờ đợi một thỏa thuận tốt hơn, một động thái được cảnh báo là “có nguy cơ mất tất cả”.

Nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit đã dùng toàn bộ sự nghiệp chính trị của họ để phản đối tư cách thành viên EU của Anh, và thành công đang đến rất gần họ. Nhưng trong số này, rất ít nghị sĩ có hứng thú với các đề xuất trong thỏa thuận “ly hôn” của Thủ tướng May, vốn đạt được sau nhiều tháng đàm phán với EU. Họ lo ngại thỏa thuận này sẽ khiến Anh trở thành một “quốc gia chư hầu” với các kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp và kế hoạch “chống lưng” cho vấn đề biên giới Ireland.

Nếu muốn bác bỏ, các nghị sĩ có thể bỏ phiếu quyết định trong ngày 14-3 để trì hoãn Brexit - dành thêm thời gian cho những người ủng hộ Châu Âu, vốn đang cố gắng làm suy yếu toàn bộ quá trình. Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, một nhà vận động hàng đầu cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, thừa nhận thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May là một sự thỏa hiệp nhưng vẫn kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ.  Và tại cuộc bỏ phiếu lần này, bà May cũng tiếp tục kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit của mình - mà theo tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo này, “đã có những thay đổi ràng buộc về mặt pháp lý”, vốn có thể xoa dịu những lo ngại về việc Anh bị khóa trong các thỏa thuận lâu dài với EU và làm suy yếu Brexit.

Nói chuyện với ông Juncker, sau hơn 2 giờ đàm phán tại Strasbourg, bà May khẳng định những thay đổi trong thỏa thuận sẽ cho phép Anh thoát khỏi bế tắc - cơ chế chính sách bảo hiểm trong thỏa thuận ban đầu nhằm ngăn chặn biên giới cứng ở Bắc Ireland bằng cách giữ các thỏa thuận hải quan giữa hai bên. Tuy nhiên, các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit vẫn hoài nghi, cho rằng, những thay đổi này đã đi quá xa trong việc bảo vệ Brexit.

KHẢ ANH