Báo Công An Đà Nẵng

Brexit sẽ dẫn đến “Brexodus”?

Thứ bảy, 02/09/2017 10:26

Anh vẫn chưa rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), nhưng một số quốc gia Châu Âu đang bắt đầu rời khỏi vương quốc này.

Biểu tình phản đối việc Anh rời EU.   Ảnh: Business Insider

Khi quyết định bỏ phiếu rời EU vào năm ngoái, mục đích của London là có thể kiểm soát được vấn đề nhập cư từ Châu Âu vào Anh - cho họ quyền quyết định ai có thể sống, học tập và làm việc tại Anh và ai thì không thể.

Thủ tướng Theresa May, một nhân vật của đảng Bảo thủ, đã cam kết giảm tổng số người nhập cư xuống dưới 100.000 người mỗi năm. “Chúng tôi chọn việc rời EU không phải chỉ để kiểm soát nhập cư. Chúng tôi ra đi vì muốn trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Chúng tôi sẽ làm những gì các quốc gia độc lập, có chủ quyền làm. Chúng tôi sẽ tự quyết định xem sẽ kiểm soát việc nhập cư như thế nào”, bà May nói trước Quốc hội.

Thời gian Brexit thực tế của Anh là vào tháng 3-2019 và rõ ràng, khi đã kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, mong muốn của họ đang dần trở thành hiện thực. Tuần trước, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố những phát hiện mới cho thấy, di cư thuần (sự khác biệt giữa những người nhập cư vào Anh và những người di cư) giảm gần 1/4, từ con số 327.000 vào năm ngoái xuống còn 246.000 trong năm nay. Đây là mức thấp nhất trong 3 năm, chủ yếu do công dân các nước EU từ Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, lần lượt rời khỏi Anh.

Mặc dù ONS lưu ý, Brexit có thể ảnh hưởng đến quyết định rời khỏi Anh của người dân Châu Âu, nhưng cũng nói rằng, “còn quá sớm để nói đây có phải là dấu hiệu của xu hướng dài hạn” hay không. Bộ trưởng Di trú Anh, Brandon Lewis, hoan nghênh các kết quả này, nói rằng, đây là điều “đáng khích lệ”. Nhưng giới phân tích cho rằng, còn quá sớm để chúc mừng. “Thật lạ khi xem đây là một thành công, theo hướng Brexit là kết quả của việc Anh là nơi trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài”, một chuyên gia nhận định. Nhưng giới chức Anh khẳng định, “chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Không phải chúng tôi cho ít người nhập cư hơn, mà người nhập cư ít chọn đến đây hơn”.

Nếu các công dân EU quyết định, họ muốn quay trở về quê nhà hơn là ở lại Anh, họ đều có những lý do chính đáng. Đồng bảng Anh sụt giá kể từ khi London bỏ phiếu rời EU. Điều này gây khó khăn hơn cho người lao động nhập cư. Cuộc đàm phán đầy bế tắc về quyền công dân đang diễn ra, vốn sẽ ảnh hưởng đến 3,5 triệu công dân EU sống ở Anh và 1,2 triệu người Anh sống ở Châu Âu - hơn 1 năm sau khi Brexit bỏ phiếu, cũng là nguyên nhân khiến người dân các nước EU muốn rời Anh.

Điều này đặt ra những lo sợ về nguy cơ các công dân EU rời khỏi Anh ngày càng nhiều, động thái mà giới truyền thông nước này gọi là “Brexodus”. Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, vấn đề này đang bị thổi phồng. “Có 3 triệu công dân Châu Âu ở Anh. Không có gì ngạc nhiên khi hàng triệu người đã đột ngột quyết định đóng gói và về nhà. Trên thực tế, chúng ta vẫn có nhiều người đến hơn là bỏ đi. Không nên hoảng loạn, đây không phải là một cuộc di dân, không phải là thảm họa xã hội hay kinh tế nào vào thời điểm này. Đó chỉ là một xu hướng đáng lo ngại”, một chuyên gia nói.

Tuy nhiên, một số người, đặc biệt là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đang lo lắng xu hướng này có thể cho thấy một thực tế mới: nhân công EU ra đi có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh. Một nghiên cứu của ONS tháng trước cho thấy, người di cư của EU chiếm hơn 20% lực lượng lao động của Anh trên 18 ngành, bao gồm cả khách sạn, xây dựng và giáo dục đại học. Chính phủ Anh hồi tháng trước tuyên bố sẽ nghiên cứu để phân tích tác động kinh tế xã hội dài hạn của nhập cư EU sang Anh. Nghiên cứu này sẽ được thực hiện vào tháng 9-2018 – 6 tháng trước ngày chính thức rời đi của Anh và chỉ một tháng sau khi các cuộc đàm phán Brexit kết thúc.

Bất kể người dân EU quyết định làm gì từ nay đến tháng 3-2019, tất cả đều sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán Brexit.

KHẢ ANH