Báo Công An Đà Nẵng

Brexit – chặng đường còn nhiều chông gai

Thứ bảy, 17/11/2018 17:10

Nhiệm vụ ưu tiên của Thủ tướng Theresa May là tìm kiếm sự ủng hộ của một Quốc hội đang bị chia rẽ đối với bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, có thể buộc nhà lãnh đạo này phải đánh đổi cả chiếc ghế lãnh đạo quyền lực của mình.

Ông Michel Barnier (trái)  - người đứng đầu đoàn đàm phán Brexit của EU - chính thức giao dự thảo thỏa thuận cho người đứng đầu Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk.   Ảnh: AFP

Câu chuyện Brexit – Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) – phần nào đã được định đoạt trong tuần qua khi nội các Anh cuối cùng nhất trí với bản dự thảo thỏa thuận về vấn đề này sau cái gật đầu đầy bất ngờ của London và Brussels. Đây là bước đi mang tính quyết định cho phép Anh đi tiếp trong “cuộc chiến ly hôn” đầy rắc rối với EU. Tuy nhiên, chặng đường Brexit vẫn còn rất nhiều chông gai.

Cửa ải Quốc hội Anh

Sau hai cửa ải trên, điều người ta quan tâm nhất hiện nay là dự thảo thỏa thuận trên có được thông qua tại Quốc hội Anh hay không?

EU đã ấn định thời điểm hội nghị thượng đỉnh để thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit, gồm 585 trang cùng một tuyên bố chính trị ngắn hơn về các kỳ vọng cho một mối quan hệ tương lai. Theo Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25-11 tới để họ có thể chấp thuận bản dự thảo trên. Và sau đó, Nghị viện 27 nước thành viên EU cần phải phê chuẩn. Đây tất nhiên đều là những “cửa ải” khó nhằn, nhưng thách thức lớn nhất là từ phía Anh, cụ thể là Quốc hội Anh.

Thứ nhất, Thủ tướng May phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) ủng hộ. Đảng này dù chỉ có 10 nghị sĩ nhưng lại là nhân tố không thể thiếu để tạo nên đa số cho chính phủ của bà May tại Quốc hội. Nhưng vấn đề đặt ra là nguy cơ Công đảng đối lập liên kết với đảng Dân tộc Scotland cũng như các thành viên bất mãn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ phản đối dự thảo trên. Nhóm nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ, dẫn đầu là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson muốn lật đổ bà May để lên thay thế. Công đảng đối lập của chính trị gia Jeremy Corbyn tất nhiên muốn lật đổ chính phủ bà May và tổ chức bầu cử tổng tuyển cử trước thời hạn, nhằm nắm quyền trở lại.

Vì vậy, cho đến cuối năm 2018, nhiệm vụ ưu tiên của Thủ tướng May là tìm kiếm sự ủng hộ của một Quốc hội đang bị chia rẽ đối với bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, có thể buộc nhà lãnh đạo này phải đánh đổi cả chiếc ghế lãnh đạo quyền lực của mình.

Khó khăn chồng chất

Trong động thái càng cho thấy rõ những thách thức mà bà May phải đối mặt để giành được sự ủng hộ của Quốc hội, ông Shailesh Vara, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách Bắc Ireland đã tuyên bố rút khỏi chính phủ.

Ngay sau đó, Thủ tướng May cũng hứng chịu đòn giáng mạnh hơn nữa khi Bộ trưởng Brexit Dominic Raab tuyên bố từ chức. Trong đơn từ chức được chia sẻ trên trang Twitter, ông Raab nêu rõ: “Tôi không thể làm hòa hợp các điều khoản trong thỏa thuận với những cam kết mà chúng tôi đã hứa hẹn với đất nước”. Ông cũng tuyên bố phản đối thỏa thuận “chốt chặn vĩnh viễn” nhằm đảm bảo đường biên giới Ireland không bị kiểm soát, cho rằng, thỏa thuận này sẽ khiến EU nắm giữ “quyền phủ quyết với chính khả năng tồn tại của nước Anh”. Và Thứ trưởng phụ trách Brexit Suella Braverman trở thành quan chức thứ 3 trong chính phủ Anh từ chức nhằm phản đối một dự thảo thỏa thuận trên. Trong bức thư gửi tới Thủ tướng May, bà Braverman cho rằng “những nhượng bộ” được đưa ra với Brussels trong thỏa thuận khung “không tôn trọng ý nguyện của người dân”. Trong khi đó, ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, cáo buộc bà May đẩy chính phủ vào tình thế hỗn loạn bằng việc mang tới một thỏa thuận Brexit “thất bại và gây tổn hại to lớn”.

Hiện tại, đã có nhiều người nói đến khả năng tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Công đảng đối lập cũng nuôi mục đích tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2. Tuy nhiên, Thủ tướng May lại một lần nữa bác bỏ khả năng này, bất chấp những lời kêu gọi từ các nghị sĩ có quan ngại về kế hoạch Brexit của bà. Phát biểu trong một buổi họp báo, Thủ tướng May cho biết hiện vẫn chưa có ai đưa ra sự thay thế cho kế hoạch Brexit của bà và cảnh báo với các nghị sĩ nước này rằng họ đối mặt với khả năng “Brexit cứng” (rời đi mà không có thỏa thuận) hoặc thậm chí không có Brexit nếu họ không ủng hộ dự thảo thỏa thuận của bà với Brussels. “Nếu chúng ta không tiến hành thỏa thuận đó, sẽ không ai biết những hậu quả gì sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ đi đến một con đường tối tăm và đầy sự không chắc chắn, trong khi người dân Anh chỉ muốn chúng ta giải quyết mọi việc thật nhanh chóng”, bà May nhấn mạnh.

Nếu một thỏa thuận được thông qua chính thức, giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng sẽ bắt đầu, trong đó một thỏa thuận thương mại và vấn đề hóc búa về cách đảm bảo không có biên giới vật lý giữa Bắc Ireland - một phần của Vương quốc Anh - và Cộng hòa Ireland sẽ cần được giải quyết. Một cuộc trao đổi không biên giới trơn tru củng cố cho thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột Bắc Ireland.

KHẢ ANH