BRICS tìm đồng tiền chung thay thế USD
Nhu cầu về một đồng tiền chung của BRICS
Các nền kinh tế đang phát triển, nhiều quốc gia đã tỏ ra "không mặn mà" với sự thống trị của đồng tiền tệ Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các quốc gia giao dịch bằng những loại tiền tệ ngoài đồng USD do sự gián đoạn kinh tế vì lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và việc nước này bị loại khỏi hệ thống giao dịch quốc tế bằng đồng USD như SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế).
BRICS đang tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng. Điều này không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối BRICS mà còn loại bỏ chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế. Nga và Trung Quốc đang đi đầu trong động thái phi USD hóa vì lợi ích chính trị của họ. Nga đang nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thách thức hệ thống tài chính do đồng USD thống trị, trong khi Trung Quốc đang thúc đẩy và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) như một giải pháp thay thế. Vì hơn 17% dự trữ ngoại hối của Nga là bằng NDT, nên Moscow có xu hướng giao dịch bằng NDT nhiều hơn. Mặt khác, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil có những lý do thực dụng riêng để ủng hộ động thái này. Sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch quốc tế giảm đi sẽ giúp các quốc gia vốn đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đồng đô-la Mỹ này dễ dàng hơn trong việc trả các khoản nợ của họ cho các tổ chức quốc tế.
Tại một cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS hồi tháng 6, Bộ trưởng Naledi Pandor của Nam Phi cho biết Ngân hàng Phát triển Mới của khối sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế "loại tiền tệ được giao dịch quốc tế hiện tại" - ám chỉ tới đồng USD. Các nền kinh tế đang phát triển bày tỏ lo ngại rằng sự biến động của đồng USD có thể gây bất ổn cho nền kinh tế của họ. Chẳng hạn, đồng USD tăng giá mạnh có thể kéo theo làn sóng rút vốn đầu tư khỏi các nước đang phát triển, làm tăng chi phí trả các khoản vay bằng USD và mua các sản phẩm nhập khẩu.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Kenya William Ruto đã lên tiếng phàn nàn về sự phụ thuộc của châu Phi vào đồng USD và khủng hoảng nền kinh tế khi giá trị đồng shilling của Kenya lao dốc. Tổng thống Ruto kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia một hệ thống thanh toán toàn châu Phi non trẻ sử dụng đồng nội tệ để thúc đẩy thương mại giữa các nước trong châu lục. Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng ủng hộ một đồng tiền chung trong giao dịch thương mại của khối Nam Mỹ Mercosur cũng như thương mại giữa các quốc gia BRICS.
Không hề dễ
Giới chuyên gia cho rằng con đường để các nước kinh tế mới nổi thực hiện kế hoạch thay thế đồng USD không hề dễ dàng.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ năm 1999 đến 2019, 96% giao dịch ở châu Mỹ, 74% giao dịch ở châu Á và 79% những nơi còn lại ngoài châu Âu, được thanh toán bằng USD. Tuy nhiên, sự nắm giữ của đồng USD đối với thương mại toàn cầu đã dần được nới lỏng phần nào trong những năm gần đây khi các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển sang sử dụng đồng eur và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng đã 24 năm kể từ khi đồng eur ra đời, đồng tiền số 2 thế giới vẫn không sánh được với đồng USD về mức độ hấp dẫn quốc tế. USD được sử dụng trong giao dịch ngoại hối nhiều gấp ba lần so với đồng eur, nhà kinh tế Jeffrey Frankel của Đại học Harvard chỉ ra trong một báo cáo hồi tháng trước.
Trong khi đó, đồng NDT cũng bị hạn chế một phần do Bắc Kinh từ chối để đồng tiền này được giao dịch tự do trên thị trường thế giới. Mihaela Papa, thành viên cao cấp tại Trường Fletcher của Đại học Tufts về các vấn đề toàn cầu, cho biết: "Không có lựa chọn thay thế nào cho đồng USD có thể đạt đến mức thống trị. Vì vậy, ý tưởng chỉ sau một đêm, bạn sẽ có một loại tiền tệ BRICS mới tạo ra một biến động lớn, cần có thời gian, cần có niềm tin… Con đường này sẽ rất dài".
AN BÌNH