Bữa cơm cho em của cô giáo vùng cao
(Cadn.com.vn) - Giáo viên mầm non ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đã góp tiền để lo bữa ăn bán trú cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, để các em không nghỉ học.
Vùng cao Nam Trà My mùa này nóng như nung, thế mà các cô giáo ở Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Trà Don, H. Nam Trà My) hằng ngày vẫn đánh vật với củi lửa để lo bữa trưa cho các học trò đang học tại trường. Một nồi cơm trắng, nồi canh rau rừng và một xoong nhỏ thịt kho phục vụ cho 40 học sinh ở điểm trường chính. "Bàn ăn" là mấy tấm chiếu trải một hàng trên nền xi măng nhà bếp, các em học sinh ngồi 2 bên, lần lượt mỗi em được các cô xới cơm và cho thức ăn vào cái tô nhỏ để dùng muỗng xúc ăn. Một vài em lúc đầu còn e dè khi thấy có người lạ đến thăm, nhưng vì đói bụng, và vì cơm cô giáo nấu ngon hơn ở nhà nên các em cắm cúi ăn ngon lành.
Cô Đoàn Thị Kim Vương - giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca chia sẻ: "Trường Mẫu giáo Sơn Ca có điểm trường chính và 3 điểm trường thôn, với 181 cháu hầu hết là con em đồng bào Ca Dong. Giáo viên phải đi bộ hàng tiếng để "đến từng ngõ, gõ từng nhà" vận động các gia đình đưa con em trong độ tuổi ra lớp. Ở điểm trường chính có hơn 40 học sinh ở bán trú nhưng chỉ có 20 em được phụ huynh nộp tiền ăn, mỗi em 20.000 đồng cho 2 bữa mỗi ngày, nên giáo viên nhà trường phải góp thêm tiền mua gạo và thức ăn về tự tay nấu".
Bữa trưa cho em ở Trường Mẫu giáo Sơn Ca, xã Trà Don, H. Nam Trà My. |
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca Trần Thị Phương cho biết: "Theo Quyết định 60 của Chính phủ ngày 6-10-2011 về việc hỗ trợ một số chính sách cho giáo dục mầm non ở miền núi giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có hỗ trợ cho trẻ 3 - 4 tuổi và Quyết định 239 của Chính phủ thực hiện đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em miền núi 5 tuổi với mức mỗi em 120.000 đồng/tháng, nhưng học kỳ 1 năm 2015 - 2016 đã tạm dừng chi trả nên nhiều hộ đồng bào vùng cao lại càng khó khăn trong việc đưa con đến trường mẫu giáo. Nhà trường rất mong Trung ương và tỉnh hỗ trợ thêm tiền ăn hàng ngày cho các cháu, vì hầu hết các gia đình tại địa phương đều là hộ nghèo".
Không có tiền hỗ trợ của Nhà nước thì các em học sinh mầm non, mẫu giáo vùng cao sẽ đứt bữa trưa, nhiều em sẽ bỏ học buổi chiều vì bố mẹ bận việc nương rẫy, không ai đưa đến trường. Để "giữ chân" học sinh, các trường mẫu giáo, mầm non ở H. Nam Trà My đã "linh hoạt" kinh phí, kể cả việc góp tiền cá nhân của các cô giáo, để nấu buổi trưa nên sĩ số vẫn được duy trì, không có em nào phải bỏ học. Cô Nguyễn Thị Thành - giáo viên điểm trường mầm non liên thôn Tak Ta - Mang Liệt (xã Trà Nam) cho biết, từ điểm trường này về trung tâm huyện tại Tắk Pỏ, xã Trà Mai mất hơn 2 tiếng đồng hồ vừa đi xe máy vừa đi bộ. Đời sống đồng bào dân tộc Xê Đăng ở các thôn Tak Ta và Mang Liệt còn rất khó khăn, sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp là chủ yếu. Hằng tuần, các cô giáo tại điểm trường phải xuống trung tâm huyện hoặc về trung tâm xã để mua gạo, thức ăn, mắm muối lên dự trữ lo bữa ăn cho giáo viên và bữa trưa cho các em học sinh.
"Điểm trường Tak Ta - Mang Liệt có lớp ghép 27 em học sinh, từ 3-5 tuổi chủ yếu là con em đồng bào Xê Đăng. Cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu do phụ huynh tự bỏ ngày công xẻ gỗ và còn chính quyền mua tôn xi măng, lưới thép để xây dựng phòng học. Chưa có điện nên ban đêm dùng đèn dầu hoặc nhờ tua-bin phát điện từ các khe suối của người dân để sinh hoạt. Cùng với nỗ lực của các cô giáo nhà trường, các phụ huynh nhiệt tình đưa đón con em đến trường nên các em đi học rất đều", cô Thành nói.
Ông Võ Đăng Thuận - Phó Trưởng phòng GD-ĐT H. Nam Trà My cho biết, Nam Trà My là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào Ca Dong, Xê Đăng... Trong thời gian các chính sách hỗ trợ cho học sinh mầm non miền núi tạm dừng, nhiều cô giáo ở các trường đã góp tiền hỗ trợ bữa trưa cho các em học sinh có điều kiện khó khăn nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày được duy trì.
Thạch Hà