Báo Công An Đà Nẵng

Bức tranh chung về không gian đô thị, kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ hai, 12/10/2020 15:41

Đồng chí ĐINH THẾ VINH

                                         Viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng thành phố

Bất cứ ai từng đến Đà Nẵng, có lẽ sẽ rất ấn tượng với vẻ đẹp của một thành phố đầu biển cuối sông, một thành phố được thiên nhiên ưu đãi, trước mặt là biển lớn, sau lưng là núi cao, giữa lòng thành phố là dòng sông Hàn êm đềm chảy.

Cùng với nhịp sống hiện đại sôi động, phát triển từng ngày của thành phố Đà Nẵng, Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 chính là định hướng phát triển để góp phần đưa Đà Nẵng vươn cao, vươn xa trong tương lai.

Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-3-2020 số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thay thế Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Theo đó, chiến lược và các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương; dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa lý- kinh tế và địa thế chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước.

Với tầm nhìn: Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững[1]. Và mục tiêu là: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc[2].

Trước khi nhìn về Đà Nẵng tương lai thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cần đánh giá đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã phê duyệt cùng với tình hình thực hiện đồ án này.

Cấu trúc phát triển không gian thành phố Đà Nẵng.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã phê duyệt thiếu các chiến lược xác định rõ ràng, việc thực hiện quy hoạch cũng là một thách thức vì thiếu các hướng dẫn kiểm soát phát triển và các thông số quy hoạch. Quy hoạch chung đã phê duyệt chủ yếu là sự tiếp nối các xu hướng phát triển hiện có thay vì để giải quyết các thách thức hiện tại. Các chiến lược cơ sở hạ tầng chính đã không được kiểm tra để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Cấu trúc thành phố chưa tối ưu hóa được cái tiềm năng và bản sắc đô thị của Đà Nẵng. Thiếu kế hoạch phân kỳ để xác định các phát triển ưu tiên và hướng dẫn rõ ràng về phát triển trong dài hạn.

Đến thời điểm hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã phát triển được hơn 22.727 ha đất xây dựng đô thị và đang triển khai nhiều dự án. Thành phố đã ưu tiên nguồn lực trong việc cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiết chế văn hóa chưa được đầu tư, tiến độ triển khai thi công còn chậm.

Cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục được tập trung đầu tư, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được kết nối hiệu quả. Trong giai đoạn vừa qua, thành phố đã tập trung đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn như nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; chuyển cảng xăng dầu Mỹ Khê sang phía Vịnh Đà Nẵng; Nâng cấp mở rộng khu hậu cần cảng Tiên Sa, hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn từ Quảng Nam đến Đà Nẵng; Chuyển Quốc lộ 1A thành đường phố chính đô thị và các công trình kết nối hiệu quả với các trục Quốc lộ, mở rộng không gian đô thị. Các khu dân cư mới và các khu tái định cư hầu hết đã được đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch.

Cùng với sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các tiện ích khác như cấp điện, cấp nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải, hệ thống chiếu sáng, phát triển cây xanh công cộng, cảnh quan... đã được tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để có một bức tranh tổng quan sinh động về diện mạo thành phố Đà Nẵng tương lai thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cần phải xem xét các vấn đề sau: dự báo về phát triển của thành phố Đà Nẵng, định hướng phát triển không gian đô thị, định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, thiết kế đô thị, định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị và định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị[3].

Dự báo phát triển

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045, dự báo phát triển thành phố Đà Nẵng như sau:

Dự báo tổng quát

Đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển; một trung tâm phong cách sống quốc tế; giữ vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với Myanmar, Thái Lan và Lào, là một giao điểm quan trọng của mạng lưới logistics và sản xuất toàn cầu; có vai trò là trung tâm về du lịch, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xoay quanh trục của các cụm ngành du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

 

Các dự báo cụ thể

Dựa trên thực trạng tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng, cơ hội và thách thức trong tương lai, đặc biệt là các chủ trương theo Nghị quyết 43-NQ/TW, 03 kịch bản về phát triển kinh tế - xã hội được đề xuất như sau:

- Kịch bản 1: Kịch bản này được xây dựng  trên cơ sở tập trung bám sát định hướng tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 29/01/2019 với một số chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030 như: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm. Trong đó: dịch vụ 12,5-13,5%/năm; công nghiệp và xây dựng 11,5-12,5%/năm; và thủy sản - nông - lâm 4-5%/năm.

- Kịch bản 2: Kịch bản này được tính toán dựa chủ yếu trên cơ sở số liệu thống kê kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020 của thành phố Đà Nẵng. Dự báo GRDP, giá trị tăng thêm của các khu vực kinh tế và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giai đoạn 2021-2030 với giả định duy trì tốc độ tăng và tỷ trọng đóng góp của các khu vực kinh tế như giai đoạn 2015-2020. Khi tính toán xu hướng không tính đến biến động trong năm 2020 do đại dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo mô hình dự báo xu hướng là ổn định; Sau đó sử dụng phương trình tốc độ tăng theo xu hướng này với dự báo tăng trưởng năm 2020 có tính đến biến động trong năm 2020 do đại dịch bệnh Covid-19 để xác định số liệu trong kịch bản.

- Kịch bản 3: Kịch bản này được tính toán dựa trên việc kết hợp giữa kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 (giả định duy trì tốc độ tăng và tỷ trọng đóng góp của các khu vực kinh tế như giai đoạn 2016-2020) và chủ trương đẩy mạnh phát triển theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 29/01/2019 với các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030. Đại dịch bệnh COVID-19, cũng cho thấy cần xem xét ý tưởng cân đối cơ cấu các khu vực kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, hạn chế phần nào tác động khi khu vực dịch vụ chịu tác động quá lớn từ những cú sốc kinh tế. Điều này cũng khá phù hợp với quy hoạch đất phục vụ cho công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

- Tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 10-10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 10,5%/năm); tốc độ tăng bình quân các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp lần lượt khoảng 11%; 9,6%; 2,8%. Khi có điều kiện thuận lợi, phấn đấu: tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) trên 12%/năm; Tốc độ tăng bình quân các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp lần lượt khoảng 12,5-13,5%; 11,5-12%; 4-5%.

- Cơ cấu của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp bình quân lần lượt là 76%; 22,5; 1,5% (không bao gồm phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu GRDP).

- Thu ngân sách trên địa bàn và tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn bình quân tăng tương đương với tốc độ tăng bình quân GRDP trong năm tương ứng.

- Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng 30-33%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước và FDI/Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 80%. Chỉ số ICOR duy trì ở mức khoảng 5,5-5,7.

- Dự báo dân số đến 2030 khoảng 1,79 triệu người (bao gồm dân số thường trú, tạm trú, quy đổi khách vãng lai, lưu trú). Trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người.

- Tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030.

- Chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP (phần giá trị tăng trưởng do hoạt động khoa học và công nghệ) vào tăng trưởng GRDP đạt trên 45% vào năm 2030.

- Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 8.000 USD.

- Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố Đà Nẵng so với cả nước đạt khoảng 1,8÷2,2%.

Định hướng phát triển không gian đô thị

Chiến lược quy hoạch

- Bảo tồn thiên nhiên, tăng tường mạng lưới cây xanh và mặt nước để góp phần tạo nên một thành phố thân thiện với môi trường.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng để cải thiện khả năng phục hồi của thành phố Đà Nẵng.

- Phân cấp các cụm việc làm và các nút đô thị.

- Mật độ hóa khu vực đô thị để phát triển đô thị nén.

- Cải thiện hệ thống giao thông và phát triển theo định hướng giao thông công cộng.

- Phát triển các khu đô thị sử dụng hỗn hợp để xây dựng một thành phố sôi động.

- Phát triển các loại hình cơ sở hạ tầng và nhà ở xã hội để tạo ra một thành phố dành cho tất cả mọi người.

- Bảo tồn Di sản đô thị như một phần của bản sắc riêng biệt Đà Nẵng.

Đề xuất phân cấp của đô thị.

 Định hướng phát triển không gian toàn đô thị

- Cấu trúc đô thị sẽ phân thành ba vùng đô thị và một vùng sinh thái:

Đề xuất phân cấp của đô thị.

+ Ba vùng đô thị đặc trưng: (1) Vùng Ven mặt nước, đặc trưng là các con sông và bờ biển dài, bao gồm: Khu vực ven vịnh Đà Nẵng, khu vực ven hai bên sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò đến ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (bờ Đông), (2) Vùng Lõi xanh, nằm giữa Thành phố với đặc trưng là những ngọn đồi nhiều cây xanh (Phước Tường, An Ngãi), (3) Vùng Sườn đồi, đặc trưng bởi những không gian mở rộng lớn, ven sườn các đồi núi phía Tây, gồm một phần huyện Hòa Vang.

+ Một vùng sinh thái: (1) Khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc; (2) Khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa; (3) các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái. Các khu vực này là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa của Đà Nẵng và cũng là tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn hệ sinh học đa dạng và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một thành phố đáng sống.

- Thiết lập Hai vành đai kinh tế: Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics, Vành đai phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Tổ chức Bốn cụm việc làm ưu tiên tập trung và Một điểm đến du lịch lớn trên toàn địa bàn Thành phố gắn với các phân vùng phát triển:

+ Cụm Công nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung tiếp tục phát triển mở rộng tại khu vực Tây Bắc Thành phố.

+ Cụm Cảng biển và Logistics gắn với Khu đô thị cảng biển Liên Chiểu.

+ Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng phát triển tập trung tại khu vực sườn đồi phía Tây Nam Thành phố, liền kề hồ Đồng Nghệ.

+ Cụm Đổi mới sáng tạo gắn với Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm ở phía Nam Thành phố.

+ Phát triển du lịch trên toàn Thành phố với trọng tâm dọc theo bờ Đông và ven vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thủy; du lịch sinh thái ở khu vực đồi núi phía Tây, phía Bắc và bán đảo Sơn Trà để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Định hướng phân cấp phát triển đô thị

Quy hoạch của thành phố Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo Mô hình đô thị nhỏ.

- Toàn thành phố: Thành phố Đà Nẵng theo định nghĩa của ranh giới đô thị sẽ được tổ chức thành các thành phố nhỏ gọn để có đủ chỗ sinh sống cho tổng dân số 1,56 triệu người, dự phòng thêm 15% vào năm 2030. Các cơ sở hạ tầng xã hội như trường  đại học, trung tâm đô thị, công viên thành phố, không gian giải trí, sân vận động và trung tâm y tế cũng sẽ được quy hoạch tương ứng.

- Khu đô thị: Mỗi khu đô thị như vậy sẽ bao gồm tối đa 10 khu ở để có dân số khoảng 50.000 đến 250.000 người trong diện tích 500 đến 1.500 ha, với hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ kèm theo như trung tâm thương mại, trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, phòng khám y tế, cơ sở tôn giáo, cây xanh công cộng phục vụ cho nhu cầu thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư và bãi đỗ xe cho đơn vị ở.

- Đơn vị ở: Mỗi đơn vị ở sẽ có dân số từ 18.000 đến 20.000 người. Những đơn vị ở này sẽ có hệ thống cơ sở dịch vụ phục vụ kèm theo như Trung tâm y tế, trường trung học phổ thông, trung tâm văn hóa và công viên cây xanh; thương mại, giải trí và các tiện ích công cộng khác.

Nhóm nhà ở: Mỗi nhóm nhà ở sẽ được tổ chức thành các khu vực từ 1.400 đến 2.100 dân, với các hệ thống cơ sở dịch vụ công cộng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; vườn hoa, vườn dạo; trung tâm sinh hoạt cộng đồng và bãi đỗ xe.

Định hướng phân vùng phát triển đô thị

Toàn Thành phố tổ chức thành 12 phân khu, trong đó:

+ Vùng Sinh thái được tổ chức thành 02 phân khu: (1) Phân khu sinh thái phía Tây, (2) Phân khu sinh thái phía Đông.

+ Ba vùng đô thị đặc trưng được tổ chức theo “Mô hình đô thị nhỏ” phân chia thành 10 phân khu: (1) Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông, (2) Phân khu Ven Vịnh Đà Nẵng, (3) Phân khu Cảng biển Liên Chiểu, (4) Phân khu Công nghệ cao, (5) Phân khu Trung tâm lõi xanh, (6) Phân khu Đổi mới sáng tạo, (7) Phân khu Sân bay, (8) Phân khu Đô thị sườn đồi, (9) Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, (10) Phân kh Dự trữ phát triển.

Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng hành chính, kinh tế, xã hội

Trung tâm hành chính cơ quan: Đất hành chính bao gồm các chức năng chính trị và hành chính quan trọng, như các cơ quan Đảng, chính quyền và các cơ quan khác. Khu vực lõi hành chính nằm trong trung tâm Thành phố hiện nay tại quận Hải Châu, bổ sung một số chức năng hành chính khác, một số sở, ban, ngành có thể được chuyển đến từng trung tâm phân tán. Tiếp tục cải tạo, phát triển mở rộng hệ thống trung tâm hành chính cấp quận, huyện.

Du lịch: Để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực, cần khai thác hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và di sản độc đáo của Thành phố, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch hiện có và phát triển các điểm du lịch mới. Do vậy, khuyến khích phát triển hệ thống các điểm, cụm, khu du lịch, khách sạn cùng với các điểm tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực đa dạng trên khắp địa bàn. Đến năm 2030, đất du lịch dự kiến bố trí cho các hạng mục sau: Du lịch biển; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch đô thị; du lịch hội thảo và sự kiện (MICE); du lịch vui chơi giải trí, mua sắm và thể thao; du lịch chữa bệnh- làm đẹp.

Thương mại, tài chính: Duy trì các chợ truyền thống, phát huy giá trị của chợ văn minh truyền thống chợ Hàn, chợ Cồn gắn với trục thương mại Hùng Vương; phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi; hình thành các Trung tâm kinh doanh thương mại (central business district - CBD) tầm cỡ quốc gia, quốc tế; đưa vào khai thác vận hành cửa hàng miễn thuế trong phố gắn với tuyến phố du lịch Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.

Công nghiệp - Kho tàng (kho bãi và trung tâm logistics): Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sạch, thân thiện môi trường và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của Thành phố. Định hướng phát triển công nghiệp bao gồm Khu Công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1, Liên Chiểu; nâng cấp Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng thành khu công nghiệp sinh thái; Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng; hình thành mới các khu công nghiệp: Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh. Hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố. Duy trì và phát triển Làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn; hình thành Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn.

Nhằm phục vụ các hoạt động logistics và kinh tế biển, tập trung xung quanh các cơ sở hạ tầng đầu mối giao thông quan trọng, bao gồm: Trung tâm logistics cảng Liên Chiểu; Trung tâm logistics ga Kim Liên mới; Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao; Trung tâm logistics Khu công nghiệp Hòa Nhơn; Trung tâm logistics hàng không. Trung tâm logistics cảng Tiên Sa.

Công nghệ cao: Phát triển Khu công nghệ cao và Khu Đổi mới sáng tạo gồm: (1) Khu công nghệ cao Đà Nẵng mở rộng; (2) các khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2; (3) hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam Thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công viên phần mềm.

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Về nông nghiệp: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái. Hình thành khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chuyên canh, sinh thái kết hợp du lịch. Về lâm nghiệp: Định hướng phát triển lâm nghiệp tập trung vào việc bảo tồn khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, ứng dụng công nghệ trong trồng rừng sản xuất, tiếp tục phủ xanh các đồi núi, khu vực khai thác khoáng sản nhằm nâng cao độ che phủ rừng, đa dạng sinh học, khôi phục môi trường, cảnh quan, bảo tồn và bảo vệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. Về thủy sản: Đầu tư nâng cấp Cảng cá, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, ứng dụng công nghệ cao và hiện đại hóa nghề khai thác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thân thiện môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Y tế: Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của Việt Nam, bao gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện nay sẽ được nâng cấp, cải tạo. Hình thành bệnh viện quốc tế tại Khu đổi mới sáng tạo để liên kết với các trường đại học y dược trong khu vực, gồm: Bệnh viện (quốc tế, Đa khoa giai đoạn 2, Phụ sản - Nhi giai đoạn 2...) phòng khám đa khoa quốc tế, trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Giáo dục - Đào tạo: Đà Nẵng được định hướng trở thành một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn của miền Trung. Các cơ sở giáo dục đào tạo được nâng cấp, hoặc xây dựng mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại Đà Nẵng. Mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Đà Nẵng, đặc biệt là Đại học Đà Nẵng để tạo thành Khu đô thị Đại học mới. Hình thành mới một số cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành tại Phân khu công nghệ cao. 

Văn hóa: Các thiết chế văn hóa được phân bố phân tán trong Thành phố và trung tâm đô thị. Những thiết chế này bao gồm: Thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim và trung tâm biểu diễn… Đầu tư mới các thiết chế văn hóa cấp thành phố bao gồm các công viên biển dọc Vịnh Đà Nẵng và bờ Đông, Nhà hát lớn thành phố, Trung tâm văn hóa thành phố, Quảng trường trung tâm thành phố, Khu du lịch văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn,… để phục vụ người dân và du khách.

Thể dục - Thể thao: Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm thể dục thể thao lớn của miền Trung. Các thiết chế thể dục thể thao nhằm phục vụ: (1) Thể thao quần chúng; (2) thể thao thành tích cao; (3) vui chơi giải trí. Hệ thống thiết chế thể dục thể thao được bố trí phân tán trên địa bàn Thành phố, gồm: Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, Làng thể thao Tiên Sơn, các sân golf (Bà Nà, VinaCapital, dọc tuyến Hoàng Văn Thái, Hòa Phong - Hòa Phú), các trung tâm thể thao cấp quận, huyện.

Công viên cây xanh, mặt nước: Các đặc trưng tự nhiên của Đà Nẵng bao gồm rừng, núi và đồi, sông và hồ cùng với đường bờ biển dài, là những yếu tố quyết định đến ranh giới đô thị, tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để Đà Nẵng hướng tới một Thành phố đáng sống.  Hệ thống cây xanh và mặt nước gồm khu vực sinh thái rừng và núi phía Tây, khu vực bờ biển nằm dọc theo vịnh Đà Nẵng và Bờ Đông, vùng lõi xanh là một không gian mở được phát triển gắn với những dãy núi, đồi ở trung tâm Thành phố, vành đai cây xanh và mặt nước dọc theo các con sông chính, đường ven biển dọc vịnh Đà Nẵng và bờ Đông, hành lang xanh dọc theo các tuyến đường thủy chính và các trục giao thông chính, các công viên và không gian mở với các quy mô khác nhau được phân bố xung quanh các nút chính của hành lang xanh và vành đai xanh.

Quốc phòng, an ninh: Bảo vệ các khu vực đất, công trình an ninh quốc phòng hiện trạng và các khu vực dự kiến bố trí quy hoạch các công trình an ninh quốc phòng. Quá trình triển khai các dự án phát triển đô thị, hạ tầng đô thị thực hiện theo các hướng dẫn, quy định của pháp luật nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng. Huyện Hoàng Sa là khu vực có ý nghĩa quan trọng về kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia.

Thiết kế đô thị

Đà Nẵng là một thành phố chiến lược ven biển tại miền Trung Việt Nam với nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời, các di sản văn hóa độc đáo cùng một bề dày lịch sử đi cùng với đất nước. Cảnh quan thiên nhiên của Đà Nẵng bao gồm nhiều cảnh quan đặc trưng, kéo dài từ phía Tây đến phía Đông thành phố. Từ các ngọn núi cao phía Tây, những ngọn đồi thoải ở lõi xanh trung tâm và các khu bảo tồn thiên nhiên đến các bãi biển và mạng lưới sông hồ rộng lớn. Thiết kế đô thị của Đà Nẵng nhằm khai thác các tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử cho phép Đà Nẵng hiện đại hóa khu vực đô thị hiện tại và nhằm đạt được tầm nhìn về “Một đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững”.

Nội dung thiết kế đô thị được đề xuất cho toàn thành phố Đà Nẵng với mục tiêu:

+ Xác định hình thái không gian đô thị trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên, địa hình tạo ra bố cục đặc trưng, kết hợp với việc phân khu chức năng của quy hoạch đô thị; Thiết lập nên hình thái phát triển tổng thể các khu vực cảnh quan, các trục đô thị, khu vực trung tâm…tạo lập bộ mặt kiến trúc văn minh, hiện đại, kết hợp với cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị hiện có.

+ Xác định chức năng sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu về thiết kế đô thị cụ thể cho từng khu vực; Khớp nối đồng bộ giữa khu vực xây mới, khu vực hiện có và các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực để đảm bảo đồng bộ về tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật.

+ Xây dựng Quy định quản lý quy hoạch - kiến trúc làm cơ sở pháp lý để các cơ quan chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Một số định hướng trong việc phát triển thiết kế đô thị cho Đà Nẵng như sau:

- Duy trì những không gian tầm nhìn đến những khu vực cảnh quan tự nhiên tại Đà Nẵng, bao gồm biển, núi, sông, hồ và cây xanh.

- Bảo vệ giá trị lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo, bờ biển dài và mạng lưới sông hồ đa dạng bản sắc của thành phố, và đảm bảo rằng Đà Nẵng phát triển bền vững.

Phối cảnh Công trình tổ hợp Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng.

- Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và di sản truyền thống của thành phố nhằm củng cố hình ảnh và bản sắc của Đà Nẵng.

- Cân bằng các nhu cầu phát triển, đồng thời đảm bảo môi trường thành phố đáng sống và thành phố kết nối toàn diện; cùng với những con đường được thiết kế tốt dành cho người dân, và những không gian công cộng sôi động.

- Khuyến khích các loại hình kiến trúc, mật độ xây dựng và hình thái phù hợp nhằm phản ánh bản sắc và đặc trưng của mỗi phân khu trong thành phố.

- Xây dựng các chỉ tiêu để kiểm soát sự phát triển đô thị trong tương lai của Đà Nẵng phù hợp với từng phân khu và tầm nhìn của thành phố.

Tổ chức không gian khu trung tâm thành phố

Khu vực thiết kế bao gồm một phần quận Hải Châu và một phần Sơn Trà, xoay quanh trung tâm Thành phố hiện tại và phần mở rộng phía Sơn Trà, với diện tích khoảng 631 ha. Hiện tại, khu vực này bao gồm các trung tâm thương mại và trung tâm du lịch, các công trình lịch sử, cùng với các tòa nhà cao tầng, khách sạn, các khu dân cư đô thị quy mô nhỏ, các tuyến phố chuyên doanh, các bãi biển, đường đi bộ và dịch vụ ẩm thực.

Để trung tâm đô thị Đà Nẵng trở thành một điểm đến, thiết kế đô thị xác định các điểm thu hút mới, các dự án tiềm năng nhằm hiện đại hóa trung tâm Thành phố, đồng thời bổ sung các điểm tham quan hiện tại phía Tây, xem xét một số địa điểm xác định cho việc cải tạo đô thị.

Các địa điểm văn hóa, lịch sử hiện tại được bảo tồn, tích hợp cùng với các khu vực phát triển đô thị, không gian công cộng mới và được kết nối với nhau qua tuyến phố đi bộ, giao thông công cộng để hình thành một mạng lưới tích hợp các điểm đến độc đáo như: Quảng trường trung tâm; Khu bảo tàng sống; Trung tâm kinh doanh thương mại (CBD); Dự án Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp và casino.

Định hướng cải tạo và phát triển các không gian cây xanh mặt nước trong khu vực như công viên APEC; công viên đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi; hành lang xanh dọc 2 bên bờ sông Hàn, dọc ven biển đường Võ Nguyên Giáp; hình thành công viên tại khu vực An Hòa 5, quận Sơn Trà.

Bên cạnh các quảng trường hiện có để tạo không gian mở phục vụ hoạt động cộng đồng. Quảng trường trung tâm được đề xuất là một khu vực có diện tích 9ha nằm trong một cảnh quan độc đáo sát mặt sông Hàn, Trung tâm hành chính và Thành Điện Hải. Sau khi hoàn thành dự án này, Quảng trường trung tâm sẽ trở thành không gian công cộng biểu tượng cho người dân và tầm nhìn đô thị bản sắc của Đà Nẵng.

Quảng trường trung tâm tiếp giáp các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Phú, Quang Trung và Lý Tự Trọng. Quy hoạch một đoạn đường ngầm trên đường Trần Phú (đoạn Quang Trung - Lý Tự Trọng) và thực hiện ngầm hóa bãi đỗ xe ngoài trời hiện tại nhằm tạo một không gian công cộng nối liền, rộng lớn. Bên cạnh đó, các tòa nhà xung quanh như Trung tâm hành chính sẽ được khuyến khích chuyển đổi thành các công năng phù hợp nhằm tích hợp tốt hơn với Quảng trường trung tâm.

Khu vực Quảng trường trung tâm.

Quảng trường trung tâm được đặc trưng bởi các công trình kiến trúc đại diện cho sự phát triển hiện đại và gắn kết với các công trình có bề dày lịch sử như: Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng (42 Bạch Đằng), Trung tâm Hành chính, Khách sạn Novotel, Trung tâm triển lãm quy hoạch kiến trúc thành phố (bến du thuyền phía Nam cảng Sông Hàn), Khu công viên phần mềm số 1.

Các điểm nhấn đô thị

+ Khu Bảo tàng sống: Giới hạn bởi các tuyến phố Hùng Vương - Phan Châu Trinh - Hoàng Diệu - Lê Đình Dương - Triệu Nữ Vương - Trần Bình Trọng - Ngô Gia Tự. Đây là khu vực đô thị truyền thống với các con đường có quy mô phù hợp các kiệt, hẻm sôi động cuộc sống đường phố và Đình làng Hải Châu để giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng. Đồng thời, khu Bảo tàng sống sẽ trở thành một điểm đến du lịch độc đáo cho phép du khách trải nghiệm phong cách sống trong quá khứ và hiện tại của người dân địa phương.

+ Trung tâm kinh doanh thương mại CBD:

Với mục tiêu tái thiết đô thị hiện tại của Đà Nẵng, một Trung tâm kinh doanh thương mại (CBD), với diện tích khoảng 62 ha, được thiết kế để trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố.

CBD mới này sẽ phục vụ như một trung tâm quan trọng, có các tòa nhà và các loại hình kiến trúc hiện đại nhằm đáp ứng được các yêu cầu phát triển Đà Nẵng hiện đại. CBD cũng kết nối thành đường chân trời của đô thị, liên tục từ khu vực Quảng trường trung tâm ở phía Tây đến các tòa nhà dọc theo bờ Đông.

Phối cảnh tổng thể thiết kế đô thị khu vực trung tâm.

Định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị và khu vực đô thị trung tâm

Định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 như sau:

Tổng diện tích đất khoảng 129.046 ha.

Đất xây dựng đô thị đến 2030 khoảng 34.230 ha trong đó:

- Đất dân dụng khoảng 16.606 ha gồm: Đất đơn vị ở khoảng 9.612 ha; đất làng xóm khoảng 2.369 ha; đất công cộng đô thị khoảng 485 ha; đất trường trung học phổ thông khoảng 108 ha; đất cây xanh đô thị khoảng 1.394 ha; đất sử dụng hỗn hợp khoảng 2.637 ha.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030.

- Đất ngoài dân dụng khoảng 17.625 ha, gồm: Đất công nghiệp, công nghệ cao khoảng 4.119 ha; đất kho tàng (kho bãi và trung tâm logistics) khoảng 229 ha; đất trung tâm nghiên cứu đào tạo khoảng 569 ha; đất cơ quan khoảng 43 ha; đất trung tâm y tế khoảng 137 ha; đất du lịch khoảng 2.388  ha; đất tôn giáo, di tích khoảng 109 ha; đất giao thông khoảng 3.085 ha (tính đến đường liên khu vực, không bao gồm giao thông tĩnh); đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 1.067 ha; đất cây xanh chuyên đề khoảng 400 ha; đất trung tâm thể dục thể thao khoảng 931 ha; đất cây xanh cách ly khoảng 1.476  ha; đất an ninh quốc phòng khoảng 2.392 ha (không bao gồm huyện đảo Hoàng Sa và đất quốc phòng trong sân bay Đà Nẵng); đất nghĩa trang khoảng 680 ha.

Đất khác: khoảng 64.316 ha, gồm: Đất nông nghiệp khoảng 4.791 ha; đất rừng đặc dụng khoảng 31.081 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 8.938 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16.181 ha, mặt nước 3.221 ha; đất dự phòng khoảng 104 ha.

Huyện đảo Hoàng Sa: 30.500 ha.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2045.

Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2045

Đến năm 2045, khu đô thị hiện tại của Đà Nẵng sẽ được tái thiết hoàn chỉnh để tối đa hóa tiềm năng phát triển. Tất cả các vùng đất dự trữ còn lại ở phía Nam và phía Tây cũng sẽ được phân vùng để sử dụng trong tương lai cho phù hợp với định hướng phát triển của Đà Nẵng.

Những dự án trọng điểm đến năm 2045 bao gồm giai đoạn cuối của Khu công nghệ cao Đà Nẵng, một khu đổi mới sáng tạo và phía Nam thành phố, các cụm du lịch và các khu đô thị mới ở khác nhau ở phía Tây thành phố.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2045.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2045 thể hiện tầm nhìn hướng tới phát triển “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững” với một kịch bản lý tưởng có thể hiện thực hóa trong dài hạn, có thể sau giai đoạn 2045.

Định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị

Hàng không: Tiếp tục nâng cấp, mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng (trước mắt nhà ga T3) để đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm. Phát triển, mở rộng đồng bộ các công trình cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không theo quy hoạch để trở thành Trung tâm logistics chuyên dụng; phát triển mạng đường bay theo mô hình vận tải đa phương thức, đảm bảo việc phát triển cân đối, thiết lập sự liên kết giữa các loại hình vận tải khác nhau. Tăng cường và mở rộng mạng đường bay quốc tế, nhất là các chuyến bay trực tiếp đến châu Âu, Bắc Mỹ và nước Úc.

Đường sắt: Quy hoạch hành lang tuyến cho đường sắt tốc độ cao và đường sắt quốc gia chạy song song, bên cạnh về phía Đông đường bộ cao tốc; xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực gần nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với việc hình thành một trung tâm thương mại dịch vụ, là động lực phát triển khu vực phía Tây Thành phố. Xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với Cảng Liên Chiểu. Tái phát triển đô thị khu vực nhà ga và hành lang đường sắt cũ sau khi di dời.

Cảng biển: Đầu tư xây dựng mới Cảng Liên Chiểu để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung (loại IA). Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động. Sau năm 2030, Cảng Tiên Sa sẽ trở thành đầu mối du lịch quan trọng của Thành phố. Tiếp tục giữ nguyên và phát triển Khu bến Thọ Quang theo quy hoạch.

Đường thủy: Định hướng phát triển các tuyến đường thủy: Sông Hàn - sông Cổ Cò - sông Thu Bồn, sông Hàn - sông Vĩnh Điện - sông Thu Bồn; tuyến từ Vịnh Đà Nẵng đi Sơn Trà Con , Cù Lao Chàm để kết nối trung tâm Thành phố với Hội An nhằm định hướng phát triển du lịch trong tương lai.

Đường bộ: Tiếp tục xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 14B, đoạn từ Túy Loan đến cầu Hà Nha (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Nâng cấp Quốc lộ 14G từ huyện Hòa Vang đi Tây Giang (Quảng Nam). Kéo dài đường Vành đai phía Tây đi qua Khu công nghệ cao, kết nối tại điểm giao đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và đường tránh Nam hầm Hải Vân.

Quy hoạch bổ sung tuyến đường giữa đường vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc nối từ đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) qua Quốc lộ 14B gần Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và kéo dài đến biển. Kéo dài tuyến đường vành đai phía Tây 2 đến đường vành đai phía Nam.

Quy hoạch và xây dựng Trục giao thông xuyên qua sân bay (hầm chui), kết nối phía Đông và phía Tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối trực tiếp từ Cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan và đoạn tuyến nối từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài (cùng tính chất cấp đường) để tạo thành trục ngang chính kết nối Đông - Tây.

Hệ thống giao thông công cộng: Tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt (15÷25)% tổng nhu cầu đi lại, đến 2045 phấn đấu đạt trên 35%.Quy hoạch xây dựng 02 tuyến MRT,02 tuyến Tramway ven biển  và 01 tuyến ven sông Hàn để tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hoàn chỉnh cho Thành phố.Tiếp tục phát triển mạng lưới xe buýt nội thị đảm bảo mức độ bao phủ và bán kính phục vụ cần thiết; kết nối thuận lợi và phục vụ thu gom cho các tuyến MRT, LRT nhằm thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng, đạt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ giao thông công cộng đáp ứng (25÷35)% tổng nhu cầu giao thông đô thị nhằm đảm bảo mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt từ (2,0÷3,0) km/km2 cho đô thị trung tâm và (2,0÷2,5) km/km2 cho đô thị vệ tinh.

Cấp điện: Tổng nhu cầu cấp điện đến năm 2030 là 1.790 MVA. Nguồn điện: Bổ sung nguồn điện từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện với công suất 2x18MW tại bãi rác Khánh Sơn. Ưu tiên phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Phối cảnh Công viên phần mềm số 2.

Hạ tầng Công nghệ thông tin: Nâng cấp mở rộng Trung tâm dữ liệu hiện tại, triển khai thêm 02 Trung tâm dữ liệu mới để bảo đảm khả năng dự phòng, đáp ứng nhu cầu ứng dụng phục vụ xây dựng mô hình thành phố thông minh. Đến năm 2030, bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến Cách mạng 4.0. Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh để quản lý tập trung, đa nhiệm trong việc điều hành quản lý về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Đến năm 2030, xây dựng Trung tâm an toàn an ninh thông tin (Security of Center) để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn an ninh cho toàn bộ hệ thống CNTT chính quyền Thành phố.

Hạ tầng các khu công nghệ thông tin phục vụ phát triển công nghiệp số: Triển khai hiệu quả các đề án về mở rộng Khu Công nghệ thông tin tập trung - Công viên phần mềm Đà Nẵng, thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung - Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng số 1. Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Thành phố và các ứng dụng dùng chung. Thí điểm triển khai mô hình đô thị thông minh tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và quận Liên Chiểu. Ưu tiên triển khai các ứng dụng thành phố thông minh, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông,... Phát triển thương mại điện tử, xây dựng nền kinh tế chia sẻ theo Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan Đảng, chính quyền của Thành phố, bảo vệ thông tin riêng tư của tổ chức, cá nhân.

Cấp nước: Tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 là 786.000 m3/ngđ. Nguồn nước được sử dụng từ chuỗi sông Yên - Cầu Đỏ; sông Quá Giáng; sông Cu Đê; suối Đá, suối Tình, suối Lương; hồ Hòa Trung và hồ chứa sông Bắc.Các công trình cấp nước, gồm: Nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ; xây dựng mới Nhà máy nước Hòa Liên; Xây dựng Nhà máy nước mới sử dụng nguồn nước từ chuỗi sông Yên - Cầu Đỏ; nâng cấp nhà máy nước Hòa Trung; tiếp tục hoạt động nhà máy nước Sân Bay; tiếp tục hoạt động các nhà máy cấp nước nhỏ lẻ hiện có.

Thoát nước thải: Gồm có thoát nước thải sinh hoạt, thoát nước thải công nghiệp và thoát nước thải y tế.  Về thoát nước thải sinh hoạt: Tổng lưu lượng phát sinh khoảng 466.000 m3/ngđ, chia làm 06 lưu vực chính: Lưu vực trạm XLNT Hòa Xuân, Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang. Phấn đấu tỷ lệ tái sử dụng nước thải sinh hoạt sau xử lý đạt 25%. Về nước thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, công nghệ cao: Tổng lưu lượng phát sinh khoảng 172.000 m3/ngđ. Nước thải phát sinh được xử lý bảo đảm các yêu cầu về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận hoặc đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa. Về nước thải y tế: cần được thu gom và xử lý riêng trong từng bệnh viện, chất lượng nước sau khi xử lý bảo đảm yêu cầu về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận hoặc đấu nối vào hệ thống thoát nước mưa.

Chất thải rắn và nghĩa trang: Về chất thải rắn: Tổng lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2030 là 2.332 tấn/ngày. Chất thải rắn công nghiệp và y tế nguy hại được phân loại, thu gom và vận chuyển riêng. Công nghệ xử lý phải đáp ứng tỷ lệ chất thải đem chôn lấp ≤ 5% tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đưa đến nhà máy xử lý. Trước mắt sẽ cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn hiện tại, giai đoạn sau 2030 sẽ đầu tư khu vực Hòa Nhơn. Về nghĩa trang: Tổng nhu cầu đất xây dựng nghĩa trang đến năm 2030 là 466 ha, bao gồm các nghĩa trang: Hòa Ninh, Hòa Sơn, An Châu, Hòa Phú. Quy hoạch các nghĩa trang hiện đại theo hướng sinh thái. Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt 30%.

Qua đánh giá xem xét về các vấn đề về: Dự báo về phát triển của thành phố Đà Nẵng, định hướng phát triển không gian đô thị, định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, thiết kế đô thị, định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn đô thị và định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị, một bức tranh chung về không gian đô thị, kinh tế - xã hội đến năm 2030 theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã dần được hình thành một cách rõ nét. Với các định hướng trên, trong tương lai không xa, thành phố Đà Nẵng nhất định sẽ phát triển vượt bậc về mọi mặt, thay đổi diện mạo đô thị, trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững, xứng đáng là “Thành phố đáng sống, thành phố môi trường”.

Đ.T.V

[1] Theo Công văn số 1893/VP-ĐTDT ngày 01/11/2019.

[2] Theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019.

[3] Bài viết dựa trên nội dung đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong tư vấn. Tại thời điểm viết bài 02/6/2020, đồ án đang được triển khai, chưa được phê duyệt bởi các cơ quan chức năng.