Bức tường Ấn Độ - Bangladesh: Bài học cho ông Trump
(Cadn.com.vn) - Việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định xây một "bức tường lớn, vĩ đại" dọc theo biên giới 3.200 km với Mexico để ngăn chặn "tội phạm, buôn bán ma túy, và những kẻ hiếp dâm" không phải là ý tưởng mới. Nhiều quốc gia khác đã xây hàng rào biên giới với nước láng giềng để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp, những kẻ khủng bố và tội phạm. Ông Trump nên học hỏi từ kinh nghiệm của các nước này. Những hàng rào kiểu này không có hiệu quả đặc biệt, trong khi việc xây dựng và quản lý chúng lại vô cùng tốn kém và gây thiệt hại về con người.
Ấn Độ là một ví dụ. New Dehli có hàng rào biên giới với hai nước láng giềng Pakistan và Bangladesh. Hàng rào dọc biên giới với Bangladesh chủ yếu nhằm ngăn chặn người nhập cư xâm nhập vào Ấn Độ. Quyết định xây dựng hàng rào được thực hiện vào những năm 1980 khi vấn đề di dân Bangladesh bùng nổ ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ.
Ấn Độ và Bangladesh có đường biên giới 4.097km. Một hàng rào dây thép gai cao 2,5m chạy dọc khoảng 70% đường biên giới này. Đó là một cấu trúc đáng sợ nhưng không thể ngăn cản người di cư Bangladesh thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm vượt biên giới sang Ấn Độ để thăm người thân hoặc tìm kiếm việc làm. Những kẻ buôn lậu, vận chuyển ma túy, buôn người, và ăn trộm gia súc từ cả hai bên biên giới cũng vượt hàng rào với sự thông đồng của lính gác của cả hai nước.
BSF tuần tra dọc theo hàng rào biên giới Ấn Độ-Bangladesh. Ảnh: Diplomat |
"Hàng rào biên giới khó có thể ngăn chặn người di cư bởi chúng quá dài và bảo vệ quá lỏng lẻo", Reece Jones, giáo sư tại Đại học Hawaii cho biết. Ngoài ra, biên giới tại các con sông (khoảng 1.116 km), không thể xây hàng rào. Mặc dù tàu tuần tra được triển khai, song rất khó kiểm soát. Người dân có thể vượt sông để sang nước bên kia. Bên cạnh đó, tại các điểm gác, "mọi người với giấy tờ giả mạo hoặc đưa hối lộ có thể vượt qua". Theo ông Jones, hàng rào biên giới chỉ có thể "thay đổi mô hình di chuyển của dân cư mà không thể ngăn chặn họ di chuyển".
Đối với việc ngăn chặn những kẻ khủng bố, ông Jones cho rằng, hàng rào Ấn Độ-Bangladesh "không có tác dụng". Một tên khủng bố, "dùng tiền để mua giấy tờ giả và chỉ cần vượt qua biên giới tại các cửa khẩu".
Điều đáng lo ngại nhất là bạo lực dọc theo hàng rào biên giới. Hàng rào của Ấn Độ cũng tác động tiêu cực lên mối quan hệ ấm áp của nước này với Bangladesh. Hàng rào được xem như là một biểu tượng của sự ngờ vực. Nó bị chỉ trích rộng rãi ở Bangladesh và cả Nam Á. Trong những năm gần đây, Ấn Độ vươn tới các nước láng giềng, gồm Bangladesh, Bhutan, Nepal, Myanmar và có kế hoạch cho phép đi lại tự do giữa các quốc gia này nhằm thúc đẩy sự tương tác, thương mại và hợp tác giữa các dân tộc. Đề xuất xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên quốc gia đang được xúc tiến. Song, hàng rào biên giới đi ngược lại tinh thần và nỗ lực hướng tới hợp tác khu vực rộng lớn hơn.
Về lâu dài, hàng rào sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà khu vực nói chung và Bangladesh nói riêng phải đối mặt. Bangladesh là quốc gia trũng, nằm dưới nước nếu mực nước biển dâng cao 1 mét. Điều này dự kiến sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này. Với việc bị hàng rào bao vây 3 mặt, khi đó số phận người dân Bangladesh sẽ thế nào?
Ấn Độ không thể nhắm mắt làm ngơ. Dỡ bỏ hàng rào là bước quan trọng đầu tiên mà New Dehli nên làm. Nhưng điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị và sự thay đổi trong tư duy. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump học hỏi được điều gì từ trường hợp của Ấn Độ- Bangladesh?
An Bình
(Theo Diplomat)