Báo Công An Đà Nẵng

Bức tường biên giới Pakistan - Afghanistan có hiệu quả?

Thứ ba, 29/01/2019 12:07

Pakistan đang xây dựng một bức tường dọc biên giới với Afghanistan. Bức tường sẽ thực sự làm cho nước này an toàn hơn?

Một binh sĩ Pakistan đứng bảo vệ tại hàng rào được dựng lên giữa Pakistan và Afghanistan tại Angore Adda.   Ảnh: Diplomat

Bramcha là một thị trấn nhỏ ở Pakistan, nằm ở một góc của huyện Lughi, phía tây tỉnh Balochistan, sát biên giới với Afghanistan. Sau khi Mỹ kéo quân đến Afghanistan, Bramcha phía Afghanistan bị xóa khỏi bản đồ do các chiến dịch ném bom. Thị trấn này không chỉ là sào huyệt của Taliban Afghanistan mà còn cả những kẻ buôn bán ma túy. Một số người gọi Bramcha của Afghanistan là tâm điểm của buôn bán ma túy. Thậm chí ngày nay, Bramcha được coi là một trong những khu vực xa xôi và vô luật pháp nhất trên thế giới.

Trong những năm qua, chính quyền Pakistan ngày càng lo ngại về tình hình an ninh ở biên giới với cả Afghanistan và Iran. Đặc biệt, biên giới với Afghanistan được quản lý rất lỏng lẻo. Đây là lý do tại sao các nhà chức trách Pakistan hiện đã bắt đầu lo ngại, nỗ lực ngăn chặn các phiến quân và những kẻ buôn bán ma túy đổ vào Pakistan. Đà phát triển này không chỉ khiến chính quyền Afghanistan lo ngại mà còn khiến Taliban "đứng ngồi không yên". Trong những tháng gần đây, khi lực lượng an ninh Pakistan đóng quân ở Bramcha để rào lại biên giới với Afghanistan, Taliban đã chặn đứng nỗ lực ở một số khu vực. Một phần của lý do Afghanistan phản đối động thái của Pakistan xuất phát từ việc Kabul chưa bao giờ công nhận biên giới quốc tế của mình với Pakistan, cho dù dưới sự cai trị của Taliban hay chính phủ ngày nay.

Michael Kugelman, nhà phân tích Nam Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho rằng, Kabul phản đối bức tường biên giới bởi vì sự tồn tại của nó được coi là đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa Đường Durand, điều mà Afghanistan chưa bao giờ chấp nhận. Tranh chấp bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX, khi Pakistan từng là một phần của Ấn Độ không chia cắt. Người Anh đã tạo ra cái gọi là Đường Durand phân chia Ấn Độ thuộc Anh với Afghanistan. Cho đến ngày nay, Afghanistan vẫn có các yêu sách lãnh thổ đối với nhiều khu vực của Pakistan.

Ngăn chặn khủng bố xuyên biên giới

Pakistan thường xuyên đổ lỗi cho Afghanistan về sự bùng nổ khủng bố trong nước. Sau các cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan, các quan chức an ninh thường nhanh chóng kết luận rằng, những kẻ khủng bố đã xâm nhập vào Pakistan từ phía biên giới Afghanistan.

Một số nhà phân tích an ninh có xu hướng cho rằng, Washington ủng hộ Pakistan xây dựng một bức tường dọc biên giới với Afghanistan. Chắc chắn, Mỹ không phản đối nó. "Từ quan điểm chống khủng bố và ổn định thuần túy, Washington có rất ít lý do để phản đối bức tường nếu chúng ta cho rằng bức tường sẽ giảm khủng bố xuyên biên giới, và đặc biệt là các cuộc tấn công khủng bố do phiến quân ở Pakistan tiến hành tại Afghanistan, nơi Mỹ đang đóng quân", ông Kugelman cho biết. Theo ông Kugelman, Kabul chắc chắn quan tâm hợp tác với Islamabad để thúc đẩy an ninh biên giới tốt hơn, nhưng kết quả lại nhận được các biện pháp đơn phương như việc xây bức tường.

Theo giới an ninh, lãnh đạo cao nhất của các nhóm tài trợ cho khủng bố có trụ sở tại Afghanistan. Đây là lý do tại sao Pakistan xây dựng bức tường dọc biên giới với Afghanistan trong hơn 1 năm, ở cả hai tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan. Ông Kugelman cũng đồng ý, Pakistan có lý do chống khủng bố mạnh mẽ để xây dựng bức tường, vì hầu hết các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Pakistan ngày nay đều được dàn dựng bởi các nhóm phiến quân như Jamaat-ul-Ahrar, Lashkar-e-Jhangvi và IS- hoạt động tại Afghanistan.

Tác động tiêu cực

Vấn đề ở đây là, nếu một bức tường thực sự ngăn chặn khủng bố xuyên biên giới, ông Kugelman lưu ý, bức tường sẽ không bao giờ được hoàn thành hoàn toàn.

Trong khi đó, bức tường mới phân chia các bộ lạc đã cùng nhau sống trong nhiều thế kỷ ở cả hai bên của Đường Durand. Có một dấu hiệu tích cực là lực lượng an ninh đang tạo ra các cửa để mọi người ở cả hai phía có thể hòa nhập với nhau như trước đây, nhưng không có gì thoát khỏi thực tế là bức tường sẽ hạn chế di chuyển của họ ở một mức độ nào đó. Trong những năm qua, đã có một số sự cố an ninh dọc biên giới. Chính quyền Afghanistan đã bắn vào lực lượng Pakistan ở bên kia biên giới, nhưng chính quyền Islamabad tuyên bố sẽ hoàn thành hàng rào bằng bất cứ giá nào.

Động cơ của Pakistan một phần dựa trên lịch sử, một phần để phòng ngừa rủi ro cho tương lai. Khi các lực lượng Liên Xô rời Afghanistan vào năm 1989, cuộc nội chiến Afghanistan cũng tàn phá Pakistan. Vào thời điểm đó, biên giới đã mở, và hầu như không có bất kỳ rào cản nào. Ngày nay, các nhà phân tích an ninh cho rằng, lịch sử sắp lặp lại, vì Mỹ sắp thua trong cuộc chiến tại Afghanistan. Pakistan cũng lo lắng rằng, ảnh hưởng của Ấn Độ tăng lên ở Afghanistan. Islamabad nảy ra ý tưởng làm hàng rào biên giới với Afghanistan để giải quyết những lo ngại đó. Tuy nhiên, nhiều người ở Pakistan lập luận, vì biên giới với Afghanistan dài, nằm ở khu vực miền núi và xa xôi, một hàng rào khó có thể tạo ra sự khác biệt. Do đó, chính quyền Pakistan đã thảo luận về việc điều thêm 60.000 binh sĩ để tuần tra biên giới với Afghanistan để bảo đảm an ninh.

Pakistan thường bị Afghanistan đổ lỗi vì đã để Taliban và Mạng lưới Haqqani tự do di chuyển qua biên giới, cũng như sử dụng đất Pakistan làm nơi trú ẩn an toàn sau khi tiến hành tấn công nhằm vào quân đội nước ngoài và chính quyền Afghanistan. Như một số nhà phân tích nhận định, qua bức tường mới này, Pakistan muốn Mỹ thấy rằng mình hiện đang nghiêm túc trong việc ngăn chặn khủng bố xuyên biên giới. Tuy nhiên, bức tường có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích, do tác động tiêu cực của nó đối với mối quan hệ song phương. Điều đáng nói là tại thời điểm mà mối quan hệ hợp tác Afghanistan-Pakistan đang ấm lên, với động lực gần đây là hướng tới tiến trình hòa bình với Taliban, Pakistan với bức tường này đang tạo ra nguy cơ có thể làm mất đi thiện chí song phương này.

AN BÌNH