Bức xúc ô nhiễm kéo dài, người dân vây nhà máy đường
Kể từ khi nhà máy đường An Khê (thuộc Cty CP đường Quảng Ngãi) mở rộng quy mô sản xuất, hàng chục hộ dân sinh sống liền kề nhà máy phải sống chung với ô nhiễm trầm trọng. Bức xúc, cả trăm người dân đã vây nhà máy, không cho xe nhập mía buộc nhà máy dừng hoạt động trong những ngày qua.
Nhà máy đường An Khê phải tạm ngưng hoạt động vì bị dân phản đối. |
Sống với ô nhiễm
Thời điểm này, nhà máy đường An Khê (đặt tại xã Thành An, TX An Khê, Gia Lai) đang vào vụ chính, nhà máy hoạt động với công suất lớn nhằm tiêu thụ mía từ các vùng trong tỉnh Gia Lai đưa về. Thế nhưng, từ 2 ngày qua, hàng chục hộ dân sống tại thôn 2, xã Thành An đã kéo nhau lên nhà máy ngăn không cho xe mía vào công ty. Vì thế, nhà máy cũng phải ngưng hoạt động từ ngày 16-3 đến nay. Dọc các tuyến đường vào nhà máy và ngay trước khu vực nhập mía, hàng trăm xe mía ùn ứ hai bên đường. Hàng chục chủ xe lo lắng khi mía để trên xe phơi nắng cả ngày đang bị hư hại.
Có mặt trước trụ sở nhà máy, chị Hồ Thị Mỹ Lệ, đại diện cho 20 hộ dân bị ảnh hưởng, bức xúc: "Nhà máy thì ngày càng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, nhưng kèm theo đó là mùi hôi thối, khói bụi phát tán khắp nơi khiến 20 hộ dân sống liền kề với nhà máy chịu hết nổi. Mùi hóa chất phát tán ra không khí khiến trẻ con, người già khó thở, đau đầu rồi bị viêm da dị ứng dẫn đến lở loét. Cây cối, ruộng vườn thì cháy lá ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của 20 hộ dân chúng tôi. Chưa kể là ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, khói bụi mà chúng tôi phải gánh chịu hàng ngày từ nhà máy này".
Theo những hộ dân ở đây, tình trạng này kéo dài 3 năm qua nhưng nhà máy đường An Khê vẫn không giải quyết triệt để dù người dân đã kiến nghị, thậm chí gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng của địa phương. "Phía nhà máy đã nhiều lần hứa hẹn giải quyết nhưng chưa thực hiện thì lại tiếp tục sản xuất gây ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Bức xúc, bà con mới kéo đến đây yêu cầu ngưng hoạt động chứ nắng nóng thế này, mùi hôi thối, hóa chất bay ra bà con không chịu nổi nữa", một người dân cho biết.
Có mặt tại một số nhà dân liền kề nhà máy, chúng tôi ghi nhận khu vực xử lý nước thải của nhà máy chỉ cách một bức tường với nhà người dân sinh sống. Phía nhà máy đã dựng vách che khoảng 10m nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhưng không thể xử lý dứt điểm. Đa phần khu vực phía sau vườn nhà người dân đều bỏ trống vì không thể nuôi trồng.
Sớm di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm
Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Chủ tịch UBND TX An Khê cho biết: sau nhiều lần, phía nhà máy đường An Khê đã thống nhất việc di dời các hộ dân sinh sống liền kề nhà máy bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài. Thế nhưng, đến ngày 26-9-2019, bất ngờ phía nhà máy đường có công văn trả lời do hoạt động khó khăn nên kinh phí bồi thường, di dời các hộ dân không thể thực hiện được. "Ngay sau đó, chúng tôi đã làm việc với nhà máy đường An Khê và có ý kiến không thống nhất với nội dung trả lời của nhà máy về không thực hiện việc bồi thường, di dời các hộ dân. Bởi những hộ dân sinh sống gần khu vực xử lý nước thải của nhà máy chịu ảnh hưởng trong quá trình hoạt động sản xuất của nhà máy là có", ông Vỹ cho biết thêm.
Công tác đo đạc, lên phương án di dời, chuẩn bị quỹ đất tái định cư cũng đã được UBND TX An Khê triển khai. Thế nhưng, cũng đành dừng lại bởi sự hứa hẹn tréo ngoe của nhà máy. Trước sự việc trên, ngày 18-3, ông Đỗ Tiến Đông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, giải quyết những bức xúc của 20 hộ dân nơi đây. Sau khi kiểm tra thực tế, làm việc với địa phương cùng các bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã cùng gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của những hộ dân bị ảnh hưởng ô nhiễm. Tại buổi làm việc, ông Đỗ Tiến Đông cũng chia sẻ và thấu hiểu bức xúc của 20 hộ dân nơi đây khi việc xử lý kéo dài, khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, từ nguyện vọng của các hộ dân mong muốn di dời đến nơi ở khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông hứa sẽ làm việc với lãnh đạo Cty CP đường Quảng Ngãi để giải quyết dứt điểm, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo sức khỏe.
"Trước mắt, bà con xem việc chặn xe mía cũng ảnh hưởng đến bà con trồng mía của mình, hàng trăm xe mía chờ bên ngoài thiệt hại nặng nề khi phơi giữa nắng thế này. Thế nên, mong bà con không tụ tập, chặn xe mía nữa. UBND tỉnh Gia Lai sẽ làm việc trực tiếp với Cty để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của bà con mình", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kêu gọi. Ngay sau đó, đến hơn 13 giờ cùng ngày, 20 hộ dân trên đã không chặn xe mía và trở về nhà.
MINH TÂN