Báo Công An Đà Nẵng

Bùi Tự Lực và những trang viết về tuổi thơ

Thứ tư, 06/05/2020 20:30

Nhà văn Bùi Tự Lực sinh ngày 9-10-1954, quê Bình Trị, H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên BCH, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn TP Đà Nẵng vừa  qua đời tại nhà riêng vào ngày 30- 4- 2020.

Nhà văn Bùi Tự Lực

Bùi Tự Lực đã ấn hành nhiều tác phẩm như: Mùa hoa bưởi (thơ), NXB Đà Nẵng, 1999. Nội tôi (truyện vừa), NXB Kim Đồng, 2001. Trên nẻo đường giao liên (truyện vừa), NXB Kim Đồng, 2003. Cái ống phóc và trái banh chuối (truyện ngắn), NXB Kim Đồng, 2005. Ngôi nhà chỉ một lần mở cổng (truyện ngắn), NXB Hội Nhà văn, 2005. Chó hoang (tiểu thuyết), NXB Kim Đồng, 2017... Trong đó, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng trung ương và địa phương, được bạn đọc cả nước đón nhận rộng rãi.

Chính thức bắt đầu với nghiệp bút nghiên với tập thơ Mùa hoa bưởi trình làng vào năm 1999 tại NXB Đà Nẵng, do nhà thơ Thanh Quế viết lời giới thiệu. Không lâu sau, cũng từ sự động viên của Thanh Quế "Hãy viết về chính cuộc đời mình!", tác phẩm Nội tôi - tập truyện ngắn đầu tay của Bùi Tự Lực ra đời, được giải cao trong cuộc  vận động sáng tác truyện cho thiếu nhi (1999-2000) của NXB Kim Đồng, đồng thời được tái bản nhiều lần với số lượng hàng vạn bản sách.

Bùi Tự Lực cho biết, nhân vật người bà trong Nội tôi chính là nguyên mẫu bà nội của tác giả. Ngày ra Hà Nội nhận giải thưởng, nhà văn Ma Văn Kháng- Chủ khảo cuộc thi, nói với anh rằng, chỉ có viết về bà nội của mình thì Bùi Tự Lực mới có được giọng văn chân thành và cảm động rưng rưng như thế, nếu hư cấu theo kiểu tiểu thuyết thì làm hỏng câu chuyện về bà rồi. Nhiều người đọc sách cũng nhận xét: Hình như viết Nội tôi Bùi Tự Lực không phải làm gì cả, mọi chuyện đã có sẵn trong tâm khảm rồi, cứ thế tự nó tuôn trào ra và anh ta chỉ chép lại và xếp thành truyện mà thôi! Nhà thơ Nguyễn Kim Huy- Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng nhận định: "Câu chuyện cảm động viết về cuộc đời kỳ diệu và cái chết bí ẩn bi hùng của bà nội, một bà mẹ Việt Nam anh hùng của Bùi Tự Lực thật ra không phải chỉ là cuốn sách dành cho thiếu nhi, mà nó là một tác phẩm dù không đồ sộ nhưng mang đầy đủ chất sử thi anh hùng lẫn sự mờ ảo huyền thoại quyện chặt vào thực tế cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ qua đã in đậm mấy mươi năm trong ký ức tuổi thơ đứa cháu và được viết ra bởi sự thôi thúc tột bậc của trái tim nhà văn nặng ân nghĩa! Nó đã định hình để Bùi Tự Lực xứng đáng được vinh danh là Nhà văn thiếu nhi, và được khẳng định thêm với những tác phẩm khác dành cho các em của anh...". Cụ thể, liền mạch hồi ức chiến tranh, được sự gợi ý và "đặt hàng" của đơn vị xuất bản, Bùi Tự Lực viết tiếp tập truyện dài Trên nẻo đường giao liên. Đặc biệt, gần nhất, truyện dài  Chó hoang in lần đầu vào tháng 1-2017, Giải A của Liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng 2017),  được bạn đọc nhỏ tuổi hết sức yêu thích.

 Bùi Tự Lực ký tặng sách trong buổi ra mắt tác phẩm Chó hoang.

Truyện Chó hoang gồm 14 chương, nội dung viết về một con chó hoang là Vằn, thuộc một giống chó quý, sống lẩn quất tại một bãi cỏ hoang ở một khu dân cư mới. Từ cái bãi cỏ hoang ấy, con Vằn đã sống kiếp nạn của một con chó hoang, cả hai lần sinh nở của nó đều được vợ chồng ông giáo già lo lắng, thương yêu, che chở và thuần hóa. Song khác hẳn với bản năng của loài chó, con Vằn đã tỏ rõ thái độ xa lánh con người. Mặc dù rất biết ơn ông bà giáo, rất hiểu sự thương yêu họ đã dành cho nó, nhưng nó vẫn không ở lại với họ để được sống trong thương yêu bên cạnh những đứa con nhỏ của mình... Chó hoang thể hiện với văn phong bình dị, lối kể chuyện mộc mạc, bố cục hợp lý, đan cài nhiều tình tiết bất ngờ, hấp dẫn, đã lôi cuốn người đọc qua từng trang sách. Nơi đây, bằng sự nhân từ và tình yêu thương loài vật, tác giả thông qua nhân vật ông bà giáo đã mang đến cuộc sống mới cho Vằn. Vằn đã đền đáp ơn nghĩa bằng cách không màng nguy hiểm, cứu mạng ông giáo trong lúc thập tử nhất sinh... Từng ánh mắt, cử chỉ của Vằn, từng thái độ, hành động của ông bà giáo khiến câu chuyện thêm sinh động. Theo Bùi Tự Lực: " Ở Chó hoang hình như tôi cũng lại nhìn thấy bóng dáng mình trong thân phận con Vằn tội nghiệp. Hồi ức tuổi thơ lại hiện về như những thước phim chiếu chậm. Trong tác phẩm Chó hoang của tôi, con Vằn đi rông có chửa rồi đẻ một đàn chó con bỏ lại nơi đầu hè. Bị con Vằn đặt mình vào một tình thế không thể làm khác được. Ngoài tuổi 60 rồi mà phải làm "vú em" cho đàn chó sơ sinh. Vậy là tôi phải tìm đến anh bạn hành nghề bác sĩ thú y, để hỏi về quá trình con chó mẹ mang thai thế nào, cách chăm sóc đàn chó sơ sinh ra sao... để chăm nuôi, để rồi viết truyện. Nếu tôi viết sai kiến thức về nuôi chó là có tội, dẫn dắt các em đọc và làm theo sách thì có thể làm khổ, thậm chí giết chết mấy chú cún con...".

Bên cạnh việc sáng tác, những năm qua, Bùi Tự Lực cũng dành khá nhiều thời gian sinh hoạt giao lưu, xây dựng tủ sách văn học  thiếu nhi tại các trường học tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Tại một Hội thảo văn học thiếu nhi, Bùi Tự Lực nhấn mạnh:  "Mục tiêu của Văn học thiếu nhi là góp phần cung cấp kiến thức và hướng thiện. Mỗi câu chuyện, mỗi cuốn sách cần phải bày vẽ cho các em một trò chơi, một việc làm gì đó, để các em có thể đọc và làm theo sách: Cách thắt trái banh bằng lá chuối, dán một cánh diều, chế một khẩu súng bắn trai cò ke, nuôi dạy con chim sáo... Tuổi niên thiếu trong sáng và đang là giai đoạn hình thành nhân cách. Vì vậy mục tiêu của tác phẩm viết cho lứa tuổi các em là phải hướng thiện. Cũng có thể viết về cái ác, thói xấu nhưng cũng là để làm nền, làm phông cho chiều sâu tâm đức. Viết về con chim con chó, cây cỏ bướm hoa, hay khúc gỗ... vô giác vô tri, nhưng ẩn hiện đâu đây có hương hồn, thấp thoáng bóng dáng con người trong đó".

 Nhà văn Bùi Tự Lực đã đi xa, nhưng những trang viết tâm huyết của anh dành cho thế giới tuổi thơ hẳn sẽ còn gắn bó mãi với nhiều thế hệ mai sau.

Trần Trung Sáng