Báo Công An Đà Nẵng

Bùi Xuân Mẫn với “Đi về phía mặt trời”

Thứ hai, 05/05/2025 08:25
Bìa tập thơ “Đi về phía mặt trời”.

Bùi Xuân Mẫn vô cùng cần mẫn đúng như cái tên cha mẹ đặt cho. Cha của Mẫn, nhà nghiên cứu - dịch giả Bùi Xuân đã có những thành tựu lớn về trước tác và dịch thuật dường như đã trao truyền cho Bùi Xuân Mẫn sự lao động nghiêm túc và niềm đam mê bất tận với lịch sử, với thơ ca. Tôi dường như cũng đồng điệu với Mẫn ở các khu vực trên, nhất là khoản sáng tác đề tài lịch sử lúc nào cũng sùng sục “viết như ngày cuối cùng”.

Tôi cũng thích và thú vị khi đọc thơ của Bùi Xuân Mẫn. Sự giản dị và bất ngờ nhưng đầy triết lý như con người của Mẫn: Đôi khi trong ánh sáng/Lờ mờ của bình minh/Đơn giản là cứ nở như hoa (Quá khứ) và Không có gì đẹp hơn hạnh phúc/Như đôi mắt người yêu/Bắt gặp đôi mắt mình (Trọn vẹn).

Bùi Xuân Mẫn trong triết lý không khô cứng mà luôn rất tươi tắn, mới mẻ và thanh thoát. Luồng suy nghĩ trẻ trung luôn thường trực trong anh. Thơ Bùi Xuân Mẫn là sự liên tục không ngừng nghỉ, bài nọ kế tiếp bài kia, ý nghĩa sau chồng lên ý nghĩ trước, miên man, vươn khơi và tung cánh. Đó là một trong những điều đáng chú ý nhất của thơ anh.

Bùi Xuân Mẫn đọc nhiều và luôn gặt hái được nhiều thứ trong sự đọc nhiều ấy. Đọc mà thẩm thấu và thăng hoa được chính là sự đọc tinh túy nhất. Sự đọc hòa trộn với sự từng trải sẽ cho chúng ta kiến thức của chính mình. Và cũng từ kiến thức sẽ cho chúng ta tự tin trong công việc, trong đời sống. Mẫn có những nhận diện không mới nhưng chúng chính là lời nhắc nhở mỗi con người: Cuộc sống của im lặng/Cần lắm sự cô đơn/Để phục hồi sức lực (Cô đơn); Một trong những ngôi sao kia/Đẹp nhất, sáng nhất, lạc mất đường/Đã đến tựa vào vai tôi để ngủ… (Thị kiến).

Bùi Xuân Mẫn rất mạnh ở sự liên tưởng, một sự liên tưởng vừa hồn nhiên vừa diệu vợi, có cảm giác xa lăng lắc, thậm chí là bí hiểm: Thời điểm trước lúc mặt trời nhú lên/Là giờ cao điểm cho cái bóng (Cái bóng); Thời gian đã gội lên/ Bức tường trắng một màu vàng nhạt (Màu thời gian); Sự khoan dung của mặt trời/ Và của mùa thu cho cái nhìn chín tới (Đi trong hoàng hôn)…

Càng cộng tác với Bùi Xuân Mẫn, tôi càng quý mến Mẫn ở tinh thần làm mới chữ nghĩa, dám xông vào vùng đất khó, dám sắp đặt những chữ ít có sự liên lạc với nhau liền kề nhau trong một câu thơ, một bài thơ. Đây chính là dũng khí của người cầm bút. Kiên quyết tránh sáo mòn. Kiên gan “đội đá vá trời” tìm một hướng đi riêng là điều rất cần thiết đối với mỗi cây bút trẻ. Bài thơ sau thể hiện rất rõ tinh thần ấy: Tôi/Chấp nhận và tin tưởng tuyệt đối/Nhưng thật ra là những ngộ nhận và lừa dối. Đi qua đêm tối của linh hồn/Yêu và ghét/Vui và khổ/Tối và sáng/Là mặt trời lặn với mọi màu sắc/Lan trải trên đường chân trời (Chạng vạng).

Bùi Xuân Mẫn như bao người trẻ khác đôi khi rất rắc rối. Điều đó hiện vào thơ cũng là một lẽ bình thường. Tuy nhiên, Mẫn đã biết tìm ra lối thoát từ chính những rắc rối khôn cùng. Đây chính là sự trưởng thành tự nhiên của một cây bút trong môi trường kiến thức rộng lớn mà anh chuyên tâm hái lượm. Bùi Xuân Mẫn trong hai tập thơ: Đi về phía mặt trời; Bóng đêm huyền diệu là một sự nhất quán với chính mình trong những rắc rối bản năng và sự đào thoát từ tri thức.

Thơ Bùi Xuân Mẫn luôn cho chúng ta sự đón đợi một điều gì đó đang sắp sửa diễn ra. Điều đó có thể không rõ ràng, còn mơ hồ mịt mùng đâu đó không cầm nắm được nhưng người đọc luôn tin là điều đó sẽ đến. Bởi như thế, Bùi Xuân Mẫn viết rất nhiều câu về mặt trời: Bình thản và dịu dàng đón mặt trời (Tôi); Mặt trời bắt đầu xế qua chân trời (Mặt trời); Mặt trời nhô lên/ Ánh sáng đầu ngày hắt lên/ Con đường trơ trọi ngập chìm trong sắc đỏ (Hạ chí); Bầu trời trong xanh/ Mặt trời tỏa sáng (Yêu đời); Mặt trời chạm một chớp đỏ/ Yếu ớt lên chân trời đen (Nhìn); Mặt trời đang cố hắt lên/ Một vài vệt nắng đỏ cuối cùng (Chạy trốn); Mặt trời đã lặn/ Nhưng vẫn còn hắt một màu cam mơ hồ lên những đám mây xám (Nhớ em);… Bởi vậy chăng, mà tập thơ có tên Đi về phía mặt trời?

Bùi Xuân Mẫn có một thế mạnh khác khi anh chủ trì trang Vansudia.net. Thế mạnh này có được chính từ sự lao động nghiêm túc, bền bỉ. Thật hiếm người “cam tâm tình nguyện” thực hiện công việc trên bởi lợi ích vật chất mang lại rất ít ỏi. Nhưng có hề gì? Như là thơ ca vậy. Làm gì có vật chất ở đâu ra song không riêng gì Bùi Xuân Mẫn, chúng ta đều hăng say, miệt mài và khổ đau với chúng.

Với tư cách người cầm bút, tôi chúc Bùi Xuân Mẫn chân cứng đá mềm, vượt mọi trùng khơi của trường văn trận bút mà dâng hiến cho đời những dòng chữ tươi xanh.

Nhà văn Phùng Văn Khai