Bulgaria, Romania gia nhập khu vực Schengen
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát trên biên giới đất liền vẫn được duy trì vì cho đến nay Áo chỉ nhượng bộ cho các tuyến đường hàng không và đường biển. Áo lo ngại việc mở cửa tự do đường bộ sẽ tạo điều kiện cho những người di cư ngoài EU dễ dàng vào các quốc gia khác trong khối.
Chính phủ Romania cho biết, các quy định Schengen sẽ được áp dụng tại 4 cảng biển và 17 sân bay của nước này, trong đó sân bay quốc tế ở Otopeni gần thủ đô Bucharest là trung tâm lớn nhất. Romania sẽ triển khai thêm nhiều nhân viên bao gồm cảnh sát biên giới và nhân viên nhập cư để hỗ trợ hành khách và phát hiện những người muốn rời khỏi Romania bất hợp pháp.
Cột mốc quan trọng
Dù chỉ là thành viên một phần của khu vực Schengen, song việc dỡ bỏ kiểm soát biên giới của Bulgaria và Romania mang giá trị biểu tượng quan trọng. Theo nhà phân tích chính sách đối ngoại Stefan Popescu, việc được nhận vào Schengen là một "cột mốc quan trọng" đối với Bulgaria và Romania. "Bất kỳ người Romania nào phải đi làn đường tách riêng với các công dân châu Âu khác đều cảm thấy bị đối xử khác biệt", ông nói.
Ivan Petrov, giám đốc tiếp thị 35 tuổi người Bulgaria sống ở Pháp, cho biết anh rất hào hứng với việc đi lại ít mệt mỏi hơn và có thể tiết kiệm thời gian. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố: "Đây là một thành công lớn cho cả hai nước và là một khoảnh khắc lịch sử đối với khu vực Schengen. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng một châu Âu vững mạnh hơn, đoàn kết hơn cho mọi công dân".
Với việc Bulgaria và Romania gia nhập từ ngày 31/3, khu vực Schengen sẽ bao gồm 29 thành viên, trong đó có 25 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Đặt mục tiêu hội nhập hoàn toàn vào cuối năm nay
Bulgaria và Romania là hai quốc gia thành viên EU duy nhất không được hưởng đầy đủ lợi ích của Schengen. Cả Bulgaria và Romania đều hy vọng sẽ hội nhập hoàn toàn vào Schengen vào cuối năm nay. "Những nỗ lực của chúng tôi nhằm gia nhập Schengen ở biên giới đất liền đang tiếp tục ở nhiều kênh ngoại giao", Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu nói.
Đầu tháng này, một trong những công đoàn vận tải đường bộ chính của Romania, UNTRR, hối thúc chính phủ nhanh chóng đạt được điều này để giải quyết tình trạng họ phải xếp hàng dài chờ đợi quá lâu ở biên giới. Tình trạng này đã gây thiệt hại hàng tỷ EUR mỗi năm. Theo công đoàn vận tải đường bộ, các tài xế xe tải thường phải đợi từ 8-16 giờ ở biên giới Hungary và từ 20-30 giờ ở biên giới Bulgaria, có khi lên đến 3 ngày. Các doanh nghiệp Bulgaria cũng bày tỏ thất vọng khi quy định tự do đi lại chưa được áp dụng cho đường bộ. Họ chỉ ra rằng, chỉ 3% hàng hóa của Bulgaria được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển, 97% còn lại bằng đường bộ.
Bulgaria and Romania hy vọng có thể được kết nạp hoàn toàn vào cuối năm nay. "Không còn nghi ngờ gì nữa, quá trình này là không thể đảo ngược", Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu cho biết, đồng thời khẳng định việc mở rộng biên giới đất liền phải được hoàn thành trong năm 2024.
AN BÌNH