Bùng nổ chiến tranh UAV
(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) luôn gây nhiều tranh cãi. Các cuộc tấn công bằng UAV dường như cũng lờ mờ về ranh giới giữa một cuộc chiến tranh với việc chống khủng bố và thực thi pháp luật. Nhưng vì sao nhiều quốc gia vẫn coi UAV là lựa chọn ưu tiên?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc Anh tuyên bố giết 1 thành viên người Anh của nhóm IS ở Syria bằng UAV gây ra nhiều tranh cãi. Các máy bay chiến đấu và máy bay do thám Anh thường không hoạt động chống lại các mục tiêu ở Syria. London không tham chiến ở đó. Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo, chính phủ Thủ tướng Cameron bắt đầu đi theo con đường tương tự Mỹ, đất nước vốn chọn UAV làm vũ khí chống khủng bố. London khẳng định, kẻ bị tiêu diệt đang âm mưu tấn công khủng bố ở Anh và không có cách nào khả thi để cản trở kế hoạch này. Điều này không chỉ cho thấy lợi ích đặc biệt của UAV vũ trang mà còn thể hiện ý nghĩa pháp lý và đạo đức trong việc mở rộng sử dụng loại vũ khí này.
Các vụ tấn công tinh vi
Cho đến nay, chỉ một số ít các quốc gia có công nghệ và khả năng trinh sát mới có thể sử dụng UAV để do thám theo cách này. Mỹ và Israel là những nước có công nghệ hàng đầu, cùng với một số đồng minh hoạt động trong hệ thống của họ.
Nhưng việc sử dụng UAV do thám vũ trang đang lan rộng. Hồi đầu tháng này, Pakistan sử dụng một UAV vũ trang sản xuất trong nước để tấn công một mục tiêu ở khu vực bộ tộc Bắc Waziristan. Khả năng tấn công tinh vi của loại máy bay này khiến nhiều chuyên gia phương Tây kinh ngạc. Họ cho rằng, công nghệ của nó hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Dù danh sách các quốc gia đã thực sự sử dụng UAV do thám vũ trang là ít, nhưng xu hướng này đang dần phát triển. Trung Quốc và Iran được cho là đang sử dụng UAV do thám vũ trang và nhiều nước khác đã bày tỏ mong muốn được mua chúng. Ngay cả các tổ chức như Hezbollah cũng tìm cách sử dụng chúng trong cuộc chiến với Israel hồi năm 2006. Một nghiên cứu hồi tháng 6 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ ghi nhận rằng, hiện 90 quốc gia đã sử dụng UAV và ít nhất 30 nước trong số đó đang tìm cách phát triển các phiên bản vũ trang của loại máy bay này.
Một số người cho rằng, UAV vũ trang tạo ra một lợi thế “không công bằng” bởi vì không người nào của đất nước sở hữu máy bay bị nguy hiểm. UAV vũ trang còn là vũ khí quá nguy hiểm. Khả năng phản ứng nhanh, lang thang trên không trong vài giờ, chọn ra mục tiêu nhỏ và tấn công nó với một mức độ chính xác cao...tất cả những lợi thế này khiến chúng được sử dụng với tần số ngày càng tăng.
Máy bay không người lái Reaper General Atomics MQ-9 của Mỹ. Ảnh: BBC |
Chiến tranh hay chống khủng bố?
Rõ ràng, UAV không chỉ là vũ khí của chiến tranh. Mỹ tiến hành hàng trăm cuộc tấn công bằng UAV ở những nước không đang trong chiến tranh. Một câu hỏi đặt ra là, loại vũ khí này có thực sự ngăn chặn các nhóm khủng bố? Và bao nhiêu người dân vô tội đã bị giết chết trong các cuộc tấn công này?
Mục đích của việc sử dụng UAV mập mờ giữa chiến tranh và chống khủng bố. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà phê bình mô tả việc sử dụng chúng như là một kiểu “giết người ngoài vòng pháp luật”. Tất nhiên, các chính phủ sử dụng UAV bác bỏ cáo buộc này, cho rằng, việc họ sử dụng là hoàn toàn hợp pháp theo luật quốc tế. Và thực tế là việc sử dụng UAV do thám vũ trang đang gia tăng trong bối cảnh loại vũ khí này đang được ngày càng nhiều quốc gia nhắm đến.
An Bình
(Theo BBC)