Báo Công An Đà Nẵng

Bước đi suôn sẻ đầu tiên của ông Obama

Thứ hai, 28/04/2014 12:46

(Cadn.com.vn) - Mỹ đang hy vọng sẽ gặt hái được thành quả ở Philippines sau khi con đường đến Châu Á của ông chủ Nhà Trắng không chỉ trải toàn hoa hồng.

Trái với giai đoạn 1991-1992 khi Mỹ buộc phải từ bỏ Subic - cơ sở quân sự lớn nhất của Washington ở nước ngoài lúc đó - cùng với phần còn lại của mạng lưới quân sự ở trong nước, giờ đây, Manila kêu gọi Nhà Trắng trở lại.

Sự thay đổi đáng kể của Manila rõ ràng được thúc đẩy bởi những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, hình thành trong bối cảnh diễn ra chuyến công du 2 ngày của ông chủ Nhà Trắng đến Manila, chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ đến quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2003. Theo AP, trong bối cảnh phải vật lộn khó khăn với sức mạnh từ Bắc Kinh, Philippines chắc chắn sẽ đặt bút ký hiệp ước kéo dài 10 năm này, theo đó sẽ cho phép sự hiện diện quân sự lớn hơn của Washington tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tàu USS Essex của Mỹ tại cảng Subic của Philippines năm 2006. Ảnh: AP

Hiệp ước này dự kiến sẽ được ký kết tại Bộ Quốc phòng ở thủ đô Manila vào hôm nay (28-4) sau 9 tháng đàm phán căng thẳng, ngay trước khi Tổng thống Obama đặt chân đến thăm quốc gia đồng minh thân cận này. Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng nâng cao này, sẽ cho phép quân đội của cường quốc số 1 thế giới được ra vào tạm thời các căn cứ quân sự có chọn lọc ở Philippines, cũng như cho phép người Mỹ bố trí máy bay chiến đấu và tàu quân sự tại đây. Nguồn tin bí mật không nói rõ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai “trên cơ sở tạm thời và luân phiên”, nhưng nói rằng, số lượng sẽ phụ thuộc vào quy mô các hoạt động quân sự chung diễn ra tại Philippines.

Trong khi vẫn chưa có bất kỳ công bố nào chi tiết về vị trí và quy mô các hoạt động của Mỹ, chính phủ Manila nhấn mạnh, họ sẽ không quay ngược thời gian trở lại ngày quân đội Mỹ “cài đặt riêng chế độ” ở đây. Thượng viện Philippines đã “xé” Hiệp ước an ninh lâu dài với Mỹ vào tháng 9-1991, buộc Lầu Năm Góc phải đóng cửa hai căn cứ quân sự Subic và Clark ở tây bắc Manila.

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG CẦN TUÂN THỦ LUẬT QUỐC TẾ

Ngày 27-4, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã có buổi tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó cả hai nhất trí về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế khi thảo luận tình trạng căng thẳng về lãnh thổ trên biển Đông. Theo Reuters, cũng trong buổi hội đàm này, cả hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ song phương lên “quan hệ đối tác toàn diện”.

Nhưng vào năm 1999, Manila phê chuẩn một hiệp ước với Washington cho phép những chuyến đi lại tạm thời của lực lượng Mỹ. Quyết định này mở đường cho hàng trăm nhân viên quân sự Mỹ được triển khai ở miền nam Philippines từ năm 2002 để đào tạo chống khủng bố và là cố vấn cho binh sĩ chủ nhà, những người vẫn đang chiến đấu với chiến binh lực lượng Hồi giáo cực đoan trong nhiều thập kỷ qua.

Bấy lâu nay, sự hiện diện của quân đội nước ngoài là vấn đề nhạy cảm ở Philippines, một thuộc địa cũ của Mỹ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, trọng tâm của Philippines đã chuyển sang các mối đe dọa bên ngoài như tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Việc Philippines mong muốn tăng cường bảo vệ lãnh thổ, thật may mắn, khớp với ý định tái xoay trục Châu Á của Washington sau nhiều năm tham chiến ở Trung Đông. Và việc ký kết được hiệp ước quan trọng là thành quả đáng kể của ông Obama trong chuyến “trở lại Châu Á” lần này, đánh dấu bước đi suôn sẻ đầu tiên trong chính sách tái xoay trục của Nhà Trắng.

Giới phân tích cho rằng, cái may mắn này có thể ngăn chặn lập trường ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng lãnh thổ tranh chấp. Nhưng nó cũng có thể gây ra những màn đối kháng khi Bắc Kinh nhìn nhận liên minh này là chiến thuật tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á, suy nghĩ có thể khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy hệ thống quân sự khổng lồ, vốn liên tiếp tăng ở mức hai con số trong nhiều năm qua.

Khả Anh