Bước đột phá cho nghề khai thác hải sản ở Núi Thành
(Cadn.com.vn) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất triển khai quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng Cảng cá Tam Quang. Đây sẽ là một bước đột phá trong phát triển nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của H. Núi Thành...
Tàu neo đậu ở cảng cá Tam Quang. |
Từ mong mỏi của ngư dân...
Núi Thành là huyện có thế mạnh về nghề khai thác hải sản. Hiện tại, toàn huyện có 1.505 tàu thuyền gắn máy khai thác hải sản với tổng công suất máy 123.250 CV, trong đó 247 tàu thuyền có công suất máy từ 90 CV trở lên. Kết thúc mùa khai thác hải sản năm 2015, ngư dân H. Núi Thành đánh bắt được 42.000 tấn hải sản các loại, tăng 5,19% so với năm trước. Sản lượng khai thác đạt khá nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Tam Quang là xã dẫn đầu H. Núi Thành về số lượng tàu thuyền đánh bắt và sản lượng khai thác hải sản nhưng doanh thu từ nghề khai thác hải sản những năm qua lại đạt không cao và ngư dân có thu nhập bấp bênh. Nguyên nhân là do giá bán các loại cá thấp lại không ổn định, mặt khác tư thương thường ép giá nên gây thất thu lớn cho ngư dân.
Mùa biển năm ngoái, ông Huỳnh Văn Tạo, thôn Sâm Linh Đông, chủ đội tàu lưới vây đánh bắt xa bờ gồm 3 chiếc với 45 lao động và mặc dù trúng đậm cá ngừ, cá nục nhưng mỗi lao động đi tàu của ông Tạo chỉ thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng, giảm 30 triệu đồng so với năm 2013. Riêng chủ tàu thu nhập 2,4 tỷ đồng cũng giảm hơn 1 tỷ đồng so với mùa biển năm 2013. Ông Huỳnh Văn Tạo nói: “Năm ngoái, tôi cập bến vào đầu tháng 12 với 20 tấn cá ngừ, ngày đầu bán được giá 30 ngàn đồng/ 1kg, ngày sau, tư thương ép xuống còn 20 ngàn đồng/1kg, mất đứt 100 triệu đồng. Tôi đề nghị Nhà nước quan tâm xây dựng cảng cá hoặc chợ cá đầu mối ở tại một trong các xã biển tại H. Núi Thành để tránh tình trạng “đầu nậu” làm giá ép giá với ngư dân”. Ông Tạo cũng cho biết thêm: Ở Đà Nẵng, Phú Yên và nhiều nơi khác đã có chợ đầu mối hoặc cảng cá, trong khi ở 5 xã biển Núi Thành, tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhưng chỉ có 3 “đầu nậu” tư nhân thu mua hải sản. Họ câu kết với nhau và cả với những tư thương nơi khác để “làm giá”, ép giá ngư dân...
Những mong mỏi của ngư dân nay có điều kiện đáp ứng từ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó Cảng cá Tam Quang được quy hoạch là cảng cá loại I. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đi kiểm tra thực tế và thống nhất quy hoạch đầu tư xây dựng cảng cá và dịch vụ hậu cần cảng cá Tam Quang. Đây là việc làm hợp với nguyện vọng ngư dân và là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Quảng Nam đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ hậu cần cho đội tàu cá ngày càng lớn mạnh ở địa phương.
...đến quy hoạch phát triển cảng cá theo hướng hiện đại
Cảng cá Tam Quang theo quy hoạch nằm ở vị trí khu vực bến số 3 (theo bản đồ quy hoạch Khu Kinh tế mở Chu Lai) thuộc thôn An Hải Đông và sẽ điều chỉnh lại thiết kế theo hướng từ bến liền bờ chuyển sang bến nhô xương cá, nhằm giảm quy mô, chi phí đầu tư và tăng lượng tàu thuyền vào neo đậu khu vực này. Ranh giới Cảng cá Tam Quang (giai đoạn 1) được xác định thuộc phía tây đường giao thông chính hiện nay và từ bến số 2 vào đến cây xăng Thảo Trinh; giữ nguyên vị trí chợ Tam Quang hiện tại nhưng quy hoạch, đầu tư xây dựng lại chợ mới đảm bảo quy mô lớn hơn, phù hợp với Cảng cá loại I, đáp ứng phần nhu cầu nội địa, trong đó quy hoạch đầy đủ các phân khu chức năng và bố trí hợp lý các khu mua bán hải sản (ở phần giáp sông), các khu rau củ quả, hàng dân dụng... và có bãi đỗ xe thô sơ cho người đi chợ; đồng thời quy hoạch bãi đỗ xe ô-tô tại vị trí trước khu kho ngoại quan, thuộc phía bắc đường ĐT618. Trong quy hoạch Cảng cá Tam Quang, sẽ dành phần lớn diện tích đất của Công ty Thủy sản Núi Thành (cũ) hiện nay do Nhà nước quản lý để làm khu bến thu mua và tổ chức các dịch vụ trực tiếp phục vụ xuất nhập khẩu thủy sản gồm kho bảo quản, sơ chế thủy sản, cung cấp nước đá, xăng dầu, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm cung ứng cho tàu cá.
Về lâu dài, tỉnh sẽ mở rộng phạm vi quy hoạch phát triển Cảng cá Tam Quang về phía thượng lưu sông Trường Giang đến bến đò Tam Quang hiện nay nhằm đảm bảo quy mô của cảng cá loại I, phù hợp với thực tế phát triển của đội tàu cá Quảng Nam và nhu cầu làm hàng của tàu cá các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung; đồng thời kết hợp mở rộng không gian đường vào bến phà Tam Quang phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân xã đảo Tam Hải, đảm bảo an toàn, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Liên quan đến quy hoạch xây dựng Cảng cá Tam Quang, cụm công nghiệp và dịch vụ nghề cá có vị trí tại thôn Xuân Trung, tập trung cho việc chế biến thủy sản, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu đánh cá. Khu neo đậu tàu cá tại khu vực luồng đã được nạo vét ở thôn Xuân Trung và tiếp tục thực hiện nạo vét về phía thượng lưu đảm bảo độ sâu phù hợp để phục vụ nhu cầu neo đậu của các tàu cá sau khi cập bến bốc dỡ hàng tại cảng cá và neo đậu tránh trú bão trong mùa mưa. Về hạ tầng giao thông trong quy hoạch Cảng cá Tam Quang, tỉnh tiếp tục đầu tư hai trục đường khớp nối khu dân cư đang thi công với đường ĐT 618, đồng thời khớp nối với cụm công nghiệp, dịch vụ nghề cá với đường ĐT618 để hoàn thiện hạ tầng kết nối đồng bộ khu vực cảng cá và khu vực công nghiệp, dịch vụ nghề cá...
Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Tam Quang, Ban Quản lý khu Kinh tế mở Chu Lai, UBND H. Núi Thành và UBND xã Tam Quang đang tiến hành các bước theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Như vậy, việc đầu tư xây dựng Cảng cá Tam Quang sẽ trở thành hiện thực và đây là bước đột phá cho nghề khai thác hải sản của tỉnh Quảng Nam phát triển.
Văn Phin