Bước khởi đầu...
(Cadn.com.vn) - Ngày 1-11, lãnh đạo 3 quốc gia láng giềng Nhật, Trung, Hàn bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, đánh dấu thắng lợi cho chủ nghĩa chính trị và kinh tế thực dụng và đặc biệt là nỗ lực vượt qua bóng ma lịch sử chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ ba bên.
Việc giới lãnh đạo 3 quốc gia này đồng ý gặp nhau trong một Hội nghị Thượng đỉnh như thế này, với mục đích nhằm nối lại các cơ chế hợp tác ba bên sau khi đình chỉ trong hơn 3 năm qua, được đánh giá là một điểm sáng ngoại giao ở Đông Bắc Á, cho thấy rõ dấu hiệu hòa dịu trong quan hệ giữa Tokyo với 2 nước láng giềng Châu Á. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên mà các nhà lãnh đạo nhất trí gạt sang một bên những bất đồng về lịch sử và những tranh chấp lãnh thổ để tập trung vào những mối quan tâm chung về an ninh và thương mại.
Theo đó, Tổng thống nước chủ nhà Park Geun-Hye, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tăng cường trao đổi quan điểm về các vấn đề hợp tác ba bên và các mục tiêu mà 3 nước cùng quan tâm trong khu vực. Điều này rất có lợi cho việc kích hoạt cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đình trệ trong nhiều năm qua. Bởi trên thực tế, Hàn- Trung - Nhật là những "cầu thủ" đóng vai trò quan trọng trên bàn đàm phán 6 bên, vốn còn có Triều Tiên, Nga và Mỹ.
Mỹ cũng đang rất chờ đợi một dấu hiệu tích cực sau cuộc họp này. Trên thực tế, Washington lâu nay vẫn muốn Nhật và Hàn, vốn là 2 đồng minh quan trọng trong khu vực của Nhà Trắng, xích lại gần nhau hơn để chống lại ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng Thủ tướng Abe và Tổng thống Park Geun-hye chưa từng gặp gỡ "mặt đối mặt" kể từ khi cả hai lên nắm quyền vào năm 2012. Cả hai mong đợi sẽ có cuộc gặp như thế này bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần này, theo mong muốn của Mỹ.
Căng thẳng giữa Nhật và 2 quốc gia Trung-Hàn xấu đi trong nhiều năm qua do lịch sử chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ. Mọi việc bất ngờ càng đi vào ngõ cụt khi vào cuối năm 2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến thăm đền Yasukuni - nơi thờ các tội phạm chiến tranh quân phiệt của Nhật - động thái khiến Seoul và Bắc Kinh giận dữ. Sau những cuộc biểu tình liên tục của Bắc Kinh và Seoul, ông Abe buộc phải từ bỏ kế hoạch sửa đổi lời xin lỗi năm 1995 của Nhật về thời kỳ chiến tranh xâm lược và có những động thái "ve vuốt" hai quốc gia láng giềng.
Vì vậy, hội nghị lần này được xem như là một bước tan băng đầu tiên trong quan hệ ba bên, đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại về những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ và vô lý của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông đang đe dọa an toàn hàng hải, "sự kiện mở màn" này cũng chứa đầy rủi ro.
Thanh Văn