Báo Công An Đà Nẵng

Bước ngoặt chống khủng bố

Thứ năm, 06/03/2014 09:36

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc thật sự vẫn còn sốc sau vụ tấn công khủng bố Côn Minh hôm 1-3. Nhưng rõ ràng, vụ tấn công chết người này có thể giúp thay đổi cách nghĩ “cổ hũ” của Trung Quốc về khủng bố và thay đổi cả cách Bắc Kinh giải bài toán khó nhằn này.

Bắc Kinh bắt đầu “thu mình” kể từ sau vụ khủng bố tại nhà ga Côn Minh, nơi một nhóm các kẻ tấn công cầm dao đâm loạn xạ vào đám đông, giết chết 29 người và khiến hơn 140 người bị thương.

Khi những người bị thương vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn và người đứng đầu của Ủy ban về các vấn đề chính trị và pháp luật của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Mạnh Kiến Trụ đang ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, phối hợp đối phó vụ việc.

Bộ Công an Trung Quốc ban hành tuyên bố nêu rõ, nhóm khủng bố 8 thành viên do Abdurehim Kurban đứng đầu chịu trách nhiệm vụ tấn công này. 4 kẻ tình nghi bị bắn chết trong khi 3 kẻ khác cũng bị bắt giữ.

Trong khi đó, chính quyền Côn Minh cho biết, những bằng chứng tại hiện trường cho thấy, lực lượng ly khai từ Tân Cương đứng đằng sau vụ tấn công. Bộ Ngoại giao nói cụ thể hơn khi cho rằng, các bằng chứng tại hiện trường bao gồm lá cờ của lực lượng “Đông Turkestan”.

Vụ tấn công Côn Minh, một trong những sự cố nguy hiểm nhất xảy ra bên ngoài Tân Cương, có thể là bước ngoặt cho cuộc chiến chống khủng bố Trung Quốc. Hiện có xu hướng đi lên trong các vụ bạo động ở tỉnh miền Tây xa xôi của Trung Quốc, nhưng vẫn hạn chế bạo lực.

Cuộc tấn công ở Côn Minh hoàn toàn có thể thay đổi các tính toán của giới lãnh đạo và cả các công dân bình thường nhất của Trung Quốc về cách nước phải đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Một số cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu gọi cuộc tấn công ngày 1-3 là “sự kiện 11-9 của chúng tôi”. Những ý kiến này đang tạo một dấu ấn rõ ràng. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9 thật sự thay đổi nhận thức trong công chúng Mỹ, thay đổi cách người Mỹ đi về trong cuộc sống hàng ngày.

An ninh sân bay hoàn toàn được tân trang. Những nơi công cộng đông người như tàu điện ngầm được dán biển cảnh báo “nhìn thấy gì đó, hãy nói”, khẩu hiệu khuyến khích người dân tiếp tục cảnh giác.

Số người chết kinh hoàng sau vụ tấn công 11-9, và đặc biệt một thực tế là các cuộc tấn công khủng bố diễn ra trên đất Mỹ - nơi vốn tự hào là “bất khả xâm phạm” thật sự thay đổi tinh thần người Mỹ. Chủ nghĩa khủng bố không còn là mối quan tâm xa xôi mà là mối nguy hiểm thường trực, có thể tấn công bất cứ ai, bất cứ nơi nào.

Trong khi người Trung Quốc vẫn thầm nhủ “vẫn còn may mắn” khi số người chết ít hơn vụ 11-9 và những kẻ tấn công không có súng (nhờ chính sách kiểm soát súng đạn chặt chẽ), cuộc tấn công Côn Minh cũng khiến chính quyền Trung Quốc giật mình như Mỹ sau vụ 11-9 vậy.

Một cuộc tấn công ngoài khu vực Tân Cương tạo cú sốc như những người Mỹ  ở New York và Washington từng cảm nhận. Global Times cho rằng, vụ tấn công Côn Minh gây thiệt hại vì quá bất ngờ.

Nếu Côn Minh bị tấn công vì an ninh lỏng lẻo, rõ ràng, điều đáng bàn là cần phải đẩy mạnh an ninh trên toàn  Trung Quốc. Global Times kết luận rằng, những nỗ lực chống khủng bố cần áp dụng trên khắp cả nước.

Thanh Văn