Báo Công An Đà Nẵng

Bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19

Thứ tư, 09/12/2020 18:00

Vương quốc Anh (gồm Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland) - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, đang bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cho người dân, đánh dấu bước quan trọng trên con đường chấm dứt đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới.

Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, trở về phòng khám sau khi trở thành bệnh nhân đầu tiên ở Vương quốc Anh được tiêm vaccine chống Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại Bệnh viện Đại học, Coventry hôm 8-12.

Người đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine Covid-19

Ngày 8-12, các cơ quan y tế của Anh khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19, đặt tên là “V-Day” (Ngày Vaccine) theo lựa chọn của Bộ trưởng Y tế Matt Hancock. Đây là chương trình chiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay của Anh. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tình nguyện phát trực tiếp quá trình tiêm vaccine Pfizer trên truyền hình như một động thái để củng cố niềm tin của công chúng.

“Phát súng đầu tiên” được trao cho cụ bà Margaret Keenan, người sẽ bước sang tuổi 91 vào tuần tới, tại Bệnh viện Đại học Coventry. Và cụ bà Keenan đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và hãng dược phẩm BioNTech của Đức bào chế. Phát biểu với báo giới, cụ Keenan đã bày tỏ vinh dự khi trở thành người đầu tiên được tiêm loại vaccine này, coi đây là món quà mừng sinh nhật sớm có ý nghĩa nhất. Với cụ, tiêm vaccine đồng nghĩa với việc có thể có thêm thời gian ở bên gia đình, bạn bè, nhất là khi đã ở cái tuổi xế chiều. Cùng với cụ Keenan, những người già trên 80 tuổi, các điều dưỡng và  nhân viên y tế tuyến đầu và bảo trợ xã hội, là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Anh. Người tiêm thứ hai là cụ ông William Shakespeare, 81 tuổi đến từ Warwickshire. Những người này sẽ phải tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 21 ngày.

Tổng thống Mỹ chuẩn bị ký sắc lệnh về vaccine phòng Covid-19

Truyền thông Mỹ đưa tin: Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ sớm ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đảm bảo tất cả người dân Mỹ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trước khi chính phủ Mỹ bắt đầu hỗ trợ các quốc gia khác trên thế giới.

Truyền thông địa phương dẫn thông tin từ các quan chức cấp cao chính quyền cho biết Tổng thống Trump sẽ tái nhấn mạnh cách tiếp cận vì người dân Mỹ trước tiên. Một quan chức chính phủ nói: “Ưu tiên là đảm bảo việc chúng tôi phân phối những loại vaccine này cho người Mỹ trước khi bắt đầu chuyển chúng đi khắp thế giới”. Quan chức này cũng dự đoán việc Mỹ hỗ trợ vaccine cho các nước khác có thể diễn ra vào cuối mùa Xuân hoặc đầu mùa Hè sau khi quốc gia này đạt được quy mô tiêm chủng cho tất cả những người dân có mong muốn phòng ngừa.

Thế giới dõi theo nước Anh

Hiện Anh là quốc gia Châu Âu chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất. Theo thống kê theo thời gian thực của trang Worldometers, tính tới sáng 8-12, nước Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,7 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 61.000 người đã chết.

Theo các chuyên gia, đó có thể là lý do hàng đầu khiến London nỗ lực xúc tiến chiến dịch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy một tuần sau khi phê duyệt đưa vaccine vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp, trước cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng việc sớm triển khai tiêm chủng ngừa vaccine lần này sẽ giúp kiềm chế làn sóng dịch bệnh. Các nhân viên y tế Anh cũng coi vaccine là “ánh sáng cuối đường hầm” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới. Anh đã đặt mua 40 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, vốn sẽ đủ cho 20 triệu người trong tổng số 67 triệu dân Anh. Trong tuần đầu tiên, Anh được bàn giao 800.000 liều. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hy vọng sẽ có hàng triệu người dân nước mình sẽ được tiêm vaccine trước lễ Giáng sinh. Ông cho biết Anh sẽ nhận thêm hàng triệu liều vaccine trước cuối năm nay.

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech có hiệu quả phòng ngừa lên tới 95% và không gây tác dụng phụ đáng kể trong thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Một trong những khó khăn lớn nhất trong phân phối và đưa vaccine của Pfizer/BioNTech vào sử dụng là điều kiện bảo quản. Vaccine này cần được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh là -70 độ C và chỉ để được 5 ngày trong tủ lạnh thông thường. Kế hoạch đưa vaccine vào sử dụng đại trà tại Anh cũng được xem như một phép thử đối với mạng lưới phân phối vaccine của Pfizer/BioNTech.

Các chính phủ và cơ quan y tế trên toàn thế giới cũng đang hướng mắt theo dõi chương trình tiêm chủng của Anh để ghi nhận những thành công và thất bại của chương trình, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

KHẢ ANH