Báo Công An Đà Nẵng

Buôn bán vũ khí -những "ngư ông đắc lợi"

Thứ hai, 24/03/2014 12:27

(Cadn.com.vn) - Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, ở đâu người ta cũng tuyên truyền bài xích chiến tranh, giải trừ vũ khí, song nghịch lý là tình trạng sản xuất, buôn bán vũ khí toàn cầu lại không giảm. Thậm chí cuộc chạy đua vũ trang ngày càng sôi động, manh nha cho cuộc chiến xảy ra nay mai, trong số này có rất nhiều “ngư ông” phất to nhờ sản xuất vũ khí.

Lockheed Martin Corp

Xếp đầu danh sách 10 Cty thu lợi nhuận nhiều nhất từ vũ khí (năm 2012) là Tập đoàn Lockheed Martin với lượng vũ khí bán ra trong năm là 36 tỷ USD/tổng doanh số 47,2 tỷ USD; lợi nhuận ròng thu về 2,7 tỷ USD. Lockheed Martin là hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và các loại khí tài dùng cho quân đội, được thành lập năm 1995 khi Lockheed sáp nhập với Martin Marietta.

Lockheed Martin hiện có 120.000 nhân viên trên quy mô toàn cầu dưới sự điều hành của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Robert J. Stevens. Lockheed Martin là Cty hợp đồng quốc phòng lớn nhất thế giới, với doanh thu đến từ Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên bang khác của Mỹ và khách hàng quân đội nước ngoài.

Năm 2012, Lockheed Martin dẫn đầu thế giới về sản xuất và kinh doanh vũ khí, mặc dù số lượng hàng bán ra giảm nhẹ so với năm 2011 (36,2 tỷ USD). Tháng 10-2012, theo yêu cầu của Tổng thống Obama, Lockheed Martin sa thải hàng ngàn công nhân nhằm phù hợp với chính sách cắt giảm chi tiêu quân sự, giảm món nợ khổng lồ cho quốc gia.

Boeing

Xếp thứ hai là Boeing, với số lượng vũ khí trao đổi  27,6 tỷ USD/ tổng doanh số bán ra 81,7 tỷ USD; lợi nhuận 3,9 tỷ USD; nhân viên 174.000 người. Năm 2007, Boeing vẫn là tập đoàn sản xuất vũ khí lớn hàng đầu nhưng bị tụt hạng xuống hàng thứ 3, sau Lockheed Martin, đến năm 2008 còn xếp sau cả BAE Systems.

Mặc dù bán vũ khí chỉ chiếm 34% doanh thu nhưng Boeing vẫn là nhà thầu quân sự lớn thứ hai trên thế giới từ trước tới nay. Boeing ra đời ngày 15-7-1916, trụ  sở chính đặt tại Chicago, Illinois.  Năm 1944, Boeing chính thức sản xuất máy bay chiến đấu và máy bay ném bom phục vụ Thế chiến II.

BAE Systems

Vị trí thứ 3 là BAE Systems của Anh, với lượng vũ khí giao dịch năm 2012 là 26,9 tỷ USD/ tổng doanh số bán ra 28,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng 2,6 tỷ USD, nhân viên 88.200 người. BAE Systems ra đời tháng 11-1999 sau cuộc sáp nhập giữa 3 Cty BAE Systems, Marconi Electronic Systems và British Aerospace.

Với thế mạnh là công nghệ hàng không, thiết bị điện tử và cơ khí chính xác, BAE Systems được xem là một trong những “gã khổng lồ” về công nghệ vũ khí hiện đại, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực quân sự công nghệ cao, như máy bay chiến đấu, máy bay dân dụng, máy bay không người lái...

Nhờ chiến tranh thông minh phát triển nên sản phẩm của BAE Systems ngày càng có giá. Mặc dù Bộ Quốc phòng Anh cắt giảm chi tiêu nhưng  BAE Systems vẫn được xem là nhà thầu lớn nhất của Bộ Quốc phòng nước này.

Bên trong xưởng đóng tàu của BAE Systems ở Barrow-in-Furness, Anh.

L-3 Communications

Xếp thứ 10 trong danh sách là L-3 Communications, với số lượng vũ khí bán ra năm 2012 là 10,8 tỷ USD/tổng lượng vũ khí giao dịch là 13,1 tỷ USD, lợi  nhuận ròng 782 triệu USD, nhân viên 51.000 người. So với năm 2011, L-3 Communications tụt một bậc, doanh số bán ra giảm từ 12, 5 tỷ USD xuống còn 10,8 tỷ USD. Tuy nhiên, việc kinh doanh vũ khí vẫn chiếm tới 82% tổng thu của L-3 Communications.

Tháng 7-2012, L-3 tách ra khỏi hệ thống kinh doanh của chính phủ và trở thành một pháp nhân riêng dưới tên gọi là Engility. Việc phân tách này đã đưa L-3 Communications trở thành công ty độc lập, hạch toán riêng, nhưng quan trọng hơn là để cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho các nhà thầu quốc phòng.

Khắc Nam

(Theo WS)