Buôn làng âm ỉ hủ tục “thuốc thư”
Nhiều năm qua, dù chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể H. Chư Sê (Gia Lai) luôn tích cực tuyên truyền, vận động xóa bỏ, tuy nhiên gần đây hủ tục “thuốc thư” có dấu hiệu quay trở lại. Không chỉ làm xáo trộn cuộc sống bình yên của buôn, làng, hủ tục này tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ANTT trên địa bàn.
Gia đình ông Đinh Breo vì bị nghi ngờ có “thuốc thư” mà phải bỏ làng qua tá túc nhà người em. |
Buổi chiều, làng Puih Jri (xã Bờ Ngoong, H. Chư Sê, Gia Lai), im ắng, buồn tênh. Căn nhà của gia đình ông Breo gần như bỏ hoang bởi cả gia đình phải bỏ đi vì dân làng cho rằng ông Breo có “thuốc thư”. Tìm đến làng Dnâu (cách nhà cũ 2km)–nơi vợ chồng ông Breo và những đứa con tá túc tại nhà người em mới gặp được ông. Ngồi ôm gối, mắt đượm buồn, ông Breo kể: “Chuyện xảy ra hơn tháng nay, chỉ vì nghi ngờ mình có “thuốc thư” mà dân làng xa lánh, nghi kị, thậm chí còn chửi bới, dọa đánh đập những người trong nhà mình. Lo sợ, gia đình phải qua bên này tá túc chớ ở bên đó sợ không đảm bảo tính mạng cho cả nhà. Mình chỉ mong sao bà con dân làng hiểu rằng làm gì có “thuốc thư” để nhà mình có thể về lại làng, yên ổn sống với bà con dân bản!”. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ việc ông Breo cắm cọc phân chia ranh giới ruộng lúa giữa gia đình ông với gia đình ông Đinh Bê (cùng làng). Tuy nhiên, khi ông Breo phân chia ranh giới, không có mặt gia đình ông Đinh Bê cũng như người làm chứng theo phong tục của làng. Từ đó, mâu thuẫn giữa 2 gia đình bắt đầu xảy ra. Trước sự việc, tổ công tác của xã, làng đã tổ chức hòa giải và đại diện 2 gia đình đã thống nhất việc phân chia ranh giới, rút và đốt tiêu hủy số cọc đã cắm trên ruộng lúa. Ông Breo cũng nhận sai và theo luật tục, ông Breo đã nộp phạt 5 triệu đồng và 1 con heo để tổ chức cúng Yang (thần linh).
Chuyện tưởng đã yên nhưng đến ngày 3-4, bà Đinh HNgloch (vợ ông Đinh Bê) bị những cơn đau bụng hành hạ. Thay vì đưa đến cơ sở y tế, gia đình đưa bà HNgloch đến nhà bà Blem (xã Glar, H. Đăk Đoa, Gia Lai) để “bắt” con bệnh trong người ra. Khi nghe bà Blem “phán” bà HNgloch bị một người ở làng Puih Jri bỏ “thuốc thư” nên mới bị bệnh tật liên miên. Nhớ lại việc tự ý cắm cọc ruộng của ông Đinh Breo, gia đình ông Bê nghi ông này có thuốc thư nên đe dọa, xúc phạm, gây áp lực buộc ông Breo công khai xin lỗi và giải “thuốc thư”. Sự việc càng lên đến đỉnh điểm khi nhiều người trong làng cho rằng ông Breo có “thuốc thư” thật khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT tại làng Puih Jri. Nắm được thông tin sự việc, tổ công tác xã Bờ Ngoong và CAH Chư Sê đã kịp thời can thiệp, bảo vệ tính mạng, tài sản cho gia đình ông Breo. Đồng thời, vận động gia đình đưa bà HNgloch đến cơ sở y tế điều trị. Lúc này, mới vỡ lẽ, bà HNgloch bị viêm dạ dày nhưng lâu nay không chữa trị khiến bệnh càng nặng thêm.
Cán bộ CAH Chư Sê cùng xuống làng Puih Jri nắm thông tin, vận động người dân xóa bỏ hủ tục “thuốc thư” |
Một sự việc khác cũng đã xảy ra tại làng Kênh Siêu (xã Chư Pơng, H. Chư Sê) khiến bà Kpă Hling (trú làng Kênh Siêu) khốn khổ khi sống trong nỗi lo lắng. Năm 2005, chồng mất, kinh tế gia đình càng khó khăn, bà Hling bán đám ruộng của gia đình tại xã Ia Kênh để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, ông Hlơr (phía gia đình chồng bà Hling) cho rằng mảnh đất là của gia đình chồng nên tìm cách đuổi bà Hling về làng Klan (xã Ia Băng, H. Chư Prông). Từ mâu thuẫn đó, mỗi khi trong làng hay dòng họ có người đau, ốm chết do già yếu thì ông Hlơr đều rêu rao rằng gia đình bà Hling đã bỏ “thuốc thư” và kéo đến nhà gây áp lực. Cụ thể, vào ngày 21-1-2019, gia đình ông Hlơr kéo đến đánh bà Hling và các con, đuổi gia đình bà Hling ra khỏi làng. Nhận tin báo, chính quyền địa phương và CAH Chư Sê đã có mặt ngăn chặn, tuyên truyền, giải thích cho người dân tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Nhiều năm trước, cũng tại địa bàn H. Chư Sê, ông Đinh Khot (1962, trú làng Ring Răng, xã Dun) bị đánh đến chết vì nghi ông có “thuốc thư” hại người. Khi ông Đinh Pot (1956, trú cùng làng) chết do bệnh xơ gan cổ trướng, gia đình nghi ngờ bị ông Đinh Khot bỏ “thuốc thư” vì trước đó, trong những lần uống rượu say, ông Khot “vạ miệng” đe dọa sẽ làm cho nhiều người “có thai”, trong đó có ông Đinh Pot. Do đó, ngày 31-3-2013, Đinh Tối (1982) và Rơ Mah Den (1992) tìm đến làng Chai (xã Kông Htok) bắt ông về làng. Trên đường đi, 2 đối tượng này đã đánh đập ông Khot, khi về đến đám tang ông Pot, nhiều đối tượng quá khích khác tiếp tục đánh ông Đinh Khot đến chết. Ông Đỗ Văn Mạch, Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong cho biết: “Sau khi phát hiện mâu thuẫn giữa gia đình ông Đinh Bê và ông Đinh Breo, tổ công tác của xã, cùng lực lượng CAH đã vận động đưa bà HNgloch đi khám, chữa bệnh và giải thích cho người dân trong làng hiểu nguyên nhân bệnh là do viêm dạ dày chứ không phải do “thuốc thư”. Chúng tôi đang tiếp tục vận động gia đình đưa ông Đinh Bê đi chữa bệnh vì ông này có dấu hiệu bệnh tâm thần”.
Trung tá Phan Thanh Hải - Phó Trưởng CAH Chư Sê cho rằng: mọi vấn đề liên quan đến “thuốc thư” đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được dẫn đến ngờ vực lẫn nhau, cộng với một số người thiếu nhận thức về hủ tục này. Do vậy, khi manh nha những mâu thuẫn nhỏ tại các làng, các ban ngành, đoàn thể cơ sở cần nhanh chóng vào cuộc, tuyên truyền, vận động để giải quyết nhanh sự việc, tránh tích tụ lâu ngày dẫn đến ngờ vực, nghi kị lẫn nhau khiến vụ việc trở nên phức tạp, khó gỡ. Bên cạnh đó, nhân viên y tế ở các làng, bản cần tuyên truyền, đẩy mạnh hơn nữa việc khám, chữa bệnh để người dân giảm bớt các hủ tục mê tín dị đoan, tin vào thầy cúng. “Để loại bỏ hủ tục này, cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong làng mới giải quyết được vấn đề, hóa giải ngay những mâu thuẫn nhỏ phát sinh. Đồng thời, các cấp chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xóa bỏ lối suy nghĩ lạc hậu, mê tín dị đoan. Có như vậy, bà con dân làng mới thay đổi nhận thức, loại bỏ các hủ tục ra khỏi đời sống”, Trung tá Phan Thanh Hải nêu giải pháp.
MINH TÂN