Buồn vui chuyện cứu trợ
(Cadn.com.vn) - Đã một tuần trôi qua sau khi siêu bão Haiyan tấn công Philippines, song nhiều người dân vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Chính quyền Manila ngày 15-11 lên tiếng bảo vệ những nỗ lực cứu trợ khẩn cấp sau khi bị các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới chỉ trích là quá chậm chạp.
“Trong tình huống như thế này, không có gì là nhanh được”, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas nói khi có mặt tại Tacloban – thành phố bị hủy diệt đến 90% sau bão. “Nhu cầu là rất lớn, rất khẩn cấp và bạn không thể đến được tất cả mọi người”, ông này nói thêm. Các nỗ lực cứu trợ được tăng tốc trong hơn 24 giờ qua. Nhiều đoàn cứu trợ các nước mang theo thực phẩm, nước, vật tư y tế... cũng có mặt tại Philippines. Xe tải và máy phát điện cũng đến. Nhưng nhiều người phàn nàn, các nỗ lực cứu trợ là không đủ.
Hiện, giới chức chính phủ Philippines vẫn mâu thuẫn về số người chết do siêu bão Haiyan. Phát ngôn viên Cục Phòng vệ dân sự, thiếu tá Reynaldo Balido, ngày 15-11 xác nhận, số người chết tăng lên 2.360. Trong khi đó, chính quyền thành phố Tacloban công bố 3.422 người chết tại đảo Samar và đảo Leyte. Một số quan chức khác ước tính, số người chết có thể hơn 10.000.
Quân đội Mỹ tiến hành công tác cứu trợ tại Philippines sau siêu bão Haiyan. Ảnh: Chinadaily |
Mỹ - Philippines và “quyền lực mềm”
Nỗ lực cứu trợ quy mô lớn của Mỹ dành cho người dân Philippines đang giúp hình ảnh của cường quốc số 1 thế giới lung linh hơn trong mắt cộng đồng quốc tế.
Tình người, tình “đồng chí” trong hoạn nạn khiến Mỹ và Philippines càng xích lại gần nhau hơn sau khi mối quan hệ có phần lắng xuống vì đàm phán quân sự đi vào bế tắc. Hồi đầu tháng này, Washington-Manila mở các cuộc thảo luận về việc Mỹ muốn tăng mạnh số lượng binh sĩ luân phiên thường xuyên tại các căn cứ Philippines. Tuy nhiên, lúc đó, những người chỉ trích tuyên bố, yêu cầu của Mỹ, nếu được đáp ứng, sẽ làm suy yếu chủ quyền của Manila. Khi triển vọng cho một thỏa thuận được ký kết vào năm nay bị lung lay, người Philippines phải gồng mình chống siêu bão Haiyan.
Để cùng chung tay khắc phục hậu quả khủng khiếp về người và của với Philippines, Mỹ mở chiến dịch cứu trợ quy mô lớn chưa từng có mang tên “Damayan” huy động một tàu sân bay, 7 chiến hạm cùng hàng chục máy bay trực thăng và vận tải quân sự. Tuy nhiên, Mỹ còn cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn thế nữa. Thảm họa Haiyan là điều không may nhưng giờ đây người Philippines càng thấy rõ những lợi ích của việc cho phép một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ. Sau thảm họa, các phương tiện truyền thông Philippines liên tục cập nhật hình ảnh nhân viên cứu trợ của quân đội Mỹ trên các đường phố. Và trên các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những lời cầu xin sự giúp đỡ và “Cảm ơn nước Mỹ”. Hiến pháp Philippines hiện hành cấm sự hiện diện của các căn cứ quân sự cho binh sĩ nước ngoài, nhưng thảm họa Haiyan có thể mở đường cho Mỹ gia tăng lực lượng đóng tại các cảng ở Philippines, ông Michael Buehler, nhà nghiên cứu tại Hội Châu Á nhận định trên báo CS Monitor.
Mỹ là quốc gia đi đầu trong nỗ lực cứu trợ các quốc gia Châu Á gặp thiên tai, hoạn nạn. Những hoạt động cứu hộ khẩn cấp như thế này được cho là công cụ hữu hiệu bảo vệ lợi ích của Washington trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh ý nghĩa nhân đạo và nhân văn sâu sắc, hoạt động cứu trợ là minh chứng rõ ràng nhất cho “quyền lực mềm” mà Tổng thống Barack Obama đang áp dụng trong bối cảnh Washington muốn tái tập trung vào Châu Á-Thái Bình Dương, tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Tàu sân bay George Washington của Mỹ đến Philippines và bắt đầu phân phát nước sinh hoạt từ hệ thống lọc nước trên tàu. Điều này nhắc nhở các nước trong khu vực rằng, Mỹ không chỉ là một đồng minh an ninh truyền thống mà là một đối tác hoàn hảo trong cuộc khủng hoảng an ninh phi truyền thống.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng phải rất cẩn thận để không bị chỉ trích là “đục nước béo cò”.
Trung Quốc nên điều tàu chiến giúp Philippines
Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố tăng mức viện trợ lên 1,6 triệu USD cho Philippines, song báo Global Times của nước này ra ngày 15-11 cho rằng, như thế là chưa đủ và chưa xứng tầm của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo báo này, Bắc Kinh nên điều tàu chiến tới Philippines như một phần trong nỗ lực cứu trợ thảm họa sau siêu bão Haiyan để đối trọng với sự ảnh hưởng của Mỹ và Nhật Bản trước tình hình hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này. Tờ Global Times nhận định, trong bối cảnh Bắc Kinh và Manila có tranh chấp chủ quyền biển đảo, nếu Philippines từ chối đề xuất điều tàu chiến trên, điều đó chỉ “cho thấy một suy nghĩ thiển cận trong khi Trung Quốc chẳng thiệt gì”. Theo báo này, việc điều tàu chiến càng chứng tỏ chính sách ngoại giao “mềm” của Bắc Kinh và gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Trung Quốc đang vấp phải chỉ trích từ các phương tiện truyền thông thế giới vì sự viện trợ ít ỏi dành cho Philippines, mà nguyên nhân được cho là do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông. Nhật Bản – đối thủ của Trung Quốc trong khu vực - cũng cung cấp gói viện trợ khẩn cấp cho Philippines lên đến hơn 30 triệu USD, đồng thời có kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới khu vực thảm họa, được coi là một cuộc triển khai quân đội lớn nhất ở nước ngoài của Tokyo kể từ sau Thế chiến II. Không kể đến những đội cứu trợ trước đó, một đội gồm 8 tàu của Mỹ, do tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu, cập cảng Philippines mang theo thiết bị, nhu yếu phẩm và đoàn chuyên gia.
Rõ ràng, lợi ích cho Manila và cả Washington trong việc đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ không chỉ là sự cứu trợ thảm họa mà còn tạo thế đối trọng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh Philippines-Trung Quốc ngày càng gia tăng căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Khả Anh