Báo Công An Đà Nẵng

Buông lỏng quản lý vật liệu nổ (Kỳ 1: Vật liệu nổ và những mỏ vàng trái phép)

Thứ bảy, 14/10/2017 09:50

Quảng Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều loại khoáng sản khác nhau, trong đó đặc biệt có giá trị là khoáng sản vàng. Để lấy được quặng vàng trong núi, các đối tượng đã sử dụng một lượng lớn vật liệu nổ (VLN), trong đó có cả VLN có phép lẫn không phép. Điều đáng nói, các đối tượng khai thác vàng trái phép hoặc hết hạn giấy phép thì lấy đâu ra VLN để sử dụng? Có hay không các đơn vị được cấp phép sử dụng VLN bán thuốc nổ lại cho các đối tượng khai thác vàng trái phép? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập tìm hiểu.

Thôn 8, xã Phước Hiệp - nơi được xem là “thủ phủ” mỏ vàng với hàng chục đơn vị có phép lẫn không phép hoạt động.

Khác với vàng sa khoáng dưới nước, vàng đá hay còn gọi vàng gốc được hình thành xen kẽ trong những lớp sa thạch lâu năm. Để lấy được những vỉa quặng vàng này, người khai thác phải sử dụng thuốc nổ để phá đá. Tại Quảng Nam, hiện tất cả các doanh nghiệp được cấp phép đều hành nghề khai thác vàng đá.

Thôn 8 (xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn) được xem là “công trường khai thác vàng” lớn nhất của Quảng Nam hiện nay. Nơi đây, ngoài 4 doanh nghiệp được Nhà nước cho phép thăm dò, khai thác thì còn có hàng chục điểm khai thác nhỏ lẻ khác của các đối tượng trong và ngoài tỉnh. Một ông chủ có thâm niên hơn 30 năm hành nghề vàng đá tại “thủ phủ” vàng Phước Sơn thành thật chia sẻ: Các đơn vị khai thác vàng khu vực này đều có quan hệ quen biết. Để cùng tồn tại lâu dài, họ luôn chia sẻ nguồn VLN cũng như các loại hóa chất như cyanua, thủy ngân cho nhau. “Không ai thường xuyên có nguồn VLN hợp pháp để sử dụng, đôi lúc thiếu họ phải mua hoặc mượn lại nguồn của người này, người kia. Đặc biệt, đối với các chủ mỏ trái phép để có nguồn VLN sử dụng càng khó khăn hơn. Do vậy, họ phải chấp nhận mua lại các đơn vị khai thác vàng có phép với giá cao hơn” - ông này bật mí.

Được biết, mới đây Bộ TN&MT cho phép UBND được cấp phép thăm dò, khai khác những mỏ vàng nhỏ lẻ thì các doanh nghiệp tại đây mới có điều kiện để gia hạn giấy phép, do đó, việc xin phép sử dụng VLN cũng dễ hơn trước. “Trước đây, có thời điểm 3/4 doanh nghiệp hết phép hoạt động, đồng nghĩa với việc không được phép mua VLN. Thế nhưng trong nhiều năm liền, 3 doanh nghiệp kia vẫn có nguồn VLN để sử dụng khai thác, sản phẩm làm ra vẫn đều đều. Như vậy không phải họ sử dụng nguồn VLN bất hợp pháp thì nguồn VLN đó ở đâu ra?” - ông H., người dân gần khu vực bãi vàng thôn 8 đặt câu hỏi.

Phu vàng bị chết ngạt do khói mìn ở TT Thạnh Mỹ được đưa ra khỏi hiện trường.

Ngoài việc chia sẻ nguồn VLN cho các doanh nghiệp hết phép hoạt động, nguồn VLN cũng được các đơn vị tuồn ra ngoài bán lại cho những đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực này với giá chênh lệch cao hơn giá mua vào gấp nhiều lần. Còn nhớ tháng 6-2016, CA tỉnh Quảng Nam đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép VLN quy mô lớn do Phạm Phong - Giám đốc Cty TNHH Sơn Hà cầm đầu. Qua đó, CQĐT đã thu giữ gần 3 tấn thuốc nổ công nghiệp, 10.000 kíp các loại, 1.500m dây cháy chậm. Được biết, Phạm Phong là Giám đốc của Cty có mỏ khai thác vàng được cấp phép tại khu vực xã Tiên Cẩm (H. Tiên Phước, Quảng Nam). Tuy nhiên, mỏ vàng này làm không ra sản phẩm nên ông Phong thua lỗ. Trong quá trình hoạt động làm vàng, ông Phong biết được nhiều đối tượng làm vàng trái phép khác có nhu cầu sử dụng VLN nhưng không có giấy phép để mua. Lợi dụng mình có giấy phép, ông Phong đã đứng ra tổ chức đường dây mua bán, phân phối VLN cho các đối tượng làm vàng trái phép. Theo đó, ông Phong mua VLN từ Cty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ với giá rẻ, nhưng khi bán cho các đối tượng làm vàng trái phép giá cao hơn 3-5 lần, qua đó thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi phi vụ...



Lao động lấy quặng vàng đưa ra ngoài sau khi cho mìn nổ trong hầm.

Với việc mua bán, sử dụng VLN một cách tràn lan, không kiểm soát đã để lại những hậu quả đau lòng. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ vụ ngạt khí trong hầm vàng ở thôn Dung (TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang) khiến 4 người thiệt mạng xảy ra vào tháng 4-2016 là bài học xương máu cho những đối tượng làm vàng trái phép. Tại hiện trường vụ tai nạn, CQĐT thu giữ được nhiều VLN có nguồn gốc trái phép. Qua điều tra, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do khi cho mìn nổ trong hầm để phá đá lấy quặng, thay vì để qua một thời gian cho khí độc bay ra hết, các đối tượng đã vội vã chui xuống hầm để làm việc. Hậu quả khí độc do khói mìn sinh ra khiến 4 người bị chết ngạt.

Nói về vụ tai nạn đau lòng trên, Trung tá Hà Thế Xuyên - Phó Trưởng CAH Nam Giang cho biết, các đối tượng bị nạn được một phụ nữ người địa phương thuê để làm vàng trái phép, số VLN cũng được mua trái phép. Do không có kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng VLN nên các đối tượng đã để xảy ra vụ việc đau lòng trên...

(còn nữa)
BÃO BÌNH