Bút laser đe dọa ngành hàng không
(Cadn.com.vn) - CNN ngày 18-2 cho biết, máy bay chở Giáo hoàng Francis bị chiếu laser từ mặt đất khi đang hạ cánh xuống thủ đô Mexico City, Mexico hôm 12-2. May mắn, cơ trưởng đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Benito Juarez và ngay lập tức thông báo cho tháp kiểm soát theo đúng quy trình. Trong khi đó, một chuyến bay của Hãng hàng không Virgin Atlantic đến New York, Mỹ cũng đã buộc phải quay trở lại sân bay Heathrow ở Anh sau khi bị tấn công bởi một chùm tia laser - rất có thể từ một con trỏ laser cầm tay. Tại sao thiết bị này lại nguy hiểm đối với máy bay đến vậy?
Tại Anh, mối nguy từ tia laser ngày càng nghiêm trọng đến nỗi, năm 2010, chính phủ Anh ban hành luật truy tố việc sử dụng tia laser gây uy hiếp đến an toàn phi công các chuyến bay. Theo Cục hàng không dân dụng Anh, từ tháng 1-2009 đến 6-2015, có hơn 8.998 vụ việc liên quan tới laser trên toàn nước Anh. Chỉ trong năm 2014, có 1.440 vụ việc sử dụng laser trái phép.
Một người biểu tình sử dụng tia laser cường độ cao màu xanh. Ảnh: Getty |
Dễ dàng mua thiết bị laser
Các tia laser được phân thành 4 cấp, từ cấp 1 đến cấp 4. Trong đó, cấp 1 dùng trong các thiết bị đọc đĩa CD và cấp 4 có độ mạnh để cắt kim loại. Có 7 mức cường độ laser trong 4 cấp nói trên. Trong đó, các bút laser được sử dụng rộng rãi. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Anh, các bút laser bán cho người dân nên có công suất tối đa đến 1 milliwatt (mW). Nhưng theo Bộ Y tế Anh, các bút bán ra có cường độ lớn hơn quy định và nhiều loại bút có cường độ lên đến cấp 3 hoặc hơn nữa. Một điều nguy hiểm là có thể mua một số bút laser có cường độ cao trên mạng internet.
Anh không cấm sở hữu bút laser và việc đặt mua trên mạng khá dễ dàng, với giá từ 20-500 bảng. Các bút được bán tại Anh thường được phân loại phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hiện hành. Tuy nhiên, các bút laser cường độ lớn hơn lại được nhập qua mạng. Chẳng hạn như, một trang mạng tại Hàn Quốc chào mời “loại thiết bị laser cầm tay mạnh nhất thế giới” đến khách hàng Anh quốc với giá khởi điểm 199 USD. Thậm chí, theo ông David Taylor, một quan chức của Cục hàng không quốc gia Anh (NPAS), việc kiếm được trên mạng các thiết bị laser lớn gấp 5.000 lần so với bút laser trong trường học là cực kỳ dễ dàng.
Chuyên gia tư vấn về mắt tại Bệnh viện Royal Hallamshire tại Sheffield, ông Fahd Quhill, cho biết, các tia laser phải cực mạnh mới có thể làm mù mắt người ở khoảng cách 396m. Một tia laser mạnh từng làm một viên phi công bị “lòa mắt” đến 45 phút và rất may là máy bay đã không đi chệch hướng và phi công không bị mù mắt. Bộ Y tế Anh cho biết, có khoảng 10 trẻ từng bị tổn thương mắt vĩnh viễn do tia laser chiếu vào mắt và cũng là do bút laser có cường độ lớn hơn 1 mW theo quy định của bộ này.
Nguy hiểm cho máy bay
Các chuyên gia hàng không nói rằng, các tia laser “rất nguy hiểm” cho phi công và vì vậy, cũng sẽ gây nguy hiểm cho máy bay. Phi công máy bay thương mại Janet Alexander cho rằng, nó giống như một cú sét đánh theo nghĩa cực kỳ chóng vánh, và lại rất sáng.
Chuyên gia an ninh hàng không Julian Bray cho rằng, các tia laser như vậy nếu chiếu vào buồng lái, sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ máy bay. Viên phi công có thể “mù tạm thời” và có thể bị tổn thương võng mạc hoặc gây choáng váng đầu óc. Vì vậy, thực sự chúng rất nguy hiểm. Từ năm 2010 đến 2014, đã có 199 người bị kết án vì tội gây nguy hiểm cho phi công và máy bay tại Anh. Vào năm 2015, một người đàn ông tấn công một máy bay trực thăng của cảnh sát Scotland bằng bút laser đã bị phạt 12 tháng tù. Vào năm 2014, 3 người tại Leicestershire cũng đã bị tống giam vì sử dụng bút laser để làm chói mắt phi công khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay East Midlands.
Với những vụ việc ngày càng nguy hiểm như thế này, hiện Cục hàng không Anh muốn có các luật mạnh hơn để trấn áp việc mua bán và sử dụng thiết bị laser. Theo đó, Hiệp hội phi công Anh muốn laser bị xếp vào loại “vũ khí tấn công” và nên bị cấm tại Anh.
Gia Thịnh
(Theo BBC)