Báo Công An Đà Nẵng

Bứt phá bằng tinh thần Đà Nẵng

Chủ nhật, 23/01/2022 13:13

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, với những thành quả tích cực trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế, Đà Nẵng sẽ bứt phá bằng sự quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết.

* Thưa ông, việc bùng phát đợt dịch thứ 4 trong năm 2021 khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ, nhưng với ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho người dân, Đà Nẵng đã kịp thời có nhiều quyết sách sát với thực tế. Xin ông cho biết, sự thích ứng trong biện pháp chống dịch qua từng giai đoạn đã mang lại kết quả tích cực như thế nào đối với đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)?

* Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Trong năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều ổ dịch tại các khu vực tập trung đông người, mật độ dân cư đông đúc, nhất là trong thời gian cao điểm từ tháng 7 đến cuối tháng 9-2021. Ban Thường vụ Thành ủy đã bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, đánh giá đúng tình hình, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Đà Nẵng huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai những biện pháp chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay với mục tiêu “bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết” Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong năm 2020, TP đã chủ động từ sớm các nguồn lực về con người, hạ tầng, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch, không để bị động, bất ngờ; linh hoạt, sáng tạo trong công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật trong giám sát y tế, thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19, triển khai hiệu quả các phần mềm, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch. Trong đó có những quyết định táo bạo, kịp thời trong thời gian giãn cách xã hội ở mức độ tăng cường. Nhờ đó, Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, năng lực cách ly, điều trị ngày càng nâng cao, số ca tử vong ở mức thấp. Tính đến ngày 30- 12-2021, TP đã tiếp nhận 1.852.326 liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân, trong đó có 871.664 người trên 18 tuổi tiêm xong mũi 1, 858.319 người tiêm mũi 2, 614 người tiêm mũi 3. Đã có 100.576 người từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, 98.157 người tiêm mũi 2. TP chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện điều trị bệnh nhân COVID-19 với kịch bản 4.000 - 5.000 bệnh nhân theo tháp điều trị 3 tầng; sẵn sàng các điều kiện thu dung điều trị 150- 250 ca bệnh nặng, nguy kịch và triển khai thiết lập 112 Trạm y tế lưu động tại 56/56 xã, phường để ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch.

Dù GRDP quý III/2021 tăng trưởng âm so với cùng kỳ, kéo theo tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021 cũng sụt giảm nhưng đến ngày 30- 9-2021 TP cơ bản kiểm soát, khống chế dịch bệnh, từng bước mở lại các hoạt động, phục hồi kinh tế. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, GRDP cả năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng vẫn giữ mức tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp duy trì tương đối hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng trên 16,9% so với năm 2020, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu phần mềm. Thu ngân sách của TP đạt trên 97% với nguồn thu chủ yếu từ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án trước đây. Tiến độ các công trình trọng điểm được tập trung đẩy nhanh, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. TP đã chi cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân khoảng 2.590 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận, chung sức chung lòng. Đó là cơ sở, nền tảng giúp TP đạt được những thành quả quan trọng trong thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm cuộc sống của nhân dân và phát triển KT-XH của TP trong năm 2021. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết kiểm tra, đốc thúc tiến độ tuyến đường ven Tuyên Sơn - Túy Loan.

* Ưu tiên nguồn lực để phòng, chống dịch khiến việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương cũng như của Đảng bộ TP gặp nhiều khó khăn. Trong năm đầu của nhiệm kỳ, 3 nhiệm vụ trọng tâm đã đạt được những thành quả bước đầu như thế nào thưa ông?

* Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các mặt công tác, đặc biệt là tập trung bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP.

Với nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển TP nhanh và bền vững, ngay sau Đại hội, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của các tổ chức Đảng đảm bảo các nguyên tắc sinh hoạt Đảng và phù hợp với các quy định mới của Trung ương. Tập trung cải tiến việc ra nghị quyết, chỉ thị theo hướng ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn của TP; cùng với đó, TP tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng theo phương châm thực hiện “sớm nhất, nhanh nhất và sâu rộng nhất”, nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Thành ủy kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Đà Nẵng hiện đang tập trung xây dựng, ban hành các Đề án để cụ thể hóa việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cụ thể như Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh, bền vững đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng công tác trong các khu vực công TP đến năm 2023; Đề án “Tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Đây là những đề án quan trọng, tạo tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển TP trong thời gian đến.

Cùng với đó là quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng KT-XH; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TP thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Ngay từ đầu năm, TP tập trung thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm khôi phục và phát triển kinh tế”. Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), TP Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, chủ trương, định hướng quan trọng, làm cơ sở pháp lý, mang tính nền tảng, tạo động lực trong thời gian đến. Điển hình là Quyết định số 359/QĐTTg ngày 15-3-2021 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định số 34/2021/NĐCP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25-3-2021 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Điểm sáng trong năm 2021 là tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông năm 2021 đạt 15.623 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2020, trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 98,5 triệu USD, tăng 6,3%. Ngay khi dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo sớm ban hành Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng KT-XH trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Đối với đột phá thứ 3, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. TP phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14. Từ ngày 1-7-2021, Đà Nẵng đã tổ chức bộ máy UBND quận, phường theo mô hình chính quyền đô thị. UBND TP đã sớm ban hành Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP nhằm tập trung đảm bảo cho việc phân cấp, ủy quyền được toàn diện, khả thi, phù hợp quy định pháp luật và điều kiện, tình hình thực tế của TP.

* Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung là cơ chế đặc thù của Trung ương dành cho Đà Nẵng. Xin ông cho biết TP phải làm gì để tận dụng cơ hội này bứt phá?

* Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 về Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn TP, tuy nhiên, thực tiễn cũng đã nảy sinh những vấn đề mới. Do đó, điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng lần này đã có nhiều thay đổi nhằm phù hợp hơn với tình hình, định hướng phát triển đô thị TP cho giai đoạn sắp tới với một tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Đà Nẵng đã tổ chức công bố và triển lãm Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 359/QĐ-TTg. Các sở ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin với tư vấn tổng trong việc lập quy hoạch, nhất là đề xuất các định hướng, phương án, kịch bản phát triển chung của TP và của từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong từng giai đoạn cụ thể. Việc này phải đảm bảo bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030.

Trong quá trình thực hiện, TP giao các cơ quan chức năng phối hợp tiến hành rà soát, rút ngắn thời gian hoàn thành, nhất là các nhóm nhiệm vụ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc. Định kỳ 3 tháng/lần báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy để theo dõi, chỉ đạo. Cùng với đó là chủ động tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong đề xuất ý tưởng quy hoạch, nhất là cung cấp hồ sơ quy hoạch trước đây, đảm bảo các ý tưởng phù hợp với định hướng phát triển của TP, quy hoạch chung và quy hoạch đã được phê duyệt nhưng còn phù hợp. Việc này nhằm tránh mất thời gian xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, ảnh hưởng tiến độ lập quy hoạch phân khu, dẫn đến kéo dài thời gian xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư. Các chuyên gia được mời tham gia góp ý ngay trong quá trình lập quy hoạch phân khu và quá trình lấy ý kiến, nhất là cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Phải đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Hiện nay, TP đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần của Luật quy hoạch 2017 và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2022.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào Điều chỉnh quy hoạch chung và quyết tâm bám sát việc triển khai thực hiện nhằm sớm đưa quy hoạch vào thực tiễn phát triển, mang lại hiệu quả đóng góp cụ thể vào phát triển KT-XH, phát triển đô thị trong một giai đoạn mới, thời kỳ mới của TP.

Đà Nẵng sẽ tận dụng cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH 

* Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu với Đà Nẵng là phải nghiên cứu, tìm ra động lực mới cho sự phát triển. Tuy nhiên TP hiện đối mặt với nghịch lý là áp lực công việc tăng gấp đôi nhưng con người lại phải “giảm kép” khi thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TP có những kiến nghị gì với Trung ương, thưa ông?

* Ông Lương Nguyễn Minh Triết: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, TP đã kịp thời kiến nghị, đề xuất Trung ương một số nội dung cụ thể sau phù hợp với thực tiễn địa phương.

Để triển khai hiệu quả việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/ QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội, TP Đà Nẵng kiến nghị Trung ương xem xét phân cấp cho HĐND TP quyết định số lượng biên chế và số người làm việc ở các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn TP. Cùng với đó, đề nghị Trung ương hướng dẫn khung số lượng biên chế công chức, số lượng người làm việc cụ thể theo từng vị trí việc làm tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp để làm cơ sở giao, sử dụng biên chế tại các địa phương, tiến đến xóa bỏ cơ chế xin- cho biên chế. Ban Tổ chức Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ cũng cần sớm tham mưu hướng dẫn về thực hiện cơ chế giao khoán hoặc hỗ trợ kinh phí đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương cho phép HĐND TP được quyết định về số lượng, tiền lương và phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách phường, xã. Đồng thời, có hướng dẫn việc chuyển 7 vị trí cán bộ cấp phường gồm: Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư, Chủ tịch Mặt trận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Bí thư Đoàn Thanh niên thuộc biên chế cấp quận cũng như có quy định rõ việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng các vị trí này thuộc biên chế khối Đảng hay biên chế khối chính quyền và do quận ủy hay UBND các quận quản lý. Cùng với đó là xác lập vị trí công chức cho 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách thuộc khối Đảng tại cấp phường gồm phụ trách công tác Văn phòng Đảng ủy, Tổ chức Đảng ủy, Kiểm tra Đảng ủy, Tuyên giáo Đảng ủy và Dân vận Đảng ủy.

TP Đà Nẵng là một trong các địa phương tự chủ được nguồn ngân sách. Do đó, TP đề xuất cho phép nghiên cứu thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng số lượng biên chế trên cơ sở phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi đã được Trung ương giao cho từng thời kỳ; đồng thời cho phép được quyết định hệ số thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức từ nguồn cải cách tiền lương.

* Xin cảm ơn ông!

CÔNG KHANH (thực hiện)