Cá chết hàng loạt tại suối Ba La: Do nguồn nước thải của Nhà máy xử lý nước thải Panko Tam Thăng
Suối Ba La chảy ra sông Đầm đang được UBND tỉnh định hướng quy hoạch, phục hồi hệ sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái, định hướng phát triển du lịch. Thế nhưng, dòng suối Ba La đang bị ô nhiễm, do đó hệ sinh thái của sông Đầm cũng đang bị đe dọa.
Vị trí cống xả nước thải của KCN Tam Thăng thời điểm cá chết có màu đen đục và mùi hôi của hóa chất. |
Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt trên suối Ba La (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) ngày 13-1-2022 mà Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, kết quả kiểm tra, phân tích mẫu nước thải cho thấy nguyên nhân cá chết là do nguồn nước thải của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Panko Tam Thăng.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Tam Kỳ, tại thời điểm kiểm tra (sáng 13-1-2022), mương trần dọc đường trục chính của Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng đang tiếp nhận nước từ các cống thoát nước mưa của các nhà máy trong KCN và nước thải từ cống xả của Nhà máy xử lý nước thải tập trung Panko Tam Thăng. Đồng thời, tại vị trí thoát nước mưa của Cty Panko Tam Thăng và cống thoát nước mưa của KCN có hơi nước nóng bốc lên (nước tại 2 vị trí này tương đối đục, có mùi nhẹ, nguồn nước có váng dầu nổi trên mặt nước). Qua kết quả đo nhanh tại hiện trường thì nhiệt độ nước tại vị trí đấu nối nước mưa của Cty Panko Tam Thăng với cống thoát nước mưa của KCN Tam Thăng là 290C, cao hơn nhiệt độ nước trên cống thoát nước mưa của KCN Tam Thăng tại vị trí trước điểm đấu nối nước mưa của Cty Panko Tam Thăng khoảng 15-20m là 30C.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Phạm Quang Nhật, nhân viên Cty Panko Tam Thăng giải trình, tại thời điểm kiểm tra thì nguồn nước bốc hơi nóng này là nguồn nước nóng để phục vụ cho công đoạn nhuộm của Cty nhưng do dư thừa, chưa qua công đoạn nhuộm đã chảy tràn ra mương thoát nước mưa. Đoàn kiểm tra đã phối hợp Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Nam tiến hành lấy 4 mẫu nước đo đạc, phân tích đánh giá. Để làm rõ nguyên nhân xảy ra hiện tượng khiến cá chết nêu trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Tam Kỳ đã kiến nghị UBND TP Tam Kỳ chỉ đạo Công an TP Tam Kỳ chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và báo cáo kết quả cho lãnh đạo UBND TP Tam Kỳ.
Cá chết nổi trắng suối Ba La ngày 13-1. |
Ngày 16-2, chúng tôi liên hệ gặp ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ để xác minh thông tin về kết quả phân tích mẫu nước và nguyên nhân dẫn đến cá chết trên suối Ba La, tuy nhiên ông Hậu từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, cho rằng UBND TP Tam Kỳ không đủ thẩm quyền, bởi vụ việc liên quan đến KCN nên mọi quyết định thuộc UBND tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Hậu nói kết quả phân tích cho thấy các chỉ số môi trường đều ổn. Hiện UBND TP Tam Kỳ đã lập báo cáo gửi cho UBND tỉnh kiểm tra, tiếp tục chỉ đạo giải quyết vụ việc. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu lại trả lời chưa nhận báo cáo của UBND TP Tam Kỳ về vụ việc cá chết trên suối Ba La.
Theo nguồn tin của phóng viên, kết quả phân tích phát hiện nhiều chỉ số mẫu nước tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung Panko Tam Thăng vượt quy chuẩn cho phép. Cụ thể, tại cống thoát nước mưa của nhà máy này phát hiện hàm lượng chất hữu cơ BOD5 và COD đạt 17,0 mg/l, vượt 1,05 lần so với quy chuẩn; hàm lượng Amoni đạt 6,88mg/l, vượt 2,7 lần so với quy chuẩn; tổng dầu mỡ 21,2 mg/l vượt 7,82 lần so với quy chuẩn. "Thời điểm đoàn kiểm tra, lượng nước thải đã pha loãng, chảy ra mương thoát nước của KCN Tam Thăng và suối Ba La nên hàm lượng chất ô nhiễm đã giảm đi rất nhiều. Qua kiểm tra xác định cá chết trên suối Ba La là do nước thải từ nhà máy này chảy ra, lượng dầu trong nước quá lớn khiến quá trình hô hấp của cá bị thiếu ô-xy dẫn đến cá chết hàng loạt", một cán bộ môi trường chia sẻ.
Người dân địa phương cho biết, hiện tượng cá chết trên suối Ba La do nguồn nước thải từ KCN Tam Thăng đã xảy ra nhiều lần, nhưng kết quả phân tích mẫu nước đều "đạt chuẩn" cho phép. Do đó, người dân hoài nghi các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương làm việc chưa hết trách nhiệm. Lần này, dư luận địa phương mong chờ kết luận của UBND tỉnh Quảng Nam.
LÊ VƯƠNG