Cá độ mùa Euro (3)
* Kỳ cuối: Hệ lụy khôn lường
(Cadn.com.vn) - Nói cá độ bóng đá thời nay, nhiều người nói rằng, đó là chuyện đã được "phổ cập". Chẳng những con bạc có "máu mặt" mà cánh sinh viên, lao động phổ thông, cán bộ công chức... nhiều người cũng say máu, lao vào cuộc chơi tìm vận may, để rồi gánh về những hệ lụy khôn lường.
Nói chuyện cá độ bóng đá đã "phổ cập" quả có lý, bởi giờ xem đá bóng, ai cũng có thể mua kèo cược dễ như mua rau ở chợ. Chỉ cần đến những nơi có đông người xem đá bóng hỏi một tiếng, lập tức được chỉ ngay cho địa chỉ đến tham gia. Dù mấy năm gần đây, do bị lực lượng CA đánh mạnh vào những sào huyệt cá độ lớn, dân ghi độ có phần dè chừng, kín đáo hơn, nhưng vì những khoản huê hồng béo bở, họ vẫn tìm cách ghi độ dưới mọi hình thức. Còn con bạc, gần như chuyện cá độ đã được phổ cập nên người người chơi, nhà nhà chơi. Thích kiếm tiền không mồ hôi công sức nên họ như những con thiêu thân lao vào bến mê chết chóc...
Theo những gì chúng tôi ghi nhận được thì người tham gia cá độ đủ thành phần, nhưng cánh sinh viên chiếm tỷ lệ khá lớn. Phấn đấu bước chân được vào giảng đường đã là một nỗ lực lớn, lẽ ra họ phải chuyên tâm cho chuyện học, nhưng thay vào đó, họ đổ hết tiền bạc của gia đình lo cho học tập "nướng" vào cá độ. Thắng được trận nào thì vui cười tít mắt, rủ bè bạn lai rai quán nhậu, đi bar, lúc thua thì tìm cách gỡ dẫn tới vay mượn, cầm đồ. Rốt cuộc, người hưởng lợi chính là những chủ lò ghi độ. Trong chuyến thực tế, ngồi chung bàn với T. (học ĐH Bách khoa) trong quán cà-phê chờ xem trận Bỉ - xứ Wales, chúng tôi phần nào hiểu rõ cách độ banh "khát nước" của cánh sinh viên. T. chỉ tay qua góc bàn giới thiệu về "cậu ấm" H. (con một đại gia người Quảng Trị), nói: Nó có xế hộp đi đàng hoàng. Nhưng thua độ ở vòng loại, chiếc xe cầm cố ban đầu 20 triệu đồng, nay đã lấy tiền thêm đến lần thứ 6, nên mức cầm tăng lên 50 triệu đồng rồi. Trận bóng đêm ấy đứng Bỉ, H. lại thua, và tiếp tục gỡ ở những trận cuối cùng của mùa giải, không may mắn có thể xe cũng đi tong. Theo lời T., H. độ mỗi trận bóng ít nhất phải 5 triệu đồng trở lên, còn tỷ số ghi mỗi con cả triệu đồng. Đi xem đá bóng cùng cậu ta còn có gái đẹp ngồi cạnh cổ vũ. Hôm nào thắng là vào bar nhảy múa, thua thì về phòng trọ ngủ, ngày mai tiếp tục nghiên cứu kèo, bung tiền cược.
Lực lượng CATP Đà Nẵng bắt quả tang tụ điểm cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. |
Trái ngược với H., cũng là SV nhưng nhà nghèo nên Ch. chỉ có xe đạp, chiếc máy tính xách tay bố mẹ mua cho làm vốn. Nhưng cũng vì mê cá độ, mùa Euro này cả 2 tài sản đã rủ nhau vào "nằm" tiệm cầm đồ, khó mà lấy ra nổi. Như những gì T. nói thì trước đó trong mùa giải Ngoại hạng Anh, Ch. cũng từng cầm máy, bán xe "xuống xác" những trận banh và thua sạch, nhưng rồi dối bố mẹ ở quê bị trộm phá cửa lấy nên mới được gia đình cho mua lại. Sau mùa giải này, chẳng biết Ch. nghĩ cách gì để nói với gia đình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều sinh viên cũng vì sa lầy vào mê cung cá độ, bỏ bê chuyện học nên không thể ra trường vì nợ môn. Bẽ mặt là vậy, nhưng gia đình vẫn chu cấp cho ăn học, bởi lý do họ đưa ra được bố mẹ rất đồng tình: "Học thạc sĩ"!
Không chỉ sinh viên, qua quan sát của nhóm phóng viên chúng tôi thì tại các điểm ghi cá độ bóng đá, công chức, lao động phổ thông tham gia cũng không ít. Không chỉ tham gia ghi độ trước, tại điểm xem, nhiều con độ còn tham gia sát phạt bằng đủ mọi hình thức như bắt đội nào có cầu thủ việt vị trước, đội nào được phạt góc trước, bị thẻ vàng trước... Thậm chí, cầu thủ đội nào uống nước trước cũng được họ mang ra cá độ, ăn tiền nóng. Cũng vì những hình thức cá độ quái gở này mà M., người chạy xe thồ khu vực bên ngoài Bến xe Trung tâm Đà Nẵng liên tục bị xì xào bởi những lời đồn thổi, mắng nhiếc của dân buôn bán quanh khu vực này. Là dân Hải Phòng tha phương đến Đà Nẵng "cầu thực" bằng nghề xe ôm, chở hàng thuê, chỉ vì a dua theo cá độ bóng đá mùa Euro mà bây giờ lâm cảnh dở khóc dở cười. Lúc đầu, ông M. chỉ tham gia cược tỷ số mỗi trận vài chục ngàn đồng để có khí thế xem. Nhưng thua vài trận thấy cay cú, ông về nhà trộm cả tiền của vợ chồng tích cóp mấy năm "nướng" hết vào may rủi. Khi "cơn khát" đến, ông M. mang luôn cả chiếc "cần câu cơm" của mình là chiếc xe máy đi cầm 7 triệu đồng để tiếp tục "cuộc chơi". Vậy nhưng sau trận Bỉ thua xứ Wales, tất cả đã chấm hết.
Một góc nhìn khác để thấy vấn nạn cá độ bóng đá chính là dịch vụ cầm đồ. Cứ mỗi mùa bóng lăn là cơ hội để các chủ tiệm "hốt bạc" nhờ sự say máu của con bạc. Lang thang một vòng tại phố cầm đồ Trần Cao Vân và các khu vực quanh những trường đại học, xe máy được cầm cố dựng la liệt, có những chiếc xe trị giá cả trăm triệu đồng. Vàng, máy tính, ĐTDĐ cũng vô số. Do người cầm cố khá đông nên tất cả các chủ tiệm nơi chúng tôi từng thâm nhập thực tế, chẳng ai dại gì cầm tài sản không chính chủ. Vài chủ tiệm cầm đồ cho hay, có hôm tiền cầm đồ chủ tiệm chi ra cho các con bạc khát nước lên đến vài tỷ đồng. Mùa giải năm nay do cửa trên thua nhiều nên lượng xe, tài sản đã mang cầm ít có ai tới lấy. Trường hợp nhiều người không có khả năng chuộc lại, chủ tiệm chắc chắn hốt vố lớn do tài sản các tiệm chỉ cho cầm từ 50-70% giá trị.
CATP Đà Nẵng lấy lời khai các đối tượng tham gia cá độ bóng đá tại một quán cà-phê. |
Theo Phòng CSHS CATP và đội hình sự CA các quận, huyện, thời gian gần đây, tình hình hoạt động cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá đang diễn biến rất phức tạp. Thông thường, các đối tượng tham gia cá độ hay tập trung chủ yếu ở những điểm kinh doanh cà-phê phục vụ đủ tầng lớp từ cán bộ công nhân viên chức đến học sinh, sinh viên, lao động phổ thông. Đối mặt với vấn nạn này, lực lượng CA các địa phương cũng thường xuyên tổ chức tấn công truy quét nên các đối tượng hoạt động rất cảnh giác. Gần đây, chúng chuyển sang hoạt động cá độ bằng nhiều loại thông tin liên lạc hiện đại như máy fax, ĐTDĐ, mạng Internet... gây khó khăn cho công tác điều tra. Theo số liệu thống kê, chỉ từ đầu mùa Euro tới nay, lực lượng CATP đã bắt, phá gần 10 vụ việc với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Đúng như đánh giá của cơ quan CA, qua thâm nhập thực tế tại các điểm cá cược, chúng tôi biết các chủ ghi độ đã áp dụng khá nhiều hình thức cá cược tinh vi. Thay vì đến tận nơi, những con độ quen biết có thể bắt độ qua ĐTDĐ rồi trả tiền sau, hoặc sử dụng "chiêu" ghi chép bằng ám hiệu như L (lít - 10 triệu, C (chai - 1 triệu), X (xị - trăm ngàn).
Thượng tá Đặng Ngọc Việt - Phó phòng CSHS phân tích: Qua các vụ việc lực lượng CA đã bắt giữ, các đối tượng tham gia tổ chức, điều hành các đường dây phạm pháp này ngày càng tinh vi, xảo quyệt trong việc đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật. Ngoài việc sử dụng nhiều chiêu thức để che đậy việc giao nhận tịch, chuyển tiền thắng thua... đối tượng tổ chức, cầm đầu còn huy động nhiều thành phần bất hảo trong xã hội cùng tham gia để khống chế con bạc. Vậy nên, hầu hết các con bạc một khi đã tham gia cá độ đều tán gia bại sản, thua ít thì cầm đồ, bán nhà trả nợ, thua nhiều mất khả năng chi trả thì bỏ trốn khỏi nơi cư trú vì sợ bị xã hội đen hăm họa. Những người mà các đối tượng tổ chức thường dụ dỗ, lôi kéo vào đường dây cờ bạc chủ yếu là con cái gia đình có điều kiện. Ban đầu chơi ít, về sau nếu hết tiền thì cho vay với lãi suất "cắt cổ". Nếu ù lì, không trả thì sẽ có đội ngũ chuyên đòi nợ thuê đến tận nhà truy tìm, gây áp lực với gia đình.
"Một khi đã rơi vào nợ nần chồng chất, nhiều con bạc làm liều vi phạm pháp luật thông qua việc trộm cắp, cướp giật, không chỉ đối diện với tù tội mà còn gây mất ANTT ở địa phương. Đã từng có trường hợp sinh viên, học sinh vì ham mê cá độ mà bỏ bê việc học, vi phạm pháp luật, đánh mất tương lai. Không ít gia đình vì chồng mê cá độ mà gia đình tan nát. Đã từng có trường hợp vì thua cá độ bóng đá mà tìm đến cái chết hoặc sát hại người khác để lấy tiền trả nợ. Đây chính là nguyên nhân hình thành, phát sinh các nhóm chuyên đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi và nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ dẫn đến các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối TTCC" - Thượng tá Việt nói.
C.Hạnh - Đ.Nga