Báo Công An Đà Nẵng

Cả làng giữ rừng

Thứ tư, 21/08/2013 09:15

(Cadn.com.vn) - Hiện tượng phá rừng ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị đang ở mức báo động, nhiều khu rừng bị tàn sát để phục vụ các mục đích khác nhau. Trước cảnh những khoảng rừng dần biến mất, nhiều hộ dân ở thôn Đại Thủy, xã Tân Liên, H. Hướng Hóa cùng nhau chung tay để bảo vệ rừng...

Nắm hương nghi ngút khói trong tay, ông Nguyễn Văn Bồng thầm cảm ơn thần rừng giữ cho cuộc sống của bà con được yên ổn. Mỗi dịp tháng 9 hằng năm khi cơn mưa rừng kéo đến báo hiệu một mùa xanh tốt, là lúc những người tự xưng mình là “kiểm lâm không lương” lại làm lễ cúng rừng. “Nhờ rừng chú à. Mình là dân miền núi, không có rừng xem như bỏ. Rừng cho ta nhiều của ngon vật quý, rừng tự nhiên bảo vệ đã đúng, rừng mình trồng được thì ra sức mà bảo vệ. Không bảo vệ nó thì trồng làm gì phải không?”.

Xã Tân Liên là một xã giáp Đường 9 Nam Lào, phần phía bắc là những khoảng rừng thông che chắn. Nhiều năm qua rừng thông đã bị nhiều người  tàn phá để phục vụ các nhu cầu xây dựng hay lấy đất rừng làm nương rẫy. Đau lòng trước cảnh đó nhiều hộ dân đã thành lập các tổ tự quản để bảo vệ rừng. Là địa bàn hay xảy ra lũ quét lũ ống, có nhiều mùa nước lũ từ các đỉnh đồi kéo xuống cuốn phăng cả căn nhà nên người dân ở đây thấu hiểu rằng việc giữ rừng là vô cùng quan trọng. Trưởng thôn Đại Thủy Lê Văn Dũng nói: “Việc giữ rừng là việc làm của tất cả cán bộ và nhân dân trong thôn, nhất là những người hằng ngày tiếp xúc với rừng hay làm nghề rừng. Ở đây chúng tôi là những cộng tác viên của Lâm trường Hướng Hóa, có việc gì là liên hệ với lâm trường ngay. Không để một súc gỗ lọt ra ngoài, nhờ thế mà nhiều năm qua ở đây không có chuyện phá rừng đâu”.

Tuần tra trong rừng với sự giúp sức của chó săn.

Theo ông Dũng, những năm qua thôn Đại Thủy đã tích cực xử lý nhiều trường hợp phá rừng. Có lần một số đối tượng vào khu vực rừng thông cổ thụ của xã để xẻ gỗ, chúng đóng lán tại những địa hình hiểm trở, không dùng cưa máy mà dùng cưa tay xẻ gỗ để đảm bảo bí mật. Người trong thôn đi rừng phát hiện, thế là huy động cả làng phối hợp với kiểm lâm để đuổi chúng. Do đây chỉ có một tuyến đường nên muốn đưa gỗ về nhà lâm tặc phải vượt qua tai mắt của nhân dân, nhiều lúc chúng gạ gẫm không được chuyển qua đe dọa nhưng “những kiểm lâm không lương” ở đây vẫn kiên quyết đấu tranh không cho chúng mượn đường chuyển gỗ.

Hiện tại đội bảo vệ rừng gồm nhiều thành viên từ trẻ đến già, có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các thôn trong xã. Nằm dưới sự quản lý trực tiếp của địa phương và thừa lệnh lực lượng kiểm lâm. Mặc dù không thuộc biên chế của lực lượng nào, chưa qua đào tạo chuyên nghiệp về nghiệp vụ nhưng những đội  “kiểm lâm” tự quản lại hoạt động rất tích cực và hiệu quả.

Nói về phương pháp bảo vệ rừng, Nguyễn Văn Tuân tự hào: “Chúng tôi có nhiều cách để trị lâm tặc lắm. Ở đây chúng tôi có hẳn một phi đội chó săn tựa chó nghiệp vụ vậy. Tuy là loài chó cỏ nhưng chúng tôi huấn luyện theo cách riêng nên chúng khá tinh ranh. Quần thảo trong rừng gặp người lạ là chúng báo động cho anh em tuần tra biết”.

Tục thờ tự thần rừng của nhân dân thôn Đại Thủy.

Hễ có súc gỗ nào được chuyển bằng xe máy ra đường là người dân cương quyết chặn lại cho bằng được. Nếu nguồn gốc của gỗ không rõ ràng thì lập tức liên hệ với chính quyền địa phương hay kiểm lâm để giải quyết. Lắm khi ông Nguyễn Văn Bồng cùng các thành viên trong đội đi cùng với tổ tuần tra của lâm trường hẳn một tuần liền. Cơm đùm gạo bới thế là lên đường, đối với họ việc ăn núi ngủ rừng là thường tình.

Nhiều gia đình trong đội có hoàn cảnh tương đối khó khăn như anh Nguyễn Văn Huân nhưng không vì thế mà anh lơ là nhiệm vụ của mình hay thỏa hiệp với những kẻ phá rừng.  Lắm lúc vợ con đau ốm triền miên, không có tiền viện trạm thế là nhiều kẻ đưa rước muốn lôi kéo anh chung đường với chúng, song anh nhất quyết không đồng ý để lâm tặc có thể tận dụng từng sơ hở để dễ dàng phá rừng.

Trong đợt nhận danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện vừa qua, thành tích nổi bật nhất được UBND H. Hướng Hóa công nhận chính là khả năng tự tổ chức và kiểm soát khu vực rừng thông tại địa bàn Đại Thủy. Nhiều cá nhân được khen thưởng, các thành viên trong đội “kiểm lâm không lương” đều nhận được những lời khen ngợi từ chính quyền và nhân dân.

Bùi Đức Tú