Ca nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm âm tính
* Khôi phục hoạt động vận tải hành khách đi và đến Đà Nẵng
Tối 6-9, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin về trường hợp bệnh nhân P.N.S (1954, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) đến khám cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng lúc 18 giờ 15 ngày 5-9 do bị sốt.
Ngày 6-9, CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đối với người đàn ông trú Q. Ngũ Hành Sơn, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2. |
* Chiều 6-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày không có ca mắc mới Covid-19 được ghi nhận. Như vậy, đến nay đã tròn 4 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 40.620. Theo Tiểu ban Điều trị, trong ngày, BV Phổi Đà Nẵng và BV Dã chiến Hòa Vang công bố khỏi bệnh đối với 11 bệnh nhân mắc Covid-19. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 816/1049 bệnh nhân mắc Covid-19. |
2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính
BN P.N.S có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, ho dai dẳng do viêm phổi tắc nghẽn mạn tính lâu năm, BN nằm tại chỗ, không di chuyển đã nhiều năm nay. Trước đó, ngày 29-6 đến ngày 5-7, BN điều trị tại BV Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng. Ngày 6-7 đến 12-7, BN được điều trị tại Khoa Lão - BV Đà Nẵng. Từ 13-7 đến 13-8, BN xuất viện về nhà. BN yếu, bị teo cơ chân nên chỉ nằm ở nhà, không đi đâu hay tiếp xúc với ai ngoài gia đình. Từ ngày 14-8 đến ngày 18-8, BN nhập viện tại BV C Đà Nẵng. Trong thời gian này, BN được BV C lấy mẫu dịch hầu họng vào ngày 14-8 gửi CDC xét nghiệm và có kết quả âm tính SARS-CoV-2. Chiều 18-8 đến 29- 8, BN xuất viện về ở tại gia đình.
Ngày 5-9, BN xuất hiện sốt, ho nên vào cấp cứu tại BV C Đà Nẵng. Lúc 19 giờ 30 ngày 5-9, BN được BV C Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, sáng ngày 6-9 cho kết quả dương tính. 6 giờ ngày 6-9, BV C Đà Nẵng tiếp tục chuyển mẫu bệnh phẩm đã lấy lúc 19 giờ 30 ngày 5-9 đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính. BN được chuyển BV Hòa Vang. Ngày 6-9, BN được lấy mẫu xét nghiệm lại bởi kỹ thuật viên BV Hòa Vang (lúc 8 giờ 45) và kỹ thuật viên CDC (lúc 9 giờ) để gửi CDC Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cả 2 mẫu bằng phương pháp RT-PCR đều âm tính với SARS-CoV-2.
Chiều ngày 6-9, BN tiếp tục được lấy mẫu làm xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp test nhanh và bằng phương pháp Mac Elisa, kết quả dương tính với kháng thể (nghĩa là trước đây cơ thể BN từng nhiễm virus SARS-CoV2, còn hiện tại kết quả xét nghiệm cho thấy BN âm tính với SARS-CoV-2). Tiền sử xét nghiệm của gia đình bệnh nhân (6 người): Em trai bệnh nhân, BV C Đà Nẵng làm test nhanh kháng thể kết quả dương tính. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ngày 15-8 kết quả âm tính. Vợ bệnh nhân, BV C Đà Nẵng làm test nhanh kháng thể kết quả dương tính và xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ngày 5-9 kết quả âm tính. Con gái bệnh nhân là giáo viên, cán bộ coi thi đã được lấy mẫu xét nghiệm trước kỳ thi THPT, CDC xét nghiệm ngày 1-9 bằng phương pháp RT-PCR, kết quả âm tính.
Trường hợp “dương tính với kháng thể”
Con rể và 2 cháu ngoại ở cùng nhà ít khi tiếp xúc với bệnh nhân. Khi có thông tin bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại BV C Đà Nẵng, cả 6 người này đều đã được chuyển cách ly y tế tại TTYT Q. Ngũ Hành Sơn. Chiều 6-9, kết quả xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Mac Elisa của em trai, vợ và con gái bệnh nhân dương tính, nghĩa là trong quá khứ đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR của 6 người trong gia đình, 1 người em dâu của bệnh nhân và 3 người liên quan khác đều âm tính với SARS-CoV-2
Xét nghiệm RT-PCT tìm kháng nguyên là phương pháp xét nghiệm mục đích để tìm kháng nguyên (tác nhân gây bệnh – virus SARS-CoV-2) có tồn tại trong cơ thể và có khả năng lây nhiễm tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm hay không. Xét nghiệm kháng thể là phương pháp xét nghiệm mục đích để tìm kháng thể. Khi chúng ta từng mắc bệnh do tác nhân như vi khuẩn, virus,... (kháng nguyên) gây ra, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để đáp ứng lại kháng nguyên đó. Xét nghiệm tìm kháng nguyên là xác định tại thời điểm xét nghiệm, cơ thể có nhiễm kháng nguyên hay không. Xét nghiệm kháng thể là để tìm kháng thể, được sinh ra khi cơ thể đã từng tiếp nhận kháng nguyên. Căn cứ kết quả xét nghiệm cho thấy, BN có kết quả xét nghiệm dương tính với kháng thể, nghĩa là trong quá khứ bệnh nhân đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2; hiện tại kết quả xét nghiệm cho thấy BN âm tính với SARS-CoV-2 (không nhiễm virus). Đây là trường hợp cần phải có thêm cơ sở khoa học và ý kiến về chuyên môn.
Sở Y tế TP Đà Nẵng sẽ báo cáo Bộ Y tế để xin ý kiến chỉ đạo về mặt chuyên môn và hướng xử lý đối với trường hợp này. Tuy nhiên ngành y tế đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; bệnh nhân được cách ly, điều trị và sẽ được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCR trong những ngày tới; ngành y tế cũng đã điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp RT-PCT, kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính với SARS-CoV-2 (10 trường hợp như đã nêu trên).
Ngày 6-9, BN được lấy mẫu xét nghiệm lại bởi kỹ thuật viên BV Hòa Vang và kỹ thuật viên CDC để gửi CDC Đà Nẵng xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cả 2 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. |
Kỷ luật người phát tán bệnh án nghi mắc Covid-19
Ngày 6-9, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, đã kỷ luật cảnh cáo bác sĩ Võ Xuân Thành - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm y tế H. Đắk Pơ). Liên quan đến vụ việc, Trung tâm Y tế H. Đắk Pơ cũng đã thi hành quyết định khiển trách đối với bà Nguyễn Thị Thuân - Trạm trưởng trạm Y tế xã Tân An (H. Đắk Pơ).
Theo đó, chiều ngày 6-8, Trung tâm Y tế H. Đắk Pơ, khám, xét nghiệm bệnh cho anh V.T.S. (27 tuổi, trú thôn Tân Lập, xã Tân An, H. Đắk Pơ). Anh S. khai báo, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, cách thời điểm hiện tại (ngày 6-8) 45 ngày, anh S. có đến làm công nhân và ở tại nhà số 58-Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Đến ngày 31-7, anh S. trở về địa phương, tiến hành khai báo y tế tại địa phương và tự cách ly tại nhà. Sau đó, anh S. có biểu hiện sốt, ho, đau họng và đã dùng thuốc mà không hết bệnh. Bệnh nhân đã lên Trung tâm Y tế H. Đăk Pơ thăm khám, lúc này sốt 38,5 độ C, mạch 98 lần/phút.
Nghi bệnh nhân bị sốt xuất huyết, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm bằng test Dengue (sốt xuất huyết) thì cho kết quả dương tính. Trung tâm Y tế H. Đắk Pơ chẩn đoán bệnh nhân S. sốt xuất huyết Dengue/viêm đường hô hấp cấp nghi ngờ Covid-19. Đồng thời, các y bác sĩ tại đây cũng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và đưa vào diện nghi vấn dù thời điểm đó, bệnh nhân S. chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, bác sĩ Võ Xuân Thành đã chụp ảnh bệnh án của anh S. gửi qua mạng zalo cho bà Nguyễn Thị Thuân thay vì báo cáo trực tiếp lại gửi hình ảnh mang tính chất báo cáo qua cho Chủ tịch UBND xã Tân An. Chủ tịch UBND xã Tân An cũng lại gửi hình ảnh bệnh án của anh S. cho trưởng thôn Tân Lập.
Ngay sau đó, người nhà trưởng thôn Tân Lập, xã Tân An, H. Đăk Pơ đã đưa các hình ảnh này lên mạng xã hội facebook.
Ông Mai Xuân Hải cho biết: Mẫu bệnh phẩm của anh S. cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và đến thời điểm hiện tại, Gia Lai chưa có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.
LÊ HÙNG – P.V
Khôi phục hoạt động vận tải hành khách đi và đến Đà Nẵng Trên cơ sở đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, ngày 6-9, Bộ GTVT đã có Công văn số 8777/BGTVT-VT về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi và đến TP Đà Nẵng. Cụ thể, từ 0 giờ ngày 7-9, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; các Sở GTVT các tỉnh, thành phố thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách (ô-tô, tàu hỏa, máy bay, phương tiện thủy…) đi và đến TP Đà Nẵng để hoạt động vận tải trở lại bình thường. Bộ GTVT yêu cầu vừa hoạt động vận tải hành khách vừa phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19: thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách đi và đến TP Đà Nẵng, như: đeo khẩu trang, khai báo y tế, khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn tại Công văn số 7234/BGTVT-CYT ngày 26-7-2020 của Bộ GTVT. Đối với các phương tiện vận tải hành khách (ô-tô, tàu hỏa, máy bay, phương tiện thủy…) xuất phát từ TP Đà Nẵng: yêu cầu thực hiện giãn cách ghế trên phương tiện theo các hướng dẫn tại Công văn số 4145/BGTVTCYT ngày 29-4-2020 và Công văn số 4157/BGTVT-CYT ngày 29-4-2020 của Bộ GTVT về việc hướng dẫn bổ sung việc giãn cách đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện giao thông. PHÚ NAM |
>> Tròn 4 ngày không có ca mắc mới ở cộng đồng, thông tin về ca nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng
>> Đà Nẵng: Hơn 20.000 mẫu đại diện hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2