Báo Công An Đà Nẵng

Cá nóc, hết “khóc” lại... xơi!

Thứ tư, 21/08/2013 09:13

(Cadn.com.vn) - Về các xã miền ven biển Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam... của H. Hoài Nhơn (Bình Định) không khó để mục kiến cảnh đánh bắt, tiêu thụ cá nóc, dù rằng năm nào các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc vì “xơi” món cá độc chết người này.

Hằng năm, vào tháng 3-8 là mùa cá nóc xuất hiện đại trà  trên biển, với đủ loại như cá nóc bông, nóc gạo, nóc cây, nóc thu... Loài cá này có hàm răng sắc, hay cắn phá lưới, nhưng ngư phủ cũng chẳng chịu thua, lại ra sức bắt cho bằng được đưa vào đất liền tiêu thụ. Và hệ quả, là nhiều người ngộ độc phải cấp cứu, có người phải thiệt mạng. Cách đây không lâu, ở miền biển Hoài Hương có ông Nguyễn Văn Hạnh (45 tuổi) là ngư dân, tướng người như lực sĩ nhưng cũng phải chết vì cá nóc. May mắn thay, vợ con ông ăn cá nóc “lấy lệ” nên đã được cứu sống nhưng cũng phải nằm điều trị dài ngày. Anh Nguyễn Văn Tài ở xã Hoài Mỹ khi thoát “cửa tử thần” kể: “Một bữa nọ, tôi đi biển về mang theo vài con cá nóc tươi vừa bắt được. Tôi thái nhỏ cá rồi ngâm với muối một đêm, sau đó đem kho để ăn với cơm. Vợ con tôi  “dị ứng” hổng dám ăn. Sau khi ăn 10 phút thì toàn thân tôi nóng ran, miệng, lưỡi tê cứng như người câm.Vợ con tôi phát hiện nhờ bà con làng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tôi được cứu sống, nhưng đành phải  từ giã nghề đi biển vì sức khỏe suy yếu”.

Dù bị ngộ độc liên tiếp như vậy, nhưng ngư dân vẫn ăn cá nóc bình thường như... cơm bữa. Món được người dân nơi đây khoái khẩu nhất là cá nóc khô nấu canh chua. Nguy hiểm hơn khi người dân ở vùng biển H. Hoài Nhơn xem “phong trào” ăn cá nóc như là một... thú ẩm thực. Thanh niên ở các xã ven biển Hoài Nhơn xem cá nóc như là loại mồi nhậu sau mỗi chuyến đi biển về. Họ bảo rượu uống với cá nóc khô là tuyệt vời, uống khi nào say rượu, say luôn cá nóc mới thôi. Có người còn nghĩ ra “sáng kiến” dự trữ cá nóc để dùng vào mùa đông mưa gió khi mà mọi thứ đều thiếu.

Cá nóc được bày bán hàng... thúng ở vùng biển Hoài Nhơn (Bình Định).

Cũng như lá ngón với người dân tộc thiểu số ở vùng cao, ở miền biển có loài cá nóc đã giết chết không biết bao nhiêu người. Nguy hiểm nhất nếu một ngày nào đó, những con buôn đưa cá nóc khô lên miền núi, bán cho đồng bào các bản làng xa xôi làm thức ăn thì hậu quả khó mà lường. Mặc dù các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ăn cá nóc bất kể đã được chế biến như thế nào, nhưng vẫn  có người lén lút hoặc công khai ăn cá nóc nên vẫn xảy ra những vụ ngộ độc đau lòng.

Được biết, hàng năm, chính quyền các cấp luôn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân không ăn cá nóc vì nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người vẫn coi thường sinh mạng vẫn ăn cá nóc rồi chết vì cá nóc. Đến bao giờ người dân  miền ven biển mới xem cá nóc là “tử thần” cần tránh?

Kim Anh