Cả nước có khoảng 230 trường ĐH là quá nhiều
Tại buổi góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Giáo dục Đại học (Luật GD ĐH) do Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tổ chức ngày 5-10 dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn, đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị đối với dự thảo.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng- đóng góp ý kiến. |
Sửa đổi để phù hợp xu thế phát triển thời kỳ hội nhập
Hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật GD ĐH nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới trong thời đại 4.0.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, về cơ bản, ĐH Đà Nẵng cũng như các trường ĐH thành viên thống nhất với Dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi lần này, cần phải hình thành các trường ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tham gia các bảng xếp hạng ĐH thế giới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, hiện cả nước có khoảng 230 trường ĐH là quá nhiều nhưng lại nhỏ lẻ, đơn ngành nên sẽ rất khó xếp hạng.
Bên cạnh đó, dự thảo lần này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam đó là cần phải sắp xếp, sáp nhập tinh giảm đầu mối trực thuộc theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. ĐH Đà Nẵng cũng đồng tình với chủ trương đổi mới nhưng tránh gây xáo trộn lớn trong hệ thống. Bởi thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tiến hành nhiều đổi mới, đơn cử như đổi mới thi cử, đổi mới chương trình, SGK. Bên cạnh mặt được vẫn còn bộc lộ nhiều hạn, chế bất cập do chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ nên gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Lĩnh vực nào chưa quá bức xúc thì không nên vội vàng thay đổi, tránh gây hậu quả khó lường.
Để tránh sự tùy tiện thành lập quá nhiều trường ĐH Quốc gia, ĐH Vùng, ông Nguyễn Tấn Thắng (ĐH Duy Tân) kiến nghị, tại khoản 1 điều 7 nên bổ sung cụm từ: “ĐH Quốc gia, ĐH Vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, phù hợp và tương thích với tình huống thống nhất quốc gia với các vùng kinh tế trọng điểm”. Ngoài ra, theo ông Thắng cũng cần có cách diễn đạt tường minh, rõ ràng hơn về mô hình ĐH theo định hướng nghiên cứu, ĐH theo định hướng ứng dụng, nếu không sẽ dễ gây nhầm lẫn rằng, ĐH theo định hướng ứng dụng sẽ không cần nghiên cứu. Mặt khác, cần đưa đối tượng người khuyết tật vào diện ưu tiên...
Làm rõ khái niệm “Hội đồng trường”
Đây là nội dung được nhiều đại biểu đến từ các trường ĐH công lập và tư thục quan tâm, đề cập nhiều nhất. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân Nguyễn Tấn Thắng, phải chăng đã có lỗi kỹ thuật, đánh máy dẫn đến việc lúc thì gọi Hội đồng trường, lúc thì gọi Hội đồng Đại học (HĐ trường/HĐ ĐH). Ông Thắng đề nghị nên thay HĐ ĐH bằng HĐ trường là hợp lý nhất. Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc cho rằng, cần làm rõ khái niệm về HĐ trường, HĐ ĐH có gì khác nhau hay là có sự trùng lặp về cách gọi. Và đối với các trường ĐH tư thục thì Hội đồng quản trị có thể hiểu là HĐ trường được hay không?
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng)- cho rằng, trong nhiệm vụ của thành viên HĐ trường cần bỏ cụm từ “quy chế tổ chức và hoạt động của trường”, thay bằng “quy chế tổ chức và hoạt động của HĐ trường”. Đại diện Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) kiến nghị, cần xem lại chức năng, quyền hạn của HĐ trường theo hướng nên là cơ quan giám sát (như vai trò của HĐND). Bởi trong Dự thảo Luật GD ĐH lần này, gần như quyền lực tập trung về HĐ trường. Điều này cũng được PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc ĐH ĐN - kiến nghị: “Để phân biệt chức năng quản lý, điều hành của Ban Giám đốc/ Ban Giám hiệu và chức năng đại diện, giám sát của HĐ trường như tổ chức bộ máy và phân định chức năng giữa Quốc hội/HĐND và chính phủ/UBND, tránh tình trạng lấn sân, tăng cường chức năng giám sát của HĐ trường nên thay từ Quyết định trong toàn bộ khoản 2 Điều 16 và Điều 18 bằng từ Quyết nghị sẽ hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn”.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và trường ĐH thể thao cho rằng, trong Dự thảo sửa đổi Luật GD ĐH lần này, chưa có quy định về mối quan hệ giữa HĐ trường, Hiệu trưởng và tổ chức Đảng của cơ sở GD ĐH công lập. Trong khi đây là vấn đề gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành thời gian qua. Do đó, vấn đề này cần được quy định trong Luật hoặc phân cấp ủy quyền về cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Nguyễn Bá Sơn cảm ơn các ý kiến đóng góp của ĐH Đà Nẵng cũng như các trường ĐH thành viên và các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn TP. Các ý kiến đóng góp đã tập trung nhấn mạnh về mô hình và phương thức hoạt động tự chủ của các trường ĐH. Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp ý kiến để trình bày tại kỳ họp thứ sáu QH khóa XIV sắp tới.
P.THỦY
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học gồm 12 chương, 73 điều, quy định về cơ cấu tổ chức giáo dục đại học, nhiệm vụ quyền hạn, các hoạt động đào tạo, các chương trình hợp tác quốc tế, chất lượng kiểm định giáo dục, công tác quản lý và một số nội dung cơ bản liên quan đến đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này tập trung vào 4 nhóm chính sách cơ bản gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao năng lực hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học. |