Báo Công An Đà Nẵng

Cà-phê Khe Sanh trở lại đường đua

Thứ hai, 29/08/2016 10:54

* Bài 1: Cà-phê vùng đất “sô cô la”

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến “thủ phủ” cà- phê Hướng Phùng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) trong một ngày mưa chuyển mùa mù mịt. Cho xe dừng trước tiệm cà phê “Mây và núi” bên nhánh đường Hồ Chí Minh, anh Lê Minh Vũ, thuộc Văn phòng Dự án Viện Mê Kông (tổ chức liên Chính phủ tại Quảng Trị đang hỗ trợ xây dựng Cà-phê sạch tại Hướng Hóa) hỏi: “O dùng Espresso nhé?”. Tôi hơi ngạc nhiên: “Ơ hay, giữa chốn rừng rú mà có cà phê đó à?”. “Rứa mới lạ chứ. Cà-phê Khe Sanh sạch chính hiệu, hơi bị tuyệt đó nghe”. Giữa không gian se lạnh, thưởng thức tách cà -phê nóng, lưỡi tôi như tê dại trước vị ngon cùng với hương thơm đặc biệt. Tôi thú thực: “Bây chừ thì tôi hiểu vì sao lúc sáng anh nhất định buộc tôi dùng cà-phê Espresso ở TP Đông Hà”. Ánh mắt người cán bộ dự án ngầm lên một niềm vui khó tả...

Nhiều diện tích cà-phê tại Hướng Hóa đã bị “hắt hủi” sau chồng chất khó khăn. Ảnh: Bảo Hà

Đồng hành với chúng tôi trên đường đi còn có Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Khe Sanh là ông Hồ Văn Cài. Ông Cài cho biết cà-phê toàn huyện H. Hướng Hóa đều gọi là Cà-phê Khe Sanh. Nơi tập trung trồng cà-phê là Khe Sanh, Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng, cả vùng này chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu giao thoa giữa Đông và Tây Trường Sơn, nên khí hậu t¬ương đối ôn hòa trong năm, mang sắc thái á nhiệt đới, nhiệt độ bình quân cả năm là 22 độ C. Đất bazan ở đây có màu nâu, được ví như “sôcôla” và đi kèm những huyền thoại về phát triển cây cà-phê sau này... Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã đưa cây cà-phê lên vùng Khe Sanh và lập thành những đồn điền lớn. Thời ấy, chủ yếu chỉ có đồng bào Vân Kiều sinh sống, giống cây thân cứng, hoa trắng, quả chát ấy vẫn còn xa lạ với người dân nhưng đến mùa thu hoạch, chủ đồn điền không bỏ sót một quả chín nào để sơ chế xuất ra nước ngoài. Cà-phê Khe Sanh có từ đó...

Còn nhớ mấy năm trước, trong dịp lễ kỷ niệm Giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa, một CCB từ miền Bắc vào thăm chiến trường xưa, vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi chứng kiến từng đồi cà-phê bạt ngàn. Ông kể: năm 1967 khi chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh, ông và đồng đội đã thấy cây cà-phê, chè rải rác trên những ngọn đồi. Khi ấy, nhiều người lính còn lạ lẫm với cây cà-phê, có người chưa từng nghe đến nhưng khi chặt cây làm lá ngụy trang, họ đều chừa lại loại cây đặc biệt giá trị này khi nghĩ về tương lai với một niềm tin tái thiết quê hương sau cuộc chiến... Đúng như họ đã nghĩ, quê hương ngày sạch bóng thù đã xanh và liền lại những vết thương...Từ Khe Sanh ra Tân Hợp, rồi Tà Cơn, Hướng Tân và Hướng Phùng, cây cà-phê chen kín tầm nhìn người cựu binh. Ông cúi xuống vốc lên nắm đất màu nâu quanh gốc cây, nơi 40 năm trước đồng đội ngã xuống, máu xương đã hòa vào đây. Giọt nước mắt người lính rơi xuống, đất bỗng mềm dính, bám chặt vào bàn tay...Tôi bỗng nhận ra thêm một lý do vì sao Cà-phê Khe Sanh không thể lẫn được với các vị cà-phê khác...

Chủ tịch Hiệp hội cà-phê Khe Sanh Hồ Văn Cài (bên phải), đang bàn biện pháp
phục hồi giá trị cà-phê Khe Sanh. Ảnh: Bảo Hà

Trong những năm 2007, 2008, với giá từ 13 đến 14 ngàn đồng/kg, nông dân trồng cà-phê ở Hướng Hóa lãi đậm với hơn 5 ngàn ha trải rộng từ Tân Liên qua Tân Hợp, vây lấy Khe Sanh rồi kéo ra Hướng Tân. Đến Hướng Phùng thì gần như tỏa kín, ôm gọn dãy Trường Sơn. Như đã đề cập ở phần trên, với khí hậu và thổ nhưỡng khác biệt, cà-phê Khe Sanh đặc biệt so với vùng chuyên canh khác trong cả nước. “Cà-phê Arabica ở đây là cây chịu hạn, nước tưới từ...Trời. Sau nhiều năm phát triển, thương hiệu cà-phê Khe Sanh đã khẳng định được trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới”, ông Hồ Văn Cài nhớ lại. Nhà máy chế biến dồn dập mọc lên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Triệu phú, tỷ phú gọi tên nhiều người... Nhưng cũng từ đây, nhiều chuyện xảy ra. Vì giá cao, nạn trộm cắp cà-phê hoành hành khắp nơi. Bà con Hướng Hóa đau đầu canh giữ. CAX, CAH Hướng Hóa cùng ĐBP Sen Bụt (đóng chân trên địa bàn Hướng Phùng) trắng đêm tuần tra, bảo vệ cho dân. Nhưng nhức nhối nhất là chất lượng trái cà-phê đã không thể kiểm soát. Kẻ trộm vơ tuốt đủ loại xanh có, chín có, miễn nặng ký để tiêu thụ. Một bộ phận người dân nhận thức nông cạn cũng làm đủ chiêu trò để tăng trọng lượng trái cà-phê, tư thương thu mua cũng hám lợi, hùa theo... Nhiều nguyên nhân đổ dồn kéo chất lượng cà-phê đi xuống. Điều này không chỉ xảy ra ở Khe Sanh mà còn ở nhiều địa bàn khác trong nước. Đối tác bắt đầu “chê” và giãn.

Cùng thời điểm này, thị trường cà-phê biến động chung. Kể từ năm 2011, giá cả bắt đầu giảm, rồi lao nhanh. Cà-phê Khe Sanh chạm vào bức tường ảm đạm, giá chỉ còn chưa tới 3 ngàn đồng, có lúc chỉ khoảng 2 ngàn đồng/1kg. Lại gặp lúc đại hạn, cây cà-phê khô quắt, người dân ngao ngán, quay lưng “hắt hủi” loại nông sản từng đem đến đời sống sung túc cho nhiều người. Đầu ra bấp bênh, nhiều người đã bỏ mặc cây cà-phê, một bộ phận chặt phá để chuyển hướng cây khác nhưng cũng là tự phát, không theo quy hoạch nào. Từ hơn 5 ngàn ha, cà-phê Hướng Hóa chỉ còn lại hơn 3 ngàn ha vào năm 2015. Đến mùa quả chín, chẳng ai thèm hái. Cũng không canh giữ gì mà chẳng ai thèm trộm. Cà-phê Khe Sanh tưởng như đã biến mất khỏi thị trường...

Bảo Hà
(còn nữa)