Báo Công An Đà Nẵng

Ca sĩ Đức Tuấn: Tạo dấu ấn trên con đường rất riêng

Thứ bảy, 05/07/2014 10:07

(Cadn.com.vn) - 14 năm ca hát, ca sĩ Đức Tuấn đã chứng minh anh thành công trên con đường rất riêng của mình. Và cũng chính trên con đường ấy, Đức Tuấn giờ đây là một "thương hiệu", một đẳng cấp trong làng nhạc Việt.

1. Có lẽ Đức Tuấn quá quen thuộc với khán giả Đà Nẵng bởi anh đã biểu diễn rất nhiều ở thành phố biển này, từ hai đêm nhạc Phố và Gác Trịnh kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (năm 2013 và 2014), đến liveshow Truyện ca, hay các đêm nhạc tại phòng trà Memory... Với Đức Tuấn, mỗi lần hát cho khán giả Đà Nẵng, trong anh đều đong đầy cảm xúc, nhất là khi những tràng pháo tay cứ giòn giã vang lên. Anh nói, được khán giả đón nhận và yêu mến như thế là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ, chính khán giả đã giúp anh thăng hoa trên sân khấu. "Khán giả Đà Nẵng quá dễ thương!", Đức Tuấn chia sẻ.

Tháng 5 năm ngoái, một ngày sau khi diễn ra liveshow Truyện ca (Đức Tuấn hát nhạc Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Lê Thương) tại Nhà hát Trưng Vương, có những khán giả cao tuổi nhận ra Đức Tuấn giữa đời thường đã thốt lên: "Sao mà thương thế! Một lúc hát đến hơn 20 bài, có mệt lắm không con?". Đức Tuấn mỉm cười, vì anh biết đó là khán giả thật sự của mình - những người yêu mến dòng nhạc bán cổ điển, nhạc kịch mà anh đang theo đuổi, dù đó hầu hết là những bài "nặng ký", không dễ nghe. Và anh cũng biết rằng, con đường mình đi dẫu khó, không thể so sánh tính đại chúng của nhạc bán cổ điển, nhạc kịch với những dòng nhạc khác, nhưng khi đã chinh phục được khán giả rồi thì sẽ rất bền, bởi đây là những dòng nhạc không tuổi...

Ca sĩ Đức Tuấn trong liveshow Truyện ca tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng).
Ảnh: Hà Phương Thảo

2. Nhắc đến Đức Tuấn, những người yêu nhạc thường nhắc đến âm nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương... Các tác phẩm thanh nhạc kinh điển, mẫu mực như: Tình ca, Áo anh sứt chỉ đường tà, Tình hoài hương, Đưa em tìm động hoa vàng, Đóa hoa vô thường... đã gắn liền với tên tuổi của Đức Tuấn. Nghe anh hát Tình ca, Tình hoài hương... thật nồng nàn với âm điệu và tiết tấu mang đậm chất dân ca Việt Nam, nhưng cũng thật hào sảng, làm lay động lòng người. Và không thể phủ nhận Đức Tuấn là giọng ca trẻ hiếm hoi ở Việt Nam hát thành công nhạc của hai nhạc sĩ tài hoa - hai tên tuổi lớn: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

Ở tuổi 34, Đức Tuấn đang sở hữu "gia tài": giải nhất Tiếng hát truyền hình TPHCM năm 2000, mở đường cho anh bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp; cú đúp giải Cống hiến năm 2009 cho hạng mục Ca sĩ của năm và Album của năm...; cùng 18 album được ra mắt trong 14 năm ca hát. Mỗi album là một sự mới mẻ, không lẫn vào đâu, đánh dấu sự trưởng thành của Đức Tuấn, từ giọng hát đến cách xử lý ca khúc; từ việc thể hiện những bản tình ca nổi tiếng theo tinh thần bán cổ điển sang trọng đến sự biến hóa trong những bản mang màu sắc dân ca; rồi cả việc khai phá dòng nhạc kịch Broadway tại Việt Nam, thậm chí đưa hơi thở nhạc kịch vào không gian nhạc Trịnh.

Và album thứ 19 Requiem, album nhạc Phạm Duy, được ra mắt hôm nay (5-7), ngày diễn ra liveshow Dấu ấn của Đức Tuấn tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (TPHCM). Requiem được thu tại Đức với ý tưởng là chuyến viễn du về cõi thiên thu, mỗi bài hát là một chiêm nghiệm về sinh tử. Khán giả sẽ gặp Đức Tuấn qua những giai điệu sâu lắng, da diết: Mùa thu chết, Đường chiều lá rụng, Nếu một mai em sẽ qua đời, Những gì đem theo vào cõi chết... "Dự án này là mong muốn lớn nhất của nhạc sĩ Phạm Duy trước khi tạm biệt cõi sống mà ông đã không thể đợi đến lúc hoàn thành và Tuấn là người tiếp nối sự dang dở này", anh lý giải.

3. Rất nhiều người nhận xét Đức Tuấn quá cầu toàn. Chính anh cũng thừa nhận điều này và nói vui rằng "Tuấn vốn khó chịu lắm!". Vì vậy, có lẽ khán giả không ngạc nhiên khi Đức Tuấn không chạy theo nhạc thị trường, dù anh cho rằng "làm nhạc giải trí thuần túy, nhạc thị trường, thì không có gì xấu hay dở cả, quan trọng là ý thức nghệ sĩ và khả năng thực tế của mỗi người cũng như sự chọn lựa con đường mình đi". Đôi khi anh hát nhạc trẻ, nhưng nhạc trẻ mà anh thể hiện cũng mang màu sắc bán cổ điển về cả cách hát lẫn cách hòa âm phối khí.

Cũng vì quá cầu toàn mà trong gameshow "Tuyệt đỉnh tranh tài" (VTV3), hầu như các thể loại nhạc khác đã được Đức Tuấn biến thành âm nhạc của mình một cách công phu, sáng tạo để biểu diễn, từ pop, rock hay dance... Khán giả còn thấy anh đưa cả dàn hợp xướng 100 người lên sân khấu khi làm sống lại ca khúc Tình phai, một bản hit của những năm 1990. Đức Tuấn là thế, khi đã làm gì thì quyết làm đến nơi đến chốn, không phải vì áp lực phải làm mới mình, mà vì trong anh dường như chưa bao giờ cạn kiệt ý tưởng đối với âm nhạc. Và liveshow Dấu ấn được chuẩn bị kỳ công vào tối 5-7 là dịp để anh nhìn lại chặng đường âm nhạc 14 năm của mình và tri ân khán giả, đồng thời để minh chứng âm nhạc của anh -dù đi trên con đường rất riêng - cũng gần gũi cả về phần nghe lẫn phần nhìn, chứ không hề xa cách.

Trong gameshow "Tuyệt đỉnh tranh tài", vị giám khảo khó tính nhất- đạo diễn Lê Hoàng nhận xét về Đức Tuấn: "Lúc anh hát, tôi không còn nghĩ tới dance, pop hay gì nữa. Chỉ cần âm nhạc có lửa thì bài hát của anh ấy có lửa. Không còn nghi ngờ gì khi tất cả tiết mục mà Đức Tuấn làm trong chương trình từ trước tới nay đều có sự hoành tráng, sự nghiêm túc, sang trọng, rất hoàn hảo". Âu đó là nhận xét rất chuẩn xác về người ca sĩ quê ở Long Xuyên (tỉnh An Giang) khi tên tuổi của anh giờ đây đã là một "thương hiệu".

Hà Phương Thảo