Báo Công An Đà Nẵng

"Ca sĩ" kẹo kéo

Thứ bảy, 30/08/2014 09:07

(Cadn.com.vn) - Chàng "ca sĩ" mang dáng dấp của một anh nông dân ấy ngần ngại: "Hỏi tên em làm gì, có phải ca sĩ chuyên nghiệp đâu mà tên với tuổi. Họ hát mãi cũng thành người đàn ông hát, người đàn bà hát... Em dù hát mãi thì cũng  thành thằng bán kẹo kéo hát thôi".

"Kiếp đường ca"

Một anh bạn là dân nhậu khẳng khái: "Đã ăn nhậu vào là cái máu văn nghệ sỹ nó lại trỗi dậy. Được hát, nghe hát là khoái. Có hai thứ nhạc đó là "nhạc sống" và "nhạc chết". "Nhạc chết" thu đĩa thì nghe ở đâu mà chả được, còn "nhạc sống" thì chỉ có ra đường phố, nghe ca sĩ kẹo kéo nó hát cho đã, mà máu lên cướp micro làm bản cho thiên hạ cùng nghe".

Anh chàng đầu tiên đến hát bên bàn chúng tôi có một thân hình khá vạm vỡ nhưng giọng ca nhẹ nhàng, đi vào lòng người. Trông có vẻ dân quê bởi vì gót chân nứt nẻ do lội ruộng phèn. Hỏi thăm, mới biết "ca sĩ" là Nhân, người gốc Quế Sơn (Quảng Nam). Trong nghiệp mưu sinh, theo bạn bè về Đà Nẵng lập nghiệp, Nhân bươn chải đủ thứ nghề, làm đủ thứ chuyện, chỉ có những thứ gì lâm vào pháp luật là quyết tâm không dây dưa. Người bạn, đồng nghiệp, đồng hương của Nhân là một tay có đầu óc "kinh doanh", làm ở khu công nghiệp rồi bỏ giữa chừng. Những lần đi nhậu ở Đà thành, thấy ca sĩ kẹo kéo chỉ mất chút vốn đầu tư ít ỏi, hát thua xa thằng bạn thời chăn trâu cắt cỏ mà cũng hái ra tiền. Gặp Nhân, nhớ lại thằng bạn "nổi tiếng" qua bao nhiêu lần biểu diễn văn nghệ ở làng xã, liền chộp lấy cơ hội, rủ nhau lập nhóm hành nghề.

Phương tiện tác nghiệp của một ca sĩ kẹo kéo khá đơn giản: một micro điện tử, amply, loa thùng, acquy, máy phát nhạc hoặc điện thoại thu sẵn các bản nhạc không lời tựa hồ nhạc ka-ra- ô-kê vậy. Và, những cây kẹo kéo. Mặc dù chính quyền không mấy thiện chí nhưng không hiểu sao cái nghề, cái nghiệp này lại phát triển đến mức rầm rộ đến như vậy.

Những bài hát được "lia" về phía khán giả chếnh choáng hơi men. Đủ mọi thứ nhạc lỉnh kỉnh trên đời, nhưng chuộng nhất vẫn là nhạc vàng-nhạc sến, những tình khúc bolero ướt át, diễm tình. Nhân bảo: "Hát ở đây khổ hơn cả ca sĩ trên sân khấu, ca sĩ chuyên nghiệp hát mà công chúng không thích thì "ném đá" trên báo đài, chứ bọn em hát mà không được thích thì bị ném thật, có khi phang cả ghế vào mặt như chơi đấy chứ. Gặp trường hợp đó, em tắt máy, tắt luôn giọng chuồn đi nơi khác ngay, hơn thua với những người say chỉ tội thiệt thân".

Rồi người ca sĩ ấy kể rằng có một lần đang hát bài "Tội tình" thì bàn nhậu bên cạnh bảo mình đừng hát nữa, hát bài gì cho vui vẻ yêu đời, nếu còn hát nữa là nó tát cho vỡ mồm. Hóa ra, người ấy đang trong cơn thất tình, hoảng loạn lắm. Vậy đó, chín người mười ý, mà làm sao biết ý được những kẻ trong ruột gan cỡ chục lon Larue chứ, lúc đó bia nghĩ, rượu nghĩ, chứ chúng nó có nghĩ đâu.

Gặp hôm mưa gió, ca sĩ kẹo kéo đánh liều đưa loa đài vào chợ kiếm cơm.

Hỉ, nộ, ái, ố…

Nhân tâm sự: "Hát với chả hò, nhiều lúc mình đem tiếng ca dâng cho mọi người, lắm lúc bị chửi, bị đánh. Quả thật ca sĩ kẹo kéo hát trên những "xác người" thật, toàn những người lý tính thì ít mà hành động theo tâm tính thì nhiều. Người vui thì hỉ, người giận thì nộ, người yêu thì ái, mà người ghét thì ố thế này sao?".

Với ca sĩ kẹo kéo, họ tuyệt nhiên xem đây như một nghề chính đáng, bỏ sức lao động, dồn tâm huyết qua lời ca tiếng hát. Nhưng nhiều người vẫn xem như là một thứ mua vui trên bàn bia, rượu. Nhiều ca sĩ kẹo kéo tâm sự rằng, ngày trước hát hò thì gọi là "xướng ca vô loài", bây giờ chúng em đi hát nhiều lúc còn bị miệt thị, nhất là lớp nam thanh nữ tú. Nhiều cô chiêu cậu ấm thấy chúng em là bĩu môi, ánh mắt săm soi như một người ngoài hành tinh vậy.

Khắp thành phố Đà Nẵng này, ca sĩ kẹo kéo nhiều như nấm. Hễ gặp anh nào chở loa đài trên xe lượn lờ khắp chốn nhậu nhẹt thì nhất định là ca sĩ kẹo kéo. Nhân bảo: "Có hai loại bán kẹo kéo, một bán bằng nhạc sống, hai bán bằng nhạc chết. Cái loại mở nhạc inh ỏi, chả hát hò gì thì cả đêm cũng không bán được cây nào. Vì vậy đã bán kẹo kéo nhất thiết phải có giọng ca, phải hát được nhiều thể loại nhạc. Nhiều lúc khách yêu cầu bài hát nào thì mình hát bài đó, xong xuôi họ trả công mình cũng hậu. Nói chung phải nắm được tâm lý của khách, muốn hát cho dù hay dở thế nào cũng để khách hát, khách hát không hết bài thì mình hát nốt. Thế mới được lòng của họ, vậy mình mới kiếm được đôi đồng chứ".

Mỗi ca sĩ kẹo kéo có địa phận làm ăn phân định rõ ràng, tốp nào thì tuyến đường đó, tuyệt đối không có sự tranh giành khách của nhau. Thời gian hoạt động cũng được niêm yết rõ ràng, mỗi người ghé quán chừng một hai bài, thì lập tức sang quán khác, nếu khách hàng muốn hát hò thì các bạn đồng nghiệp sẽ thông cảm và đi đến nơi khác. Nhân bảo: "Lượn lờ mãi cũng thành quen, ngày trước khi mới khởi nghiệp thì ca sĩ kẹo kéo như chúng em được chào đón, thu nhập cũng khá. Bây giờ nhiều tốp quá, hát đi hát lại, nhiều quán gặp là đuổi thẳng như đuổi tà".

Đang hát hò say sưa thì trời đổ cơn mưa bất chợt, những lều quán dựng tạm trên đường gom khách co rúm lại một góc để tránh mưa. Nhân cùng người bạn chuyển loa đài vào quán xin "tạm trú", chàng ca sĩ lại bật nhạc, giai điệu quen thuộc của bài "Mưa rừng" vang lên và hạt mưa nhớ ai mưa đìu hiu… Nắng nôi thì công việc trôi chảy, hát hò cả đêm, mưa gió thì nghề này xem như bó tay. Vì vậy không ít ca sĩ kẹo kéo phải tranh thủ ban ngày rong ruổi khắp chốn chợ đò để kiếm cơm. Nhân đùa: "Nếu cơ quan này ban ngành nọ đòi chúng em muốn hát phải có giấy phép biểu diễn thì đến treo mic hết anh à. Mà còn nữa chứ, cái tiền bản quyền âm nhạc nữa nhỉ".

Bùi Đức Tú