Báo Công An Đà Nẵng

Cả xã hội cùng chung tay chiến thắng đại dịch

Thứ bảy, 02/10/2021 17:26

Sau 2 tháng “thắt lưng, buộc bụng”, quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêm vaccine, tuân thủ 5K, 5T, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16… TP Đà Nẵng đã từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Những ký thịt heo do người dân Nam Giang ủng hộ được trao tận tay người già neo đơn.

Khó có thể tả được những cảm xúc vui sướng khi được tận hưởng không khí tự do đi lại, được mua sắm, giao tiếp cùng người thân, bạn bè... sau gần 2 tháng thực hiện nghiêm chủ trương “ai ở đâu, ở yên đấy”. Dẫu có khó khăn song Đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách được xem là vượt trội, kịp thời, giàu tính nhân văn, bao phủ tất cả đối tượng, kể cả các hộ tạm trú, sinh viên, lao động ngoại tỉnh… nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Lương Minh Triết- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng - cho biết: Đến nay, TP đã chi khoảng 2.500 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Trong đó, kinh phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn là gần 800 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách mang tính đặc thù của địa phương, như: chính sách hỗ trợ riêng cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền hơn 29 tỷ đồng; hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế gần 100 tỷ đồng.

Cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm trị giá 500.000 đồng/hộ cho 50.651 hộ chính sách, người có công và hộ dân khó khăn với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ dân vẫn còn khó khăn, TP tiếp tục hỗ trợ hơn 184 tỷ đồng (500.000 đồng/hộ). Miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tất cả hộ dân với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, TP hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2021-2022, kinh phí hơn 87 tỷ đồng...

Bên cạnh những chính sách đúng đắn đó, người dân Đà Nẵng còn thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ... cùng nhau vượt qua đại dịch. Điều đó thể hiện qua phong trào “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát động. Theo thống kê, thành phố đã tiếp nhận số tiền hơn 64 tỷ đồng đóng góp cho quỹ vaccine phòng COVID-19 và phục vụ công tác phòng, chống dịch; các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ 436,5 tấn gạo, 400,4 tấn rau củ quả, 44.205 suất quà, 8,352 tấn thịt, 568.000 quả trứng, các nhu yếu phẩm khác cùng nhiều trang thiết bị y tế khác…

Trong cơn hoạn nạn mới hiểu nghĩa tình của những doanh nghiệp, địa phương khác đối với chính quyền và người dân Đà Nẵng. Và, trong khó khăn do dịch bệnh gây ra, Đà Nẵng đã nhận được sự chung tay giúp đỡ nghĩa tình của nhiều doanh nghiệp, địa phương khác, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Trung Nam, FPT... Những bó rau xanh, ống cơm lam, từng ký thịt heo... của người đồng bào Cơ Tu, Mơ Nông, Ca Dong ở các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam)... đã thể hiện nghĩa tình keo sơn giữa đôi miền ngược-xuôi. Sự giúp đỡ chân tình ấy còn nói lên sự sâu nặng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh các nguồn lực do Nhà nước hỗ trợ, từng hộ dân tại địa bàn khu dân cư đã phát huy và tạo sự lan tỏa, cùng chia sẻ hỗ trợ từng gói mì tôm, cân gạo... trên tinh thần “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” cho những người có hoàn cảnh gặp khó khăn hơn. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 6-8-2021 đến 15-9-2021, các Ban công tác Mặt trận khu dân cư đã vận động người dân đóng góp 150.641 suất quà, suất ăn và các loại rau củ quả, nhu yếu phẩm trị giá ước tính hơn 21,354 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời hộ dân tại khu dân cư trong thời điểm giãn cách xã hội đồng thời vận động 9.823 chủ hộ cho thuê trọ miễn giảm tiền thuê cho 28.406 phòng trọ và căn hộ với tổng số tiền hơn 27,4 tỷ đồng.

Hàng ngàn tấn nông sản từ các địa phương ủng hộ cho nhân dân Đà Nẵng.

Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự đóng góp của lực lượng tiên phong phòng chống dịch, như: Y tế, Công an, Quân đội còn có sự đóng góp lặng lẽ của các hội, đoàn thể, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Ngoài việc vận động, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các mẹ, các chị còn tổ chức đi chợ giúp dân, vận động gần 38 tỷ đồng hỗ trợ cho các hội viên Phụ nữ khó khăn, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa và thăm, tặng quà cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Hội Cựu chiến binh đã vận động và phân phối trên 20 tấn hàng hóa lương thực, thực phẩm của Hội CCB tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho 1.189 hội viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động các hội viên có điều kiện đóng góp tiền, quà hỗ trợ cho 662 hộ khó khăn. Với lực lượng Thanh niên đã được Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa. Đặc biệt, phong trào “2 sẵn sàng” chung tay phòng, chống dịch COVID-19 trong 14 ngày cao điểm từ ngày 30-8-2021 đến 12-9-2021 với gần 100 ngàn lượt tình nguyện viên tham gia chốt chặn cửa ngõ ra, vào thành phố, tham gia các tổ COVID cộng đồng; hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, vận chuyển nhu yếu phẩm...

Mỗi công việc có một giá trị khác nhau nhưng tựu trung đều có chung một mục đích là đẩy lùi dịch bệnh. Sự chung tay đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta và điều đó thật đáng trân quý biết bao…

M.T