Báo Công An Đà Nẵng

Các ban quản lý sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ năm, 16/04/2015 09:32

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-4-2015, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị giao ban CLB Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (KCN, KCX, KKT, KCNC) các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ II. “Đồng hành cùng doanh nghiệp” là chủ đề gần như xuyên suốt được các đại biểu đề cập trong hầu hết các ý kiến phát biểu tại diễn đàn lần này.

Chọn hướng đi phù hợp

Với tư cách là địa phương đăng cai, Trưởng BQL các KCN và CX Đà Nẵng Phạm Nhật Phi cho rằng với sự “đồng hành cùng doanh nghiệp”, các KCN KCX ở TP Đà Nẵng đã có những đóng góp vào thành công chung của tình hình KT-XH. Hiện tại, thành phố có 6 KCN, trong đó có 5 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đưa vào sử dụng là 651,5 ha với tỷ lệ lấp đầy là 86,93%. Tổng số dự án đầu tư tại các KCN đến nay là 403 dự án, trong đó dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 92 với vốn đăng ký gần 948 triệu USD; trong nước có 311 dự án với vốn đăng ký đầu tư hơn 14.243 tỷ đồng.

Theo BQL các KCN Bình Dương, chỉ trong quý I-2015, xuất khẩu của tỉnh này đạt 4,22 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với nhập khẩu chính là nhờ công nghiệp phụ trợ phát triển khi có giá trị xuất siêu 591 triệu USD. Riêng doanh thu của doanh nghiệp (DN) KCN đạt 2,1 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt trên 950 triệu USD. Các KCN ở Bình Dương đến nay có 1.422 dự án còn hiệu lực, bao gồm 1.010 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và 412 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 32.000 tỷ đồng.

KKT Nam Phú Yên là khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng đô thị hiện đại mang tính đột phá phát triển không chỉ của địa phương mà còn là động lực phát triển cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh các KCN nằm trong KKT Nam Phú Yên còn có các KCN An Phú và KCN Đông Bắc sông Cầu. Hiện tại, Phú Yên đã thu hút trên 97 dự án với tổng vốn đầu tư hơn  12.000 tỷ đồng và gần 3,2 tỷ USD, trong đó có 62 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút hơn  5.000 lao động vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Trong khi đó, BQL các KCN Quảng Nam lại nêu ra một thực tế là, hiện nay, tại Quảng Nam có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 25 dự án nước ngoài và 53 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và 364,80 triệu USD, diện tích sử dụng đất gần 252 ha. Tuy nhiên, hơn 10% trong số các dự án này rơi vào tình trạng không triển khai theo đúng tiến độ, vốn đầu tư thực hiện lũy kế kém xa nhiều so với vốn đăng ký. Một số dự án ngưng hoạt động kéo dài nhưng không có thông báo giãn tiến độ hoặc quyết định chấm dứt đầu tư.

Với lợi thế riêng, BQL các KCN Quảng Ngãi đã tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Tính đến nay, các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 8 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 66 triệu USD, hàng năm đóng góp ngân sách Nhà nước gần 1.000 tỷ đồng, tạo ra doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, BQL các KCN Quảng Ngãi cũng nhìn nhận, sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn hạn chế dẫn đến mối liên kết giữa các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ và các nhà sản xuất thành phẩm chưa được thiết lập. Điều này đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại Đồng Nai, ở 31 KCN đã có các nhà đầu tư thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tổng số 1.336 dự án, trong đó có 973 dự án FDI với tổng vốn 17,7 tỷ USD; 369 dự án trong nước với tổng vốn 43.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư những năm gần đây Đồng Nai đều đạt và vượt con số 1 tỷ USD. Riêng năm 2014 thu hút đầu tư đạt 1,5 tỷ USD và hơn 4.000 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Để “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong các KCN, KCX, KKT, KCNC, tại diễn đàn lần này, các đại biểu đã tập trung phân tích để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tháo gỡ các trở ngại. Ông Trần Văn Liễu, Trưởng BQL các KCN Bình Dương chia sẻ: “Đối với doanh nghiệp phải hợp tác, chia sẻ, phản hồi các vướng mắc, phát sinh để chính quyền, cơ quan quản lý nắm thông tin, có giải pháp kịp thời xử lý.

Những đề xuất, kiến nghị của DN sẽ là cơ sở để chính quyền, cơ quan quản lý rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành. Tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN phát triển mạnh và bền vững chính là giải pháp căn cơ và hữu hiệu để Nhà nước nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Nhật Phi, Trưởng BQL các KCN và CX Đà Nẵng coi trọng công tác thông tin, đối thoại, gặp gỡ giao lưu với DN, là cầu nối giúp cơ quan QLNN lắng nghe và hiểu rõ hơn những khó khăn, trăn trở của DN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư; thiết lập cầu nối hỗ trợ tài chính tín dụng đầu tư; hỗ trợ thông tin, mở rộng thị trường, kết nối cung-cầu, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Tuy nhiên, ông Phi cũng nêu rõ là, hiện nay nhiều DN khi có nhu cầu xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản tại các phòng công chứng rất khó khăn trong việc phải cung cấp hồ sơ, thủ tục đầy đủ theo quy định của Luật Công chứng, trong khi trước đây thực hiện tại các BQL thì thủ tục đơn giải hơn.

TS Man Ngọc Lý, Trưởng BQL KKT Bình Định cho rằng, sự phối hợp giữa BQL với các sở, ngành trong công tác phối hợp quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn KKT và các KCN vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, mang nặng tính hình thức và chưa đáp ứng được yêu cầu nên chưa mang lại hiệu quả cao. Ông Đỗ Trần Chương, Phó Trưởng BQL KKT Phú Yên cũng đề cập đến vấn đề hậu kiểm trong việc thực hiện dự án đầu tư còn có những chồng chéo chưa được giải quyết một cách triệt để. Còn Phó Trưởng BQL KKT Trà Vinh Phạm Tiết Khoa thì kiến nghị, Chính phủ, Bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể vai trò, thẩm quyền của Thanh tra BQL; điều chỉnh, hướng dẫn các quy định pháp luật về thủ tục cấp phép cho người lao động nước ngoài phù hợp hơn...

Nhiều ý kiến khác cũng đã đề cập đến vấn đề hình thành kênh đối thoại định kỳ hoặc tiếp xúc trực tiếp để lắng nghe, chia sẻ, kiến nghị của DN thông qua trực tuyến... làm cơ sở để chính quyền, cơ quan quản lý kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN. Thực hiện các giải pháp hình thành mô hình liên kết giữa công nghiệp phụ trợ, dịch vụ với các dự án sản xuất trong KCN, KKT, giữa các KCN, KKT trong và ngoài tỉnh, thành phố, liên kết giữa các Hiệp hội DN, nhằm hỗ trợ, kết nối các DN trong SXKD, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng...

Theo các đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, các DN đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn. Hơn bao giờ hết, chính quyền, cơ quan quản lý và DN càng cần có sự sát cánh, đồng hành, cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn để DN ngày càng có điều kiện phát triển.

Phương Kiếm