Báo Công An Đà Nẵng

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn đang được kiểm soát

Thứ năm, 11/04/2024 10:45
Người dân và du khách làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên được kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo tự động. Ảnh minh họa

Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em, một số bệnh dù có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.

Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022; tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023…

Tại Việt Nam, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát. "Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta một số bệnh có vaccine phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc, đã bắt đầu có xu hướng tăng, bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Đồng thời, một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như bệnh tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, bệnh sốt xuất huyết hàng năm vẫn ghi nhận số mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hàng chục trường hợp tử vong. Nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm.

Bộ Y tế nhận định: Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.

Đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm

Theo Cục trưởng Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.

Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Đối với bệnh thủy đậu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vaccine và khuyến khích các cháu tiêm chủng dịch vụ, trong trường hợp địa phương có số mắc lớn đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó việc chống dịch bệnh thủy đậu được tiến hành giống các biện pháp chống dịch bệnh tay chân miệng đặc biệt ở các cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức lưu ý thêm, riêng đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đối với các trường hợp này nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh ngay sau sinh.

Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và một số tổ chức quốc tế như Unicef, WHO... đã có những tham luận đáng chú ý về công tác phòng, chống dịch bệnh

B.T