Báo Công An Đà Nẵng

Các đại biểu sẽ chất vấn những gì?

Thứ ba, 10/12/2013 09:54

(Cadn.com.vn) - Ngày mai, 11-12, kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng (khóa VIII) sẽ bắt đầu. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng phỏng vấn các vị đại biểu (ĐB), xem họ dự định chất vấn những vấn đề gì tại kỳ họp quan trọng này.

* Tại cuộc gặp gỡ báo chí trước kỳ họp, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng nêu ra hàng loạt vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay của TP Đà Nẵng: Đó là, yếu kém trong công tác đầu tư, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; nguy cơ mất an toàn của các cột ăng-ten của các nhà mạng ở khu dân cư; tình trạng ngập úng ở các khu dân cư tái diễn nhiều năm; các dự án đầu tư xây dựng bị “treo” đã quá lâu, có tiếp tục hay dừng lại.

Về nguy cơ mất an toàn của các cột ăng-ten các nhà mạng trong khu dân cư, Thường trực HĐND TP cho rằng, tuy chưa xảy ra gãy đổ nhưng không thể loại trừ khả năng nguy cơ này, nhất là trong điều kiện mưa bão phức tạp như hiện nay.
Cũng về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi chiều 9-12, ĐB Lê Thị Nam Phương cho rằng: Trong khi những người cho nhà mạng thuê mặt bằng để lắp đặt cột ăng-ten thì thu tiền, hàng xóm hoàn toàn không lợi lộc gì, nhưng tất cả đều phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Đó là điều bất hợp lý.

N.L

Tháp đôi, bảo tàng, thư viện... đâu rồi?

ĐB Nguyễn Nho Khiêm cho biết sẽ chất vấn về khu đất “vàng” 84 – Hùng Vương. Đây vốn dĩ là Trung tâm Văn hóa của TP Đà Nẵng qua nhiều thời kỳ, sau này giải tỏa, giao đất cho doanh nghiệp. Khi giao, họ hứa sẽ xây dựng một tòa tháp đôi rất đồ sộ.

Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, tháp đôi vẫn chưa thấy đâu, khu đất trung tâm bỏ hoang, còn Trung tâm Văn hóa TP thì hiện nay phải di dời hết nơi này đến nơi khác. Chính quyền TP phải cho người dân biết, bao giờ thì dự án hoàn thành và bao giờ thì Trung tâm Văn hóa của TP được “định cư”?

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Nho Khiêm cũng dự định sẽ chất vấn nhiều vấn đề đáng quan tâm khác, nhất là các dự án Thư viện TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Về Thư viện TP, ông Nguyễn Nho Khiêm cho biết đã có chủ trương di dời từ khu vực đường Bạch Đằng đến khi vực Tuyên Sơn từ lâu nhưng nay chưa thấy chuyển biến gì.

Hậu quả là, thư viện hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, còn dự án thư viện ở Tuyên Sơn thì chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Hơn nữa, nếu chuyển thư viện lên Tuyên Sơn thì mảnh đất thư viện hiện nay (đất đắc địa bậc nhất TP) sẽ được giao cho ai, dùng để làm gì? Những việc này phải công bố rõ ràng, minh bạch cho nhân dân TP biết.

Về dự án Bảo tàng Mỹ thuật TP, ĐB Nguyễn Nho Khiêm cho biết, sau khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng từ 78 – Lê Duẩn về khu vực đường Trần Phú, khu đất 78 – Lê Duẩn dự kiến dùng để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật.

Vào tháng 9-2009, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP lúc bấy giờ, đã có ý chỉ đạo rõ việc này. Sau đó, Sở VH-TT&DL có lập một đề án. Thế nhưng, đến giờ, đề án không rõ đã đi đâu, về đâu, có tiếp tục nữa hay không... thì không rõ. “Tôi sẽ đề cập chuyện này tại kỳ họp” – ĐB Nguyễn Nho Khiêm cho biết.

Phản ánh ý kiến của cử tri, ĐB Nguyễn Nho Khiêm cho biết, trong khi đô thị Đà Nẵng đang phát triển rất mạnh về phía Tây – Tây Bắc, cụ thể là khu vực Q. Liên Chiểu, với rất nhiều đường sá, cầu cống, công trình...

Thế nhưng, tại khu vực này, chưa thấy bóng dáng của những thiết chế văn hóa quan trọng, như nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà thi đấu thể dục – thể thao... Trong khi đó, khu vực phía Tây – Tây Bắc của TP lại tập trung rất đông dân cư. Việc thiếu thiết chế văn hóa sẽ tạo nên sự mất cân đối nghiêm trọng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân.

ĐB Nguyễn Nho Khiêm                  ĐB Lê Thị Nam Phương                         ĐB Lê Vinh Quang

Đầu tư cho văn hóa còn quá thấp

ĐB Lê Thị Nam Phương cho rằng, sắp tới, học sinh trên địa bàn TP sẽ học 2 buổi. Điều này làm phát sinh hàng loạt vấn đề. TP cần sớm tính toán và xử lý vấn đề này. Cũng theo ĐB Phương, TP cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các trung tâm giáo dục thường xuyên.

* “Mặc dù lãi suất tối đa theo quy định hiện hành là 12% nhưng tôi biết rất nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất cao hơn thế rất nhiều. Đối với các khoản vay cũ, có thể họ phải gánh đến 15 – 20%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất như vậy thì doanh nghiệp vô cùng khó khăn, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, điều kiện giải ngân lại khắt khe càng đẩy họ vào thế bí. TP cần sớm tổng rà soát, xem còn bao nhiêu doanh nghiệp phải chịu lãi suất trên 12%, từ đó kiến nghị các cấp thẩm quyền và hệ thống ngân hàng hạ lãi suất.
Thời điểm này, Nhà nước, ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất chứ không thể nói suông được”.

ĐB Lê Thị Nam Phương

Hiện nay quận nào cũng có một trung tâm nhưng thu hút được rất ít học sinh, gây nên lãng phí về con người và cơ sở hạ tầng. Nên chăng, TP chỉ cần lập ra 1 – 2 trung tâm giáo dục thường xuyên là đủ, quỹ đất dôi dư ra dùng để kêu gọi đầu tư cho các dự án giáo dục – đào tạo khác đem lại hiệu quả cao hơn.

Cũng theo ĐB Lê Thị Nam Phương, trong những năm qua, Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc về KT-XH. Thế nhưng, TP vẫn chưa có một chương trình đầu tư tương xứng, mang tầm chiến lược cho văn hóa. Đà Nẵng là một trong hai địa phương có mức độ đầu tư cho văn hóa thấp nhất Việt Nam. Điều này rất bất hợp lý, chưa song hành, chưa tương xứng với những thành tựu và mục tiêu phát triển bền vững của TP. “Chúng ta cần lưu ý rằng, văn hóa không chỉ là giải trí, đáp ứng nhu cầu tinh thần một cách giản đơn mà nó còn có tính định hướng về kinh tế, xã hội” – ĐB Phương khẳng định.

Theo ĐB Lê Thị Nam Phương, để có một chiến lược về văn hóa, trước hết, TP phải tổng rà soát lại các chương trình, dự án, thiết chế văn hóa..., từ đó hoạch định các chính sách cụ thể. Phải làm sao có kế hoạch đầu tư, sử dụng hiệu quả nhất các khu vui chơi, nhà văn hóa, công viên...; phải làm sao quản lý được quảng cáo, quảng bá hình ảnh TP.

Ví dụ, ở núi Sơn Trà liệu có thể thiết kế lắp đặt một dòng chữ đủ lớn để người dân TP và du khách đều nhìn thấy, giống như chữ “Langbiang” ở thung lũng Langbiang (Lâm Đồng) hay không? Liệu có thể mạnh dạn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa dự án về văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa, được không?

60 chi nhánh ngân hàng không đem lại một xu tiền thuế!

ĐB Lê Vinh Quang cho biết sẽ chất vấn về tình trạng ngập nước ở các tổ 36, 37, 38, 39 của P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà, chỗ cầu Rồng nhìn xuống. Đã nhiều năm trôi qua, người dân nơi đây cho biết luôn phải đối mặt với tình trạng ngập úng rất nặng nề. Nguyên nhân là một dự án gần đó đang triển khai, tôn nền cao khiến khu dân cư lọt vào vùng trũng, trong khi hệ thống tiêu thoát nước ở đây lại rất kém. “Tôi cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề ngập úng cũng như tạo ra cảnh quan tương xứng, khu vực này cần được giải tỏa”, ông Lê Vinh Quang nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Vinh Quang cho biết cũng rất quan tâm đến việc triển khai chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”. “Tôi vừa là ĐB Hội đồng Nhân dân nhưng cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, bởi vậy, tôi rất quan tâm đến chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”.

Trên thực tế, trước đây TP Đà Nẵng cũng đã một lần thực hiện chủ trương này (2004), tuy nhiên, có vẻ hiệu quả, chuyển biến cũng chưa rõ ràng lắm. Lần này, tôi rất hy vọng sẽ khác. Để triển khai thì phải có nguồn lực, kế hoạch, lộ trình, con người, công việc... cụ thể chứ không thể chỉ hô hào vận động. Tôi sẽ chất vấn để làm rõ những vấn đề này, cũng là cách góp phần chuyển tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến kỳ họp” – ĐB Lê Vinh Quang khẳng định.

Cũng theo ĐB Lê Vinh Quang, một trong những bất hợp lý lớn nhất hiện nay đối với ngân sách TP Đà Nẵng là, trên địa bàn TP có khoảng 60 chi nhánh ngân hàng thế nhưng lại không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho TP. Tất nhiên, đây là vấn đề thuộc điều hành của Trung ương, bản thân Đà Nẵng không làm gì được, nhưng TP cũng cần có kiến nghị mạnh mẽ, kể cả việc phối hợp với các địa phương khác để tham mưu cho Trung ương hỗ trợ giải quyết bất hợp lý này.

“Việc đề nghị Trung ương cho Đà Nẵng cũng như các địa phương khác thu thuế của các chi nhánh ngân hàng là điều cần thiết, nếu làm được, ngân sách TP sẽ được cải thiện rất nhiều, (mỗi năm có thêm ít nhất vài trăm tỷ đồng) TP có nhiều tiền hơn để thực hiện các chương trình phát triển KT-XH, nhất là an sinh xã hội” – ông Lê Vinh Quang cho biết.

Nguyễn Lê

(thực hiện)