Báo Công An Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Các địa phương cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

Thứ hai, 21/05/2018 07:27

Ngày 20-5, tại Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với gần 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.

Cùng dự và tham gia buổi đối thoại có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn”.

Tình hình được cải thiện sau đối thoại

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Sau 2 năm thực hiện các nội dung trao đổi giữa Thủ tướng với công nhân và kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều chủ trương, chính sách, những kiến nghị, đề xuất thiết thực của đoàn viên, người lao động được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, điển hình như chính sách về tiền lương, tình trạng xử lý vấn đề nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động bỏ trốn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về lao động nữ, vấn đề nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, vấn đề nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động...

Đặc biệt, Đề án thiết chế Công đoàn được Chính phủ phê duyệt đã tạo sự đột phá trong hình thành hạ tầng cơ sở đồng bộ phục vụ nhu cầu đa dạng cho đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp. Đến nay, sau 1 năm triển khai, Tổng Liên đoàn đã từng bước thực hiện các mục tiêu mà Thủ tướng giao. Cụ thể là đã xác định được địa điểm, đầu tư tại hơn 20 tỉnh, thành phố, được UBND các địa phương giới thiệu đất và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã triển khai nghiên cứu thị trường và đánh giá các điều kiện đầu tư dự án tại 12 địa phương. Đây là bước đi làm cơ sở chắc chắn đảm bảo hoạt động đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả của đề án. Đã hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư của 3 dự án tại Quảng Nam, Tiền Giang và Khu công nghiệp Đồng Văn II tỉnh Hà Nam.

Từ sau cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2016, đã có nhiều doanh nghiệp, địa phương sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và tổ chức Công đoàn để hiện thực hóa cam kết chăm lo phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016 - 2017, các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức hơn 11.700 cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, chủ sử dụng lao động với công nhân lao động; lắng nghe và trả lời các câu hỏi, những vấn đề bức xúc liên quan đến công nhân, người lao động.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được gặp mặt, trò chuyện và trực tiếp lắng nghe ý kiến của công nhân lao động và cán bộ công đoàn. Qua 2 lần gặp gỡ và đối thoại với công nhân ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và miền Trung, Thủ tướng cho rằng, đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa, cần được tiến hành thường xuyên để giải quyết được các vấn đề bức xúc của công nhân hiện nay, từng bước nâng cao đời sống cho công nhân lao động.

Giải quyết thỏa đáng những vấn đề bức thiết

Tại buổi gặp gỡ, công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu lên những khó khăn đang gặp phải xung quanh các vấn đề về đời sống, việc làm, tiền lương, giá cả, sinh hoạt nhà ở, nhà trẻ, đời sống văn hóa, tình hình an toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, điều kiện ăn, ở của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất... mong muốn được Chính phủ và lãnh đạo các địa phương quan tâm, hỗ trợ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội dành đất xây dựng nhà tại thủ đô; đồng thời yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ nên đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Với ý kiến của công nhân Nguyễn Hoài Nam (Vĩnh Phúc) về các giải pháp đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như tạo điều kiện cho công nhân đi khám chữa bệnh ngoài giờ được hưởng chế độ bảo hiểm, Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các ngành và địa phương, tập trung giải quyết cơ bản các kiến nghị của công nhân nhằm nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc hình thành mạng lưới bệnh viện, trạm y tế ngay gần khu công nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm thường xuyên việc cải thiện điều kiện làm việc, tổ chức khám chữa bệnh và bữa ăn giữa ca của công nhân.

Công nhân và doanh nghiệp cùng phấn đấu để phát triển

Đánh giá cao ý nghĩa của buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thông qua đối thoại, Đảng và Nhà nước sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Thủ tướng đề nghị các công nhân, người lao động nỗ lực tự rèn luyện, học tập, nâng cao năng suất lao động. Thủ tướng cũng mong muốn doanh nghiệp tăng cường áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo mọi điều kiện, quan tâm đến người lao động để đóng góp cho doanh nghiệp phát triển. Công nhân phấn đấu, doanh nghiệp phấn đấu để cùng phát triển. Các bộ, ban, ngành, địa phương chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Dịp này, Thủ tướng thăm các gian trưng bày sản phẩm “Tự hào Trí tuệ lao động khu vực Đồng bằng sông Hồng”; trao 65 suất học bổng cho công nhân để động viên, khích lệ công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ; trao tặng hỗ trợ xây dựng 18 Mái ấm Công đoàn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng 1 bộ máy tính để bàn cho công nhân Vũ Xuân Đạt (Hải Dương).

THU THỦY – THANH TUẤN – TTXVN

Nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp

Trả lời câu hỏi của công nhân Trần Thị Thanh (Hưng Yên), công nhân Hoàng Thúy Lan (Quảng Ninh) về việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương công nhân; mức hưởng lương hưu đối với lao động nữ; vấn đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương đặc thù của công nhân ngành than, các ngành độc hại nặng nhọc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chủ trương nhà nước sẽ không can thiệp sâu về vấn đề tiền lương của các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ quy định lương tối thiểu để đảm bảo cho người lao động; đồng thời quy định mức sàn thấp nhất để các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động với sự can thiệp của tổ chức công đoàn.

Theo tính toán, từ ngày 1-1-2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng sẽ là 21.000 người, trong đó có 3.000 người có mức độ thiệt hơn. Bộ LĐ-TB&XH đang trình các bộ, ngành theo hướng sử dụng lãi để cấp bù cho 3.000 người này, đảm bảo quyền bình đẳng giới và nhất định không để phụ nữ bị thiệt thòi.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động. Về vấn đề mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ ngày 1-1-2018, đề nghị Bộ hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi.

T.T