Báo Công An Đà Nẵng

Các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường

Thứ năm, 22/01/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế toàn quốc năm 2014, triển khai kế hoạch công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Dự tại đầu cầu Đà Nẵng có bác sỹ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế thành phố, đại diện các ban, ngành, địa phương và lãnh đạo các bệnh viện đóng chân trên địa bàn thành phố.

Chủ động triển khai phòng chống dịch

Năm 2014, trước tình hình dịch bệnh Ebola (Tây Phi); H7N9, H5N6 tại (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia); MERS-CoV (Trung Đông), dịch hạch (tại Madagascar), dịch sởi (tại 177/194 quốc gia, …) diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch trong nước như tả, sốt rét kháng thuốc còn cao, ngành Y tế đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. 

Đồng thời, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết do virus Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A (H7N9), cúm A (H5N6) xâm nhập vào nước ta. Nhờ đó, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, dại, sốt rét… đều giảm so với năm 2013 và giảm nhiều so với giai đoạn 2010-2013, đặc biệt giảm 50% số mắc và tử vong do sốt xuất huyết.

Bệnh sởi tăng so với các năm trước và xuất hiện rải rác trên toàn quốc nhưng đã được khống chế hiệu quả. Chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubella lớn nhất từ trước đến nay cho trẻ từ 1-14 tuổi được triển khai trên toàn quốc từ tháng 9-2014 đến tháng 2-2015 với tổng số 23 triệu trẻ, đến nay đã tiêm vaccine sởi-rubella cho trên 14 triệu trẻ đảm bảo an toàn và hiệu quả; bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, đạt các mục tiêu về tiêm chủng mở rộng, xử lý kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng; chú trọng triển khai công tác  phòng chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, tâm thần, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích, công tác y tế học đường; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để thay đổi hành vi của người dân, từ thụ động sang chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng…

Ngoài ra, công tác khám chữa bệnh cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15 - 20% so với năm trước. Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam và đã trở thành thường quy.

Đến nay, tỷ lệ giường bệnh thực kê trên vạn dân là 28,1 (tăng 3,4 so với năm 2012). Thống kê cho thấy có 58% số bệnh viện tuyến trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng giảm số khoa có nằm ghép; đồng thời tăng công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện, nhiều bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh từ 40 lên 60-70%...

Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam.

Mô hình bệnh tật thay đổi

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương thích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước; ngày càng nhiều yếu tố như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân; quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng và cơ cấu dân số đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

* Báo cáo tại hội nghị, bác sỹ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được đánh giá là thành phố có kết quả nổi bật trên cả nước về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân với mức 92,5% dân số tham gia. Tính đến cuối năm 2014, toàn thành phố có hơn 925.000 người/hơn 1 triệu dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cũng tăng theo số lượng người tham gia BHYT. Cụ thể, các cơ sở y tế phát triển nhiều kỹ thuật mới; bệnh viện hạn chế nằm ghép, trên một vạn dân có 14 bác sĩ và 60 giường bệnh; không để xảy ra tử vong mẹ, 92% trạm y tế xã phường đạt chuẩn quốc gia (2012-2020)…

Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng miền, số giường bệnh các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi,…còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật.

Ngoài ra, tình trạng quá tải đã được cải thiện nhưng tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối ở các TP lớn công suất sử dụng giường bệnh vẫn còn cao, tình trạng nằm ghép còn phổ biến ở nhiều bệnh viện. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực y tế cũng là một vấn đề cần phải được ưu tiên giải quyết, đặc biệt ở tuyến cơ sở, vùng sâu vùng xa. Một số cán bộ y tế còn có thái độ phục vụ, ứng xử chưa tốt làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Trong năm 2014, toàn ngành Y tế có 6.807 trường hợp bị nhắc nhở, 137 bị khiển trách, 116 bị cắt thi đua, 18 bị điều chuyển vị trí công tác sang bộ phận khác, 6 bị cách chức và 4 bị nghỉ việc. 

Ngoài ra, việc đầu tư cho y tế dự phòng còn hạn chế, nhiều địa phương chưa phân bổ đủ mức tối thiểu 30% cho y tế dự phòng theo Nghị quyết 18 của Quốc hội; ở một số địa phương khi có dịch xảy ra mới được cấp kinh phí nên không chủ động phòng, chống dịch bệnh. Việc huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước cho y tế còn hạn chế.

Tỷ lệ bao phủ BHYT mới đạt trên 70%, còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc mở rộng bao phủ BHYT cho khoảng 30% dân số còn lại, chủ yếu là các đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức, người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Ngành Y tế phải  tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng các kỹ thuật, thành tựu y học tiên tiến vào việc khám, chữa bệnh và phát hiện, phòng ngừa nguy cơ xảy ra dịch bệnh để chủ động có biện pháp giải quyết, xử lý hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng quá tải tại các BV tuyến TƯ, tuyến tỉnh nhất là những BV chuyên khoa. Tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, luân phiên cán bộ chuyên môn y tế để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế. Đối với dịch bệnh Ebola, cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 tuyệt đối không được chủ quan mà phải tăng cường giám sát phát hiện sớm và sẵn sàng xử lý các tình huống, cấp độ cụ thể nếu xảy ra dịch.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh, nâng cấp, củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh; xây dựng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh; chủ động giám sát dịch tễ để phát hiện sớm các nguy cơ  ô nhiễm và bệnh dịch, dự phòng thuốc và hóa chất để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai, thảm họa, khống chế và đẩy lùi các dịch bệnh mới phát sinh…

Trí Dũng