Các hủ tục trong lễ hội không còn hợp với đời sống hiện đại cần được loại bỏ
(Cadn.com.vn) - Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội. Trao đổi với báo giới về các hiện tượng trong một số lễ hội dân gian như chém lợn, đâm trâu, treo đầu trâu, cướp lộc, đánh nhau... gây nhiều tranh luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: Những lễ hội còn cảnh bạo lực, phản cảm, không phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay cần phải được loại bỏ và không nên tái diễn trong các lễ hội đầu xuân. Những cái hay, cái đẹp cần được giữ gìn và phát huy, còn hủ tục không phù hợp với phương châm hòa bình, thân thiện, mến khách của đất nước Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế thì không nên giữ lại.
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, việc tổ chức các lễ hội phải đảm bảo dựa trên các nguyên tắc nhất định, đầu tiên là phải dựa trên ý nguyện của người dân, thứ 2 là tôn trọng pháp luật, thứ 3 là đảm bảo những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tính nhân văn của lễ hội, thứ 4 là phải phù hợp với thông lệ quốc tế và văn minh của quốc gia đó.
Đề cập đến tiền công đức của người dân ở các di tích, cơ sở thờ tự, lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Ở nhiều nơi, tiền công đức, giọt dầu, đóng góp của người dân được quản lí hết sức chặt chẽ, công khai. Số tiền này đã trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần đáng kể vào việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên ở một số nơi, việc quản lí, sử dụng nguồn lực này vẫn cần được tiếp tục chấn chỉnh. Vì thế, Bộ VH-TT&DL cùng một số cơ quan chức năng khác đã ra thông tư hướng dẫn để việc quản lí, sử dụng tiền công đức sao cho văn minh, lịch sự. Bộ đề nghị các địa phương phải nhập cuộc mạnh mẽ, yêu cầu các ban quản lí, thủ nhang, thủ đền cần phải kiểm tra việc này, công bố công khai cho người dân biết về số tiền đóng góp.
Thanh Giang