Báo Công An Đà Nẵng

Các khu kinh tế cửa khẩu dọc miền Trung-Tây Nguyên: Mãi là… tiềm năng

Thứ hai, 29/09/2014 07:43

* Bài 1: Cùng cảnh hoang sơ

(Cadn.com.vn) - Các Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) ở Việt Nam ra đời phù hợp với quan điểm đổi mới mở cửa, hội nhập nền kinh tế thế giới của Nhà nước trong những năm gần đây.

Hoạt động của KKTCK đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế của tỉnh, của vùng khi có KKTCK nói riêng và của cả nước nói chung. Nhận được nhiều quan tâm và chính sách ưu đãi nhưng nhìn một cách tổng quan, các KKTCK ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn chưa phát huy hết năng lực, lợi thế của mình...

Khu Chợ Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đìu hiu. 

NHIỀU ƯU ĐÃI VÀ HỨA HẸN

KKTCK quốc tế Bờ Y (H. Ngọc Hồi, Kon Tum) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quy mô diện tích hơn 70,4 nghìn ha, nằm ngay ngã ba Đông Dương với cửa khẩu quốc tế với Lào và cửa khẩu chính với Campuchia.

KKTCK này khi ra đời được đánh giá sẽ là động lực trong hệ thống các KKTCK của Việt Nam nằm trên ngã ba biên giới trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, là đầu mối giao thương trong khu vực, một điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanmar đến Đông Bắc Thái Lan, sang Nam Lào với điểm đến quan trọng là khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

Quy mô, mục tiêu phát triển của KKTCK QT Bờ Y theo quy hoạch chung được duyệt đến năm 2025 sẽ phát triển thành đô thị loại II vùng biên giới. Theo quy hoạch, giai đoạn 2006-2015, KKTCK QT Bờ Y sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng với kinh phí đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng, phục vụ cho 150 nghìn dân, trong đó dân cư đô thị là 100 nghìn người.

KKT CKQT Cầu Treo (Hà Tĩnh) là một trong 8 KKT Cửa khẩu trọng điểm của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2074/TTg-KTTH ngày 7-12-2012 để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế từ nguồn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015. KKTCK QT Cầu Treo kết nối Việt Nam với Thái Lan và Lào, với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp gia công, lắp ráp hàng dân dụng.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Lào đã có chủ trương thành lập “Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolykhamxay” trên cơ sở KKTCK QT Cầu Treo và thành lập mới khu kinh tế đối xứng phía Lào, tạo thành “Một khu vực, hai quốc gia, một chính sách”. Nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng cho khu hợp tác kinh tế biên giới này sẽ tạo động lực phát triển nhanh chóng cho khu vực biên giới của hai nước.   

Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Phó BQL KKTCK QT Cầu Treo - thì để thu hút đầu tư, tất cả các dự án đầu tư vào KKT đều được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn KT-XH đặc biệt khó khăn theo quy định của các Luật Đầu tư, Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng đó, các dự án đầu tư vào KKT được miễn tiền thuế đất trong 11 năm đầu và được hưởng mức giá thuê đất bằng 30% giá thuế đất áp dụng cho các huyện miền núi kể từ năm thứ 12 trở đi. Ngoài ra, còn có các ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt...

Một dự án nằm “phơi sương” trong KKTCK QT Cầu Treo.

VẪN Ở THÌ TƯƠNG LAI... XA

Điều đập vào mắt của bất kỳ ai đã từng đến KKTCK QT Lệ Thanh (Gia Lai) là sự lộn xộn trong quy hoạch, sơ sài về cơ sở hạ tầng, đìu hiu các hoạt động thương mại. Những gì có thể tìm thấy ở đây là một khu chợ được xây dựng lọt thỏm bên đường, các hạng mục về thương mại, công nghiệp vẫn là những khoảng đất trống mặc cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục dang dở hoặc phải dừng thi công…

* Tính đến tháng 4-2014, KKTCK QT Cầu Treo đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 2.828,11 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 8 dự án đi vào hoạt động; 5 dự án đang triển khai thi công và 9 dự án chưa đi vào triển khai xây dựng; 1 dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Với KKTCKQT Bờ Y là 32 dự án (12 dự án đã hoàn thành, 11 dự án phải tạm dừng và các dự án khác đang thực hiện) trong khi KKTCK Lệ Thanh có 36 dự án nhưng cũng rơi vào tình trạng tạm dừng hoặc thi công dang dở.

KKTCK QT Lệ Thanh theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2010-2020 cần 6.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 210ha nhưng từ năm 2003 đến nay, tổng kinh phí nguồn vốn đầu tư chỉ mới nằm ở con số nhỏ nhoi: gần 153 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ mới dừng ở mức nhỏ giọt nên các KKTCK này chưa thật sự thu hút được các nhà đầu tư.

Nguyên nhân do một số vướng mắc, khó khăn, nhất là vấn đề về vốn khi Trung ương chi hỗ trợ tối đa không quá 35% tổng mức đầu tư, phần vốn còn lại địa phương tự cân đối (65%), trong khi kinh phí của tỉnh có hạn chưa thể tập trung đầu tư lớn vào đây.

Quy mô hoạt động là KKTCK QT nhưng tại đây chỉ có hơn 100 lao động, trong đó lao động phổ thông đã chiếm 83,5% bởi hầu hết các DN kinh doanh tại Lệ Thanh chủ yếu mặt hàng nông, lâm sản.

Thế nên, mỗi khi đến vụ mỳ thì KKTCK này còn có chút sức sống với các chuyến xe chở nông sản từ Campuchia qua và lao động tự do từ các nơi khác đổ về. Hết vụ mỳ thì hầu hết các DN mua bán nông sản lại… ngừng hoạt động và Lệ Thanh lại rơi vào cảnh đìu hiu. Không chỉ yếu kém về hạ tầng, về công tác quy hoạch xây dựng KKTCK Lệ Thanh còn yếu cả việc thu hút đầu tư.

Cũng như vậy, KKTCK QT Bờ Y (Kon Tum) dù đã được đầu tư gần 1.600 tỷ đồng nhưng rất nhiều hạng mục hạ tầng cũng vẫn còn… dở dang. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với quy hoạch 2 KKTCK: là cửa ngõ chính trên vùng tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. “Quy hoạch là thế nhưng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư theo quy hoạch, chỉ mới đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu vốn theo quy hoạch khiến tiến độ đầu tư phát triển không đạt được mục tiêu đề ra”, ông Võ Trọng Hảo – Trưởng BQL KKT tỉnh Kon Tum cho biết. Thế nên, như lời ông Hảo thì việc hình thành KKTCK như mong muốn, như theo đúng quy hoạch vẫn còn nằm ở thì tương lai xa.

KKTCK QT Cầu Treo cũng nằm trong tình trạng tương tự do vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hạn hẹp, quá ít so với nhu cầu đầu tư và phát triển. “Đến nay, kết cấu hạ tầng KKTCK QT Cầu Treo đang rất thiếu và yếu, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư”, một lãnh đạo BQL KKTCK QT Cầu Treo cho biết.

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội KKT đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ; hệ thống dịch vụ thông tin liên lạc; dịch vụ tài chính ngân hàng… chưa đáp ứng nhu cầu, cũng như các yêu cầu về dịch vụ kỹ thuật và xã hội khác của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó việc thực hiện các cơ chế chính sách của KKTCK cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu tính đồng bộ, chồng chéo nên khó thực thi hiệu quả, gây tâm lý không ổn định, thiếu tin tưởng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào KKT.

Ngoài ra còn có những khó khăn khác như tuyến QL8 (cả phía Lào và Việt Nam) là tuyến đường giao thông chính và ngắn nhất để vùng Đông Bắc Thái lan và khu vực Trung Lào thông thương ra các nước qua cảng biển của Hà Tĩnh đến nay vẫn chưa được đưa vào tham gia Hiệp định vận tải xuyên biên giới (GMS-CBTA) và chưa được coi là hành lang kinh tế Đông-Tây nên vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về hành chính và kinh tế; đặc biệt là sự cản trở đối với đầu tư và hàng hóa của Thái Lan. Bên cạnh đó, KKTCK Cầu Treo tiếp giáp với Lào không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các KKT ven biển do đặc điểm về địa hình (mặt bằng chủ yếu là đồi núi). Đó là những nguyên nhân lý giải vì sao đến nay, KKTCK Cầu Treo vẫn rất hoang vắng.

(còn nữa)

Minh Tân – Xuân Sơn