Báo Công An Đà Nẵng

Các kịch bản của nền kinh tế Anh hậu bầu cử

Thứ bảy, 14/12/2019 12:47

Kết quả với chiến thắng cách biệt của đảng Bảo thủ trước Công đảng đối lập trong cuộc bầu cử lần này của Anh được cho là sẽ tác động đáng kể đến định hướng của nền kinh tế và thị trường tài chính nước này. Đã có những phác thảo về kịch bản của nền kinh tế Anh hậu bầu cử.

Thủ tướng, lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, ông Boris Johnson giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử lần này.   Ảnh AP 

Tăng trưởng kinh tế

Với chiến thắng của đảng Bảo thủ, vấn đề Brexit được cho là sẽ được giải quyết trong tháng 1-2020. Trong một tuyên bố sau chiến thắng vang dội, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, nước này sẽ rời khỏi EU vào ngày 31-1-2020. Phát biểu với những người ủng hộ, Thủ tướng Johnson nói: “Chúng ta sẽ hoàn thành Brexit vào đúng ngày 31-1-2020, không có chuyện nếu, không có chuyện nhưng, không có chuyện có thể”.

Tuyên bố mạnh mẽ này của ông Johnson mang lại những lạc quan cho vấn đề Brexit, để từ đó chính phủ có thể tập trung vào việc phát triển nền kinh tế vốn đang bị đình trệ. Theo dữ liệu chính thức mới nhất, nền kinh tế của Anh đã tránh được suy thoái kinh tế trong quý III nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động chậm lại trong năm mới. Ngân hàng Anh gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng của nước này lên 1,4% vào năm 2019 nhưng đã hạ bậc năm 2020 xuống còn 1,2%.

Đảng Bảo thủ của ông Johnson đã giám sát một thập kỷ khắc khổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Thủ tướng Johnson hiện đang hứa hẹn sẽ bơm hàng tỷ bảng Anh vào các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, đồng thời, đảng Bảo thủ cho biết họ không có kế hoạch tăng 3 loại thuế chính - thu nhập, bán hàng và đóng góp bảo hiểm quốc gia cho lợi ích nhà nước. Chính vấn đề này đặt câu hỏi về cam kết của chính phủ trong năm tài khóa mới. Theo các chuyên gia, triển vọng cho nền kinh tế của Anh cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là tranh chấp thương mại giữa Mỹ -Trung và trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái.

Đồng bảng Anh, cổ phiếu

Các nhà phân tích tài chính nhận định, thế đa số của đảng Bảo thủ chính là kết quả có lợi nhất cho đồng bảng Anh, vốn đã tăng trong tuần này - đạt mức cao nhất trong 10 tháng - với kỳ vọng lúc đó là Thủ tướng Johnson vẫn nắm quyền.

Hamish Muress, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Cty thanh toán quốc tế OFX cho biết: “Một chiến thắng phe bảo thủ có khả năng tăng cường đáng kể sức mạnh cho đồng bảng Anh, vì tương lai không chắc chắn của Brexit sẽ biến mất”. Nhưng nếu Thủ tướng Johnson vẫn khăng khăng cho rằng, ông có thể thực hiện một thỏa thuận thương mại với EU trước khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào tháng 12-2020, đó sẽ là khó khăn lớn đối với đồng bảng Anh. “Canada phải mất 7 năm để hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU, vì vậy kế hoạch của ông Johnson cứ như một giấc mơ. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng bảng Anh”, ông Muress nói thêm. Tiền tệ được coi là chỉ số đánh giá tốt hơn về sức khỏe của nền kinh tế của Anh so với thị trường chứng khoán London, nơi có nhiều Cty đa quốc gia kiếm tiền bằng USD.

Do đó, đồng bảng mạnh có xu hướng đè nặng lên chỉ số chứng khoán FTSE 100 của London. Nhưng theo các chuyên gia, chiến thắng của đảng Bảo thủ phủ đám mây u ám lên cổ phiếu của các Cty trên sàn chứng khoán, từ ngân hàng HSBC cho đến tập đoàn năng lượng lớn Royal Dutch Shell hay tập đoàn điện thoại di động Vodafone.

KHẢ ANH