Báo Công An Đà Nẵng

Các kiến giải, đề xuất để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn

Thứ năm, 22/10/2020 07:11

Tại phiên khai mạc chính thức Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, có nhiều đại biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao đã nêu các kiến giải, đề xuất để nhiệm kỳ tới Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Đà Nẵng có nhiều cơ hội

Đồng chí Hồ Kỳ Minh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh, Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao, với 3 trụ cột và 5 lĩnh vực mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Khẳng định rằng, Đà Nẵng có nhiều cơ hội và có đủ cơ sở để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, trong đó theo ông Minh, thì cần tập trung triển khai các chủ trương và giải pháp trọng tâm như điều chỉnh và duy trì cơ cấu kinh tế phù hợp. Cho rằng, trong bối cảnh khu vực dịch vụ (còn khó dự đoán, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) có thể phục hồi và tăng trưởng nhưng khó có đột phá, khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng nhanh ở mức cao. Vì vậy, TP cần chú trọng các giải pháp phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cân đối tỷ trọng của hai khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng trong nền kinh tế. Trong đó, phấn đấu giá trị tăng thêm các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng (giá so sánh 2010) phải tăng lần lượt khoảng 1,4 lần và 1,5 lần tại năm 2025 so với năm 2021; đồng thời, ngay trong năm 2021, tăng trưởng GRPD của thành phố phải phấn đấu đạt mức trên 8,5% để cơ bản đưa nền kinh tế Đà Nẵng trở lại ngang với cuối năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), sau đó tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 9,5% và kỳ vọng trên 10% vào năm 2025. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin (được định hướng là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng); đồng thời, duy trì khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao với 2 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics...

Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đồng chí Ngô Thị Kim Yến.

Để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, theo Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến, TP cần phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình y tế theo quy hoạch mạng lưới của ngành. Bên cạnh đó cần đổi mới hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế; trong đó, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành tại các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên ngành để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; từng bước áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp; tiếp cận các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế để nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển các lĩnh vực y tế chuyên sâu; Hoàn thiện hệ thống quản lý sức khỏe công dân, áp dụng các mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện điện tử. “Thành phố cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các thảm họa y tế; chuyển trạng thái mới cho toàn bộ hệ thống y tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ với các diễn biến phức tạp của một số bệnh dịch truyền nhiễm mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết dịch tễ học và đặc biệt là tăng cường năng lực hệ thống xét nghiệm cho hệ dự phòng”, bà Yến nói.

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị

Đồng chí Võ Công Chánh.

Liên quan đến công tác cán bộ, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Võ Công Chánh, TP cần xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị. Giải pháp được ông Chánh nêu ra, thứ nhất là về tổ chức bộ máy, TP cần phối hợp với các bộ, ngành T.Ư nhằm kịp thời ban hành các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý cán bộ khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị; triển khai tốt công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND TP, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu.

Giải pháp thứ hai theo ông Chánh là về công tác cán bộ. Để phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thí điểm chính quyền đô thị, cần rà soát làm tốt quy trình, công tác nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường bảo đảm theo các tiêu chuẩn, chức danh, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị; hướng dẫn thực hiện quy trình nhân sự UBND quận, phường, trưởng, phó cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo quy định của Chính phủ. Thực hiện các chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ và đạo đức công vụ. D.H