Báo Công An Đà Nẵng

Các lực lượng địa chính trị đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn

Thứ ba, 06/10/2020 12:04

Cả hai nước đều phải đối mặt với những thách thức đặt ra bởi các liên minh mà Mỹ đang tập hợp ở biên giới của họ để “kiềm chế” họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.   Ảnh: AFP

Tại sao Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn? Câu trả lời chính là những thách thức đặt ra bởi các hệ thống liên minh mà Mỹ đang tập hợp ở biên giới của họ để “kiềm chế” họ.

Mỹ gây sức ép

Ở Châu Âu, Mỹ đang đẩy Đức đi đến đồng thuận với Ba Lan và các nước Baltic về Nga, điều này tất nhiên sẽ yêu cầu Berlin phải từ bỏ việc theo đuổi quan điểm trung lập của mình trong mối quan hệ với Moscow, và thay vào đó chuyển sang chế độ đối địch. Động thái này khiến chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở Ba Lan và một số quốc gia khác ở Trung và Đông Âu với thái độ chống Nga ngày càng gay gắt.

Trong khi đó, ở châu Á, Mỹ đang dẫn đầu Liên minh Tứ giác cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia bao vây Trung Quốc. Mỹ hy vọng rằng các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể chuyển sang chế độ chống Trung Quốc. Với Ấn Độ, Washington đã đạt được nhiều tiến bộ, trong khi các quốc gia Đông Nam Á từ chối lựa chọn giữ Mỹ hay Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc không biết phải làm thế nào.

Mỹ sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại cả Nga và Trung Quốc mà không được các nền tảng luật pháp quốc tế ủng hộ và đang tăng cường gây sức ép thông qua việc áp dụng luật pháp quốc gia ngoài lãnh thổ để buộc các nước khác tuân theo các chế độ trừng phạt và luật pháp trong nước của mình, thường trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Các Cty Châu Âu đang thực hiện dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga đã bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tương tự như vậy, đã xuất hiện tin đồn về việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt như một vũ khí để các nước nhỏ bé như Sri Lanka chấm dứt dự án Vành đai và Con đường do các Cty Trung Quốc thực hiện.

Trong khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang giữ vai trò tương tự Ba Lan ở rìa phía tây Châu Âu, Cả hai đều là “con ngựa thành Troy” trong các chiến lược khu vực của Mỹ. Sự thay đổi chế độ ở Maldives hồi năm ngoái dẫn đến việc thành lập một căn cứ của Mỹ tại nước này, thiết lập một “chuỗi thứ hai” để theo dõi và đe dọa hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Mỹ, với sự hậu thuẫn của Ấn Độ, đang thúc ép ban lãnh đạo Sri Lanka mới được bầu phê chuẩn các hiệp ước quân sự đã được đàm phán, đặc biệt là Thỏa thuận về Quy chế lực lượng, mở đường cho việc đóng quân của quân nhân Mỹ trên quốc đảo này.

Một lần nữa, Mỹ không ngại chính trị hóa chương trình nhân quyền quốc tế và sử dụng các vấn đề nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Nga. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cơ quan và tổ chức của Trung Quốc. Nga cũng đang phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ về nhiều vấn đề khác nhau.

Xích lại gần nhau

Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 là một thảm họa địa chính trị đối với Nga. Sự kiện này khiến Moscow và Bắc Kinh, những kẻ thù trước đây, xích lại gần nhau hơn, khi họ không tin vào những cam kết của Mỹ về sự kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến sự bất ổn lớn, xung đột sắc tộc, thiếu thốn kinh tế, nghèo đói và tội phạm cho nhiều quốc gia kế thừa, đặc biệt là đối với Nga.  Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã nghiên cứu kinh nghiệm cải cách của Liên Xô để tránh đi vào “vết xe đổ”. Có thể đã có cảm giác e ngại về sự sụp đổ của Liên Xô, bắt nguồn từ nguồn gốc chung của nền hiện đại của hai nước.

Trong khi các cuộc thảo luận chính trị ở Trung Quốc và Nga về lý do Liên Xô tan rã đôi khi cho thấy những cái nhìn khác nhau, các nhà lãnh đạo Moscow và Bắc Kinh đã thành công trong việc đảm bảo rằng tương lai của mối quan hệ của họ không bị ảnh hưởng bởi điều này.

AN BÌNH