Báo Công An Đà Nẵng

Các mối đe dọa an ninh lớn nhất năm 2019

Thứ năm, 03/01/2019 20:23

Với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, vị thế quân sự của Nga ở Đông Âu mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và chính quyền Mỹ trở nên khó lường, năm 2019 sẽ không thiếu những bất ngờ chiến lược.

Cuộc gặp 3 bên

Tổng thống Donald Trump (phải) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentine tháng 12-2018.

Tất cả sự chú ý đang tập trung vào Washington với việc chính phủ đứng trước nguy cơ đóng cửa và những tranh cãi về vấn đề biên giới, Tổng thống Donald Trump hồi cuối tháng 12-2018 đề cập về một cuộc hội đàm 3 bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Một cuộc họp như vậy có thể là đòn bẩy bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang lớn trên toàn cầu. Điều khiến các đồng minh của Mỹ và cộng đồng quốc tế lo ngại là cuộc họp như vậy sẽ là "cuộc mặc cả lớn", trong đó ông Trump sẽ nghe theo bản năng biệt lập nhất và nhất trí với việc rút quân Mỹ về nước. Liệu hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Nga- Trung có thể xảy ra hay không sẽ được thể hiện khi Washington và Bắc Kinh sẽ gặp nhau vào tháng 1 trong một nỗ lực làm giảm leo thang tranh chấp về thuế quan giữa hai nước. Thời gian không còn nhiều nữa, và nếu những vấn đề như vậy không thể được giải quyết, một cuộc họp rộng hơn khó có thể xảy ra trong tương lai gần.

Châu Âu - đặc biệt là Ukraine

Binh sĩ Ukraine tập trận quân sự tại trung tâm huấn luyện ở khu vực Chernihiv.

Các quốc gia Châu Âu đặc biệt xuống tinh thần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức, và hiện đang lo lắng khi ông Trump lớn giọng rằng, lục địa này đóng góp quá ít vào công tác phòng thủ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn chặn các lực lượng Mỹ tiếp tục tham gia vào các cuộc tập trận chung với NATO - trừ khi ông Trump trực tiếp ra lệnh. Nhiều cuộc khủng hoảng chính trị sẽ tiếp tục tại Châu Âu. Liệu Anh có tránh một cuộc hỗn loạn nếu không đạt được thỏa thuận Brexit vào tháng 3 tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp khó khăn trong việc đáp ứng quá nhiều yêu sách của người biểu tình "Áo Vàng", và phải đối mặt với những cuộc đối đầu với dân chúng ngày càng tức giận. Cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vào tháng 5 được xem là sự trở lại mạnh mẽ của các đảng phái dân túy cánh hữu. Nền chính trị Đức sẽ không ổn định trước sự ra đi của Thủ tướng Angela Merkel, cũng như Italia hiện được coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, điểm có khả năng xảy ra leo thang xung đột nhất vẫn là Ukraine trong bối cảnh nước này và Nga mới xảy ra vụ đụng độ tại Eo biển Kerch.

Yemen và Syria

Cuộc xung đột tại kéo dài tại Yemen khiến hàng triệu trẻ em chết do đói.

Năm 2019 sẽ rất quan trọng đối với cả hai cuộc xung đột, đặc biệt là khi ông Trump quyết định rút quân khỏi Syria và chấm dứt hỗ trợ tiếp nhiên liệu của Mỹ cho các máy bay của Saudi Arabia ở Yemen. Tại Syria, việc rút quân của Mỹ có thể kéo theo việc gia tăng các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng như một cuộc tranh chấp ở khu vực của người Kurd, cựu đồng minh của Mỹ. Tại Yemen, Saudi Arabia phải quyết định có tuân thủ phần lớn tiến trình hòa bình do phương Tây hậu thuẫn nhằm ngăn chặn một cuộc chiến đang đe dọa hàng triệu người chết đói hay là sẽ đẩy mạnh các chiến dịch quân sự bất chấp sự lên án của quốc tế. Tuy nhiên, kết quả của cả hai cuộc xung đột sẽ cho chúng ta biết nhiều về một Trung Đông hiện đang bị chi phối bởi cuộc đấu tranh giữa một số quốc gia có quyền lực trung bình - đặc biệt là Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau hồi tháng 6-2018.

Sau những đột phá ngoại giao bất ngờ trong năm 2018, năm 2019 có thể sẽ khó khăn hơn nhiều khi giải quyết vấn đề của Triều Tiên. Hiện vẫn chưa chắc chắn về cuộc gặp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng Bình Nhưỡng dường như không bằng lòng với yêu cầu giải trừ quân bị của Mỹ. Tình hình Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào việc liệu quan hệ Mỹ - Trung cuối cùng sẽ như thế nào. Nếu cả hai bên có thể giảm leo thang trong chiến tranh thương mại, sức ép của Trung Quốc có thể giữ cho Bán đảo Triều Tiên bình yên. Tuy nhiên, nếu Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, việc Triều Tiên trở lại thử nghiệm vũ khí có thể châm ngòi cho việc Mỹ hành động quân sự và gây ra cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.

AN BÌNH