Các môn xã hội ít được lựa chọn, do đâu?
(Cadn.com.vn) - Các trường THPT trong cả nước đã và đang tiến hành cho học sinh lớp 12 đăng ký chọn các môn thi tốt nghiệp THPT và để xét tuyển vào Đại học. Qua khảo sát, thống kê bước đầu từ nhiều trường cho thấy, số học sinh lựa chọn 2 môn Vật lý và Hóa học chiếm tỷ lệ rất cao, có trường lên đến 85-90%. Trong khi đó, các môn Lịch sử, Địa lý thì tình hình ngược lại, thê thảm nhất là môn Sử.
Hai năm nay, khi Bộ GD-ĐT đã trao quyền tự chủ cho học sinh và các em có toàn quyền quyết định, lựa chọn. Tất nhiên, các em sẽ chọn thi những môn mà mình có thế mạnh, học tốt; những môn thuận tiện, ít phải đầu tư, học bài nhiều; những môn có liên quan thiết thực đến việc thi, xét tuyển ĐH, CĐ. Tính thực tế của học sinh thời nay biểu hiện rất rõ, kể cả người lớn cũng thế. Chúng ta không nên trách các em sao lại không chọn các môn xã hội để thi.
Chúng ta càng không nên nâng cao quan điểm, quan trọng hóa vấn đề: các em không chọn môn Lịch sử là có tư tưởng lệch lạc, không yêu nước, quay lưng lại với lịch sử dân tộc. Chúng ta không nên đổ lỗi cho học sinh không chọn môn xã hội là do sách giáo khoa khô khan, thầy cô giáo dạy các môn này thiếu hấp dẫn, lôi cuốn. Chắc gì, sách giáo khoa và giáo viên dạy các môn tự nhiên đã hơn sách giáo khoa và giáo viên dạy các môn xã hội?
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Tường (Quảng Ngãi) cho rằng: "Việc học sinh lớp 12 ít hoặc không chọn thi môn Lịch sử, Địa lý cũng là việc bình thường. Chúng ta hãy bình tĩnh suy xét cho thấu đáo. Các em không chọn môn thi đó không có nghĩa là các em không yêu thích, không có kiến thức về môn đó. Thi cử hiện nay chỉ là phần ngọn, kiểm tra, đánh giá được một lượng nhỏ kiến thức, kỹ năng mà thôi. Cái chính ở đây là thái độ, khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh trong quá trình học tập và chất lượng dạy của thầy.
Việc Bộ GD-ĐT và nhiều trường ĐH, CĐ đưa kết quả học tập ở lớp 12, một số môn và các năm lớp 10, 11 tham gia vào kết quả thi tốt nghiệp, sơ tuyển, xét tuyển là cách làm hay, để đánh giá chất lượng một cách toàn diện, chính xác hơn. Tất nhiên, điểm mới này cũng dễ bộc lộ sơ hở, nảy sinh tiêu cực ở nhà trường, giáo viên, phụ huynh cố ý hay dễ dãi nâng điểm cho học sinh, vì "bệnh " thành tích, "thương" học trò… Các cấp quản lý giáo dục ở trên cần thấy nguy cơ ấy để có biện pháp quán triệt, kiểm tra, ngăn ngừa ngay từ đầu".
Em Lương Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 12 C10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) chia sẻ: "Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, số môn thi tốt nghiệp cũng chỉ 4 môn, hơn nữa, chúng em được quyền lựa chọn các môn tự chọn mà mình có sở trường, thế mạnh, học tốt để thi, đỡ được một phần vất vả, áp lực, mệt mỏi cho việc học, ôn tập, thi cử. Em nghĩ kết quả thi tốt nghiệp của chúng em năm nay sẽ rất khả quan, tỷ lệ đậu cao".
Trong bối cảnh cánh cửa ngành nghề, việc làm dành cho các thí sinh, sinh viên học ngành khoa học xã hội- nhân văn ngày càng nhỏ hẹp; nhu cầu, cơ hội việc làm cho các ngành nghề khoa học tự nhiên, kỹ thuật lúc nào cũng rộng mở, mà bắt buộc, mời gọi nhiều em học sinh học và thi các môn xã hội, khối C là điều không tưởng. Tất cả chúng ta hãy chấp nhận thực tế này.
Để chống tư tưởng học lệch, học đối phó, đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học, ngành giáo dục cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả lộ trình Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Điều kiện thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT phải đạt mức học lực loại trung bình ở lớp 12 trở lên (vì hiện nay, mức học lực yếu vẫn được thi) vừa phù hợp với cách đánh giá, xếp loại học sinh phổ thông vừa buộc học sinh 12 không thể coi thường, lơ là, chểnh mảng các môn học văn hóa khác.
Nếu không có chế tài, điều kiện hợp lý thì khó trông đợi tính tự giác học tập toàn diện từ phía học sinh. Chúng ta cần áp dụng rộng khắp, đồng bộ dạy học theo hướng tích hợp, tự chọn trong những năm đến. Chỉ cần một số môn thi, bài thi nhưng giải quyết, kiểm tra được nhiều đơn vị, kiến thức, các môn học khác nhau như cách làm của trường ĐH Quốc gia Hà Nội đang áp dụng.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kể cả những đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong cả nước cần được nghiên cứu, soi xét thật kỹ lưỡng, có tính ổn định dài hơi trong nhiều năm để nhà trường, giáo viên, phụ huynh, các em học sinh bớt trạng thái lo lắng, trông ngóng, thậm chí hoang mang, dao động mỗi khi năm học đến, mùa thi cử lại về.
Đỗ Tấn Ngọc