Các nhà máy đồng loạt chuyển trạng thái sản xuất
Nhiều nhà máy trong khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp ở Đà Nẵng đồng loạt tăng nhân lực, mở rộng sản xuất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Sản xuất tại nhà máy UAC.
Sau gần 1 tháng duy trì sản xuất "ba tại chỗ" với tối đa 30% nhân lực, từ ngày 6-9 nhiều nhà máy ở Đà Nẵng bắt đầu chuyển trạng thái sản xuất mới theo hướng tăng nhân lực, công suất. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, lĩnh vực dịch vụ, du lịch gần như "đóng băng" thì hoạt động sản xuất công nghiệp hiện đóng vai trò chủ lực dù chỉ chiếm hơn 20% trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng. Tuy vậy, từ cuối tháng 7 khi dịch xuất hiện trong các khu công nghiệp, rồi đầu tháng 8 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng để phục vụ chống dịch. Quãng thời gian này khiến doanh nghiệp rất khó khăn, chỉ số phát triển công nghiệp của TP suy giảm.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Thuận Phước cho biết, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang là vùng đỏ 1,5 tháng qua, cho nên các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Bình thường KCN này có 7.000 công nhân nhưng thời điểm đó chỉ khoảng 700 công nhân làm việc, chủ yếu để chỉ để duy trì cho máy móc khỏi hỏng hóc. Đơn cử tại nhà máy của Thuận Phước bình thường 2,8 ngàn lao động, nhưng thời điểm đó chỉ gần 400 công nhân sản xuất "ba tại chỗ".
Điều đó khiến doanh thu xuất khẩu của công ty trong tháng 8 chỉ đạt 2 triệu USD, trong khi trung bình đạt từ 8-10 triệu USD. Đơn hàng xuất khẩu lớn nhưng nếu không đáp ứng đủ sẽ bị phạt, vì thế từ ngày 6-9 khi TP cho phép tăng nhân lực, công ty đã bố trí tăng công nhân lên khoảng 1.300 người, đạt 50%. Trong số này, có 400 công nhân duy trì "ba tại chỗ" còn lại thực hiện "một cung đường hai điểm đến". Ông Lĩnh nói: Chúng tôi có đơn hàng rất lớn đến đầu năm sau, vì thế phải nhanh chóng tăng công nhân, nâng công suất, bù đắp lại thời gian vừa qua nhằm đảm bảo đáp ứng đơn hàng với đối tác. Tuy nhiên, cái khó hiện nay việc lưu thông nguồn nguyên liệu chưa trở lại bình thường, thiếu hụt, nên có tăng công nhân cũng khó đáp ứng đơn hàng.
Tại khu Công nghệ cao, nhiều nhà máy cũng khẩn trương tăng công nhân, nâng công suất để sản xuất trong trạng thái mới. Ông Võ Văn Phước, đại diện nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC cho biết, từ ngày 6-9, công ty tăng lên gần 600 nhân lực, trong đó 20% thực hiện "ba tại chỗ" còn lại đi về "một cung đường hai điểm đến". Những nhân lực mới tới nhà máy lao động đều đến từ vùng an toàn, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi làm việc.
Tại nhà máy, công nhân sẽ được chia ca sản xuất, đảm bảo giãn cách, tuân thủ nghiêm quy định 5K, thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần. "Chúng tôi đã thành lập Tổ phòng chống Covid-19 trong nhà máy, thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt lao động khi có những biểu hiện bất thường như ho, sốt. Hiện gần 100% nhân lực nhà máy đã được tiêm vaccine. Toàn bộ công nhân, nhân lực vận chuyển nguyên liệu, thực phẩm… ra vào nhà máy được kiểm soát dịch chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho nhà máy sản xuất"- ông Phước chia sẻ. Cũng theo ông Phước, hiện nhà máy đã chuyển sang trạng thái sản xuất mới với yêu cầu chống dịch ngặt nghèo, đảm bảo 50% công suất. Nhà máy đang tranh thủ thời gian tăng công suất mới có thể đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, từ ngày 6-9 công ty sẽ bổ sung thêm nhân lực ở các dây chuyền sản xuất đã nghỉ hơn 20 ngày qua. Do đặc thù công ty sản xuất 3 ca (24/24 giờ) nên mỗi ca tối đa 30% nhân lực (khoảng 500 công nhân). Điều này vừa đảm bảo quy định của TP, đảm bảo yêu cầu giãn cách chống dịch, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng công suất. Ông Nhựt nói, công nhân ở vùng xanh đến nhà máy làm việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu chống dịch, được về nhà, thực hiện "một cung đường hai điểm đến".
Công nhân ở vùng đỏ được công ty thuê khách sạn cho lưu trú để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, đảm bảo sức khỏe sản xuất. Tài xế chở nguyên liệu vào nhà máy phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ, được sắp xếp khu vực riêng, cách ly hoàn toàn với khu vực sản xuất để đảm bảo chống dịch. Với việc sản xuất 3 ca (8 tiếng/ca), từ ngày 6-9 DRC sẽ đạt công suất trên 90%. Điều này giúp công ty duy trì doanh số trung bình khoảng 380 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 60%, việc tăng nhân lực, tăng công suất sẽ giúp công ty đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu. "Tháng vừa qua thực hiện các yêu cầu chống dịch, thị trường trong nước nhiều khó khăn về lưu chuyển, do đó chúng tôi duy trì công nhân sản xuất 2 dòng lốp chủ lực xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu tốt, đạt khoảng 9,3 triệu USD nên tháng qua doanh thu của doanh nghiệp vẫn đạt 310 tỷ đồng"- ông Nhựt chia sẻ.
Sau thời gian gần 1 tháng phải thu hẹp sản xuất phục vụ chống dịch, từ 6-9 nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng đã nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, tăng nhân lực, tăng công suất để bắt kịp đơn hàng, bù đắp thời gian đình trệ vừa qua. Hiện có khoảng 180 doanh nghiệp với hơn 15 ngàn lao động trong các KCN đang thực hiện "ba tại chỗ", nhiều doanh nghiệp khác áp dụng "một cung đường hai điểm đến" để duy trì, nâng cao công suất hoạt động. Với bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, trạng thái vận hành theo công tắc tắt mở bất cứ lúc nào, doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng trạng thái mới để sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế TP.
HẢI QUỲNH